Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chiều 16-7
đã phản ứng về các ý kiến trên Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh về biển Đông
Sau tuyên bố ngày 13-7-2020 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vấn đề biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh đã đăng trên tài khoản Twitter của mình một số phát ngôn như sau:
Đường chín đoạn của Trung Quốc không phải thông báo vào năm 2009. Bản đồ chính thức biển Đông với đường đứt đoạn đã được xuất bản năm 1948 bởi chính quyền Trung Quốc và sau đó chính quyền ngày nay được thừa kế lại và không có bên nào phản đối gì.
Người dân Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động trên biển Đông từ 2000 năm trước. Chủ quyền và các quyền và lợi ích liên quan khác của Trung Quốc ở biển Đông đã được thiết lập bởi chiều dài lịch sử với sự liên hệ vững chắc giữa lịch sử và luật pháp.
Hơn 70 năm trước, Trung Quốc đã giành lại một cách hợp pháp Hoàng Sa và Trường Sa mà đã bị Nhật Bản chiếm đóng bất hợp pháp trước đó.
Nói thẳng, cần phải trao đổi lại với bà Xuân Oánh những điều này, cho dù nhiều người đã nói nhiều lần trước đây, nhưng bà vẫn không chịu hiểu.
Về vấn đề thứ nhất, bà cần phân biệt rõ việc xuất bản một bản đồ của một cá nhân nào đó trong nội bộ Trung Quốc với việc thông báo một cách chính thức trước cộng đồng quốc tế. Không biết vì không hiểu hay cố tình đánh tráo khái niệm như vậy. Ngay cả các học giả đáng kính nhất của Đài Loan - nơi cho xuất bản cái bản đồ đó cũng phải thừa nhận là bản đồ này chính thức được thông báo với cộng đồng quốc tế năm 2009. Từ đó đến nay, đã bao nhiêu công hàm/công thư của bao nhiêu quốc gia đã gửi đến LHQ và gửi đến chính phủ của bà để phản đối cái "đường lưỡi bò" vô lý đó. Ngay cả phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài đã thẳng thắn bác bỏ cái gọi là yêu sách quyền lịch sử của chính phủ Trung Quốc tại đường lưỡi bò này, vậy mà bà vẫn có thể nói được là không có quốc gia nào phản đối gì? Sao lạ vậy?
Vấn đề thứ hai, ngay trong phán quyết của Toà trọng tài cũng xác định rõ là không có bằng chứng để chứng minh người Trung Quốc là người đầu tiên đến vùng biển này. Chưa kể nhiều người Nhật Bản, Philippines, Việt Nam … cũng đã đến vùng biển này từ lâu, chứ đâu chỉ là người Trung Quốc. Về mặt lịch sử, các nhà khảo cổ học tìm thấy các tàu đắm của người Trung Quốc tại biển Đông sớm nhất là ở thế kỷ 12, còn các tàu đắm của người dân Đông Nam Á được tìm thấy ở biển Đông sớm nhất từ thế kỷ thứ 4. Vậy ai mới là người đến biển Đông sớm nhất? Không lẽ người Trung Quốc chỉ bơi tới biển Đông mà thôi, chứ không dùng tàu?
Nói thẳng, cả lịch sử và luật pháp đều không ủng hộ cho phát ngôn này của bà đâu, bà Hoa Xuân Oánh ạ!
Vấn đề thứ ba, xin nhắc lại cho bà rõ, trong Tuyên bố Cairo ngày 27-11-1943, hoàn toàn không có câu chữ nào đề cập tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị San Francisco từ ngày 04 đến 08 tháng 9 năm 1951, với sự tham dự của đại diện 51 nước để trao đổi nội dung của Dự thảo Hòa ước sẽ được ký với Nhật Bản.
Trong quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung sau: "Nhật Bản công nhận chủ quyền hoàn toàn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Manchuria (Mãn Châu), đảo Đài Loan (Formosa) cùng với tất cả các đảo kế cận đảo này, quần đảo Penlinletao (Pescadores tức Bành Hồ), quần đảo Tunshatsuntao (quần đảo Pratas), cũng như đối với hai quần đảo Sishatuntao và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, bãi cát ngầm Maxfield) và quần đảo Nanshatsuntao, kể cả quần đảo Trường Sa, và Nhật từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với các vùng lãnh thổ nêu trong điểm này".
Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể ngày 05 tháng 9 năm 1951 hầu hết đại diện các nước tham gia Hội nghị đã nhất trí không chấp thuận đề nghị bổ sung này (Quyết định này đã được thông qua với 46 phiếu thuận, 03 phiếu chống, 01 phiếu trắng).
Đáng chú ý là cũng trong quá trình thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại của Việt Nam là Trần Văn Hữu đã tuyên bố rằng từ lâu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và "cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam".
Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam.
Quá trình thảo luận tại Hội nghị và nội dung của Hòa ước San Francisco cho thấy: Các nước tham gia Hội nghị đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vì không có nước nào phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố của đại diện Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo này luôn luôn thuộc về Việt Nam.
Có tài liệu, bản đồ chính thống nào được quốc tế công nhận có đường lưỡi bò không thưa bà Hoa Xuân Oánh? Bà đừng tự huyễn hoặc vẽ ra luật vu vơ nữa!