Thưa các đồng chí,
Câu chuyện của Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là câu chuyện của khá nhiều tạp chí Việt Nam. Mà Việt Nam có tới trên 600 tạp chí. Nếu giải quyết tốt câu chuyện của Tạp chí TT&TT thì là gợi mở cho nhiều tạp chí khác. Anh Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng và Cục Báo chí rất nên coi giải câu chuyện cho Tạp chí TT&TT là giải một câu chuyện lớn hơn, là câu chuyện tạp chí Việt Nam.
Tiền thân của Tạp chí Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Tạp chí) là Tập san Kỹ thuật Bưu điện, Truyền thanh ra đời từ năm 1962. Vậy là Tạp chí có lịch sử phát triển 60 năm. 60 năm, 6 lần đổi tên, nhưng đều gắn với sự phát triển của Ngành. Từ Bưu chính, Viễn thông rồi thêm Công nghệ Thông tin, rồi thêm Báo chí, Xuất bản và Truyền thông, rồi thêm Công nghệ số, rồi thêm Chuyển đổi số với 3 trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Các lĩnh vực mà Bộ TT&TT quản lý liên tục được mở rộng, vì thế mà nội dung của Tạp chí cũng liên tục mở rộng.
Có 3 đặc điểm quan trọng của Tạp chí TT&TT. Thứ nhất, Tạp chí là chuyên ngành, là chuyên sâu, là khác biệt với Báo. Thứ hai và thứ ba, lĩnh vực TT&TT liên tục phát triển, liên tục mở rộng và phát triển nhanh nhất trong tất cả các lĩnh vực, lại có tính dẫn dắt các lĩnh vực khác. Vậy là, đã sâu lại còn rộng và mới nữa. Và đó vừa là cái khó, vừa là đất phát triển cho Tạp chí.
Bây giờ hãy giải chữ “Sâu” trước. Chữ “Sâu” này là khác biệt cơ bản giữa báo và tạp chí. Báo là tin, là dễ làm, phóng viên của báo làm được. Tạp chí là các bài phân tích, lý luận chuyên sâu, phóng viên của Tạp chí chưa chắc đã làm được ngay. Mình không làm được thì người khác sẽ làm được. Cũng vì mình không làm được, hoặc không làm mà mỗi phóng viên sẽ có hàng trăm người viết chuyên sâu cho Tạp chí. Vậy là, đối với Tạp chí thì mạng lưới chuyên gia là quan trọng, mạng lưới với các Viện nghiên cứu là quan trọng, mạng lưới với các cơ quan quản lý là quan trọng, mạng lưới số liệu ngành là quan trọng, mạng lưới với các nhà lập pháp là quan trọng, mạng lưới với các cơ quan hành pháp là quan trọng, mạng lưới với các doanh nghiệp là quan trọng, mạng lưới với các tổ chức bảo vệ người dùng là quan trọng, với các Hội, Hiệp hội là quan trọng, mạng lưới với các tạp chí quốc tế về lĩnh vực TT&TT là quan trọng. Vậy với Báo thì phóng viên là quan trọng, còn với Tạp chí thì mạng lưới là quan trọng.
Chữ “Sâu” còn có một cái hay là ít có cạnh tranh. Viết chuyên sâu về lĩnh vực TT&TT thì chắc chỉ có Tạp chí TT&TT. Báo thì không có cái may mắn này. Thời buổi cạnh tranh bây giờ thì có được vùng “biển xanh” là quan trọng.
Tạp chí có may mắn là rất nhiều thông tin chuyên sâu: Vấn đề sâu, số liệu sâu, phân tích sâu, kiến giải sâu, chuyên đề sâu, nghiên cứu sâu, lý luận sâu, hội thảo sâu, luật pháp sâu, chính sách sâu, quốc tế sâu... Tất cả những cái sâu này nằm ở Bộ, nằm ở các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ, các Hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp ngành TT&TT, nằm ở các chuyên gia trong bộ và trong ngành. Vấn đề chỉ là lấy ra thôi. Vấn đề chỉ là tổ chức thôi, thí dụ tổ chức hội thảo chuyên sâu về chính sách, rồi tổng hợp lại.
Chữ “Sâu” cũng có một cái hay là giá trị cao. Tạp chí có thể có những nội dung giá trị cao để trở thành ấn phẩm trả tiền.
Bây giờ hãy giải tiếp chữ “Rộng”. Bộ TT&TT quản lý rất rộng, có đến gần chục lĩnh vực quản lý. Chữ “Rộng” thì khá dễ giải. Đó là các ấn phẩm, chuyên san cho từng lĩnh vực. Cái hay ở đây là Tạp chí có cơ hội tạo ra nhiều sân chơi, cho nhiều người. Có cơ hội để nhiều người sinh ra đứa con của mình và vì là đứa con của mình mà họ phát huy hết tiềm năng. Hãy có niềm tin vào con người! Hãy mạnh dạn giao cho họ một ấn phẩm. Một người một ấn phẩm. Một người thì thành, nhiều người lại có thể không thành. Vì một người bây giờ không phải một người. Phía sau mỗi người bây giờ là tri thức của hàng triệu, hàng tỷ người đang sẵn có trên mạng, lại có thêm cả những trợ lý ảo như ChatGPT. Lời giải cho chữ “Rộng” là chữ “Nhỏ”. Chia nhỏ ra và giao cho một người, giao cho một nhóm nhỏ.
