Chuyển đổi phương thức bán hàng
Tiếp cận kênh bán hàng TMĐT từ năm 2019, nhưng gần đây HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) mới tập trung đẩy mạnh các sản phẩm trên sàn TMĐT. Hiện nay, HTX có hơn 10 sản phẩm được đưa lên giao dịch, mua bán trên sàn TMDT postmart.vn như: tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sữa, củ hoài sơn, bột hoài sơn…
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, việc bán hàng theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều nông sản đến kỳ thu hoạch phải vứt bỏ do không thể tiêu thụ được. Do đó, sàn TMĐT là kênh bán hàng hiệu quả lâu dài, giúp DN, nông hộ thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, sàn TMĐT còn là nơi giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi, tiếp cận nhiều thị trường và nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí. “Thay vì DN, HTX, nông dân phải đưa sản phẩm tới các điểm triển lãm, gian hàng, khi sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, tiếp cận với nền tảng số, việc quảng bá trở nên dễ dàng, đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn” ông Nhâm cho hay.
Dù chưa chính thức lên sàn TMĐT nhưng Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa) đang từng bước chuyển đổi phương thức bán hàng. DN này đang được cơ quan chuyên ngành hướng dẫn từng bước tiếp cận các loại hình bán hàng khác. Hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh đăng tải hình ảnh về sản phẩm qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn trước dịch bệnh.
Đại diện công ty cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, kênh bán hàng truyền thống giảm đáng kể, song lượng hàng tiêu thụ qua mạng tăng gấp 2-3 lần. “Việc sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT giúp người tiêu dùng nhận biết thương hiệu, nhận biết sản phẩm của mình và cơ hội tiêu thụ sản phẩm là rất cao. Tuy nhiên, nhiều DN, HTX và nông dân, đặc biệt là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa có chi phí để đầu tư đưa sản phẩm lên sàn TMĐT”, bà Cao Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long chia sẻ.
Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn
Tháng 7/2021, Sở NN-PTNT phối hợp Sở TT-TT, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Đến nay, Sở NN-PTNT đã tổng hợp, cung cấp danh sách đầy đủ thông tin của cơ sở, DN, HTX thuộc phạm vi quản lý của Sở cho các đơn vị liên quan. Đồng thời, Sở cũng đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố để cung cấp danh sách và đề nghị đẩy nhanh tiến độ cung cấp danh sách này.
Tính đến tháng 10/2021, đơn vị đã cung cấp danh sách 9.313 hộ sản xuất, cơ sở, DN, hợp tác xã cho Sở TT-TT, đã tạo 4.524 tài khoản trên sàn postmart.vn và 4.556 tài khoản trên sàn voso.vn. Kết quả số lượng sản phẩm đã kết nối qua điểm bán cố định và qua 2 sàn TMĐT nêu trên là 364,1 tấn.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp Sở TT-TT, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel Vũng Tàu phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở tham gia tiêu thụ trên sàn TMĐT. Đồng thời, Sở cũng lồng ghép thông qua hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các địa phương cập nhật lịch thời vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản, thủy sản, ước sản lượng theo từng loại, tiêu chuẩn sản phẩm… để phối hợp với các đơn vị có kế hoạch truyền thông quảng bá, kết nối tiêu thụ, tránh tồn đọng khi vào chính vụ và cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường, giá cả, dịch bệnh, tình hình vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu để cung cấp thông tin cho các hộ sản xuất.
Ngoài ra, để sản phẩm đạt chất lượng và quản lý chặt chẽ về điệu kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn các đơn vị tham gia thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và phòng chống dịch bệnh; quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích DN áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, hữu cơ…).
Song song đó, Sở NN-PTNT tăng cường công tác xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định và truy xuất được nguồn gốc… Tiếp tục hướng dẫn địa phương tổ chức ký cam kết và giám sát việc ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tăng cường công tác chứng nhận và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.