Chữ “Rộng” cũng có cái hay là độc giả nhiều. Các lĩnh vực của Bộ TT&TT đều động chạm đến 100 triệu người Việt Nam, như: Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ số, Chuyển đổi số, Báo chí, Sách, Truyền thông. Từ chữ “Sâu” - dành cho người chuyên môn - có ra được chữ “Rộng” - dành cho đại chúng, được không? Không những là làm được mà cần phải làm. Trung Quốc còn đặt mục tiêu đại chúng hoá Chủ nghĩa Mác-Lê. Vậy thì lĩnh vực TT&TT hoàn toàn có thể đại chúng hoá được. Một trong những cách đại chúng hoá là làm cẩm nang, từ chuyên sâu phải chuyển thành cẩm nang cho mọi người. Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ đã có hơn 10 triệu người đọc, lớn hơn nhiều Tạp chí.
Giải được chữ “Rộng” thì Tạp chí cũng sẽ giải được một vấn đề khá nặng là không cân đối giữa các lĩnh vực của Bộ. Vì ít người, ít nguồn lực nên Tạp chí khá bị lệch, rất nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ bị bỏ sót, nhất là về Báo chí, Xuất bản và Truyền thông.
Bây giờ đến chữ “Mới”. Mới thì không chỉ là lĩnh vực mới, mà lĩnh vực cũ cũng có nhiều cái mớ. Đó là, luật pháp mới, chính sách mới, công nghệ mới, mô hình mới, cách tiếp cận mới, thử nghiệm mới. Cản trở với cái mới thì chủ yếu là sợ sai. Vậy hãy nói về cái mới ở mục tranh luận, mạn đàm, thử nghiệm, giới thiệu kinh nghiệm hay.
Cái mới cũng dễ ở nhiều chỗ. Cái mới dễ ở chỗ, ít cạnh tranh, nó giống như “biển xanh”. Cái mới dễ ở chỗ, dễ làm cho mình trở thành quan trọng. Cái mới dễ ở chỗ, giá trị tạo ra cao hơn và vì thế trả được lương cao, tuyển được người giỏi. Cái mới dễ ở chỗ, những người giỏi thì thường ham mê cái mới, muốn làm cái mới và vì thế mà họ sẽ về nơi có cái mới, được làm là thích rồi, chưa cần đến lương cao. Cái mới dễ ở chỗ, điểm xuất phát là như nhau, không như cái cũ có người đã đi trước chúng ta cả chục năm, có khi tới vài chục năm, vượt lên họ là rất khó. Cái mới dễ ở chỗ, Tạp chí sẽ buộc phải dùng người ngoài nhiều hơn và vì thế mà bộ máy sẽ gọn nhẹ, thích ứng nhanh. Cái mới dễ ở chỗ, vì mới nên không biết và vì không biết mà tính học hỏi sẽ cao hơn, mà sức mạnh lớn nhất của một tổ chức bây giờ là tính học hỏi. Và cũng vì không biết, không có mà chúng ta sẽ phải đi ra ngoài, đi ra thế giới để tìm, để biết ai tốt nhất cái gì rồi mang về. Người giỏi nhất bây giờ là người biết ai giỏi nhất cái gì. Tạp chí sẽ có chỗ đứng tốt hơn do làm cái mới.
Ngoài ra còn một câu chuyện nữa của Tạp chí. Tạp chí TT&TT là do nhập về đây 4 cơ quan báo chí, lại không có “ông” nào to hơn hẳn các “ông” còn lại. Có lúc có tới 3-4 TBT cùng lúc. 4 tổ chức, 4 văn hoá, 4 cách làm khác nhau, 4 lĩnh vực, 4 nội dung chuyên môn khác nhau. Có lẽ đây là vấn đề khó nhất. Khó đến mức mà sau 5 năm rồi vẫn chưa ổn. Một phần là do chúng ta chưa xử lý vấn đề một cách hợp lý. Cách tốt nhất vẫn là 1 mà 4, 4 mà 1. Nghĩa là 4 ấn phẩm riêng về nội dung, chung nhau là nền tảng số để làm tạp chí, chung nhau là phần hậu cần, cơ quan chức năng dùng chung, chung nhau ở chỗ 4 ấn phẩm dành 20-40% doanh thu của mình để làm nguồn thu chung của cả Tạp chí, phần còn lại là dùng riêng.
Tạp chí quá tốt ở khía cạnh, được ngân sách cấp đến 80%, trong khi đa số các tạp chí khác không nhận được ngân sách nhà nước. Quá tốt ở khía cạnh, thu nhập người lao động cao hơn các tạp chí khác. Chỉ chưa tốt ở những khía cạnh còn lại, là đoàn kết, nội dung, phóng viên. Không phải cứ nhà nước nuôi là tốt, trong không ít trường hợp là do nhà nước nuôi nhiều mà lại thành không tốt. Có thể lời giải lại là giảm ngân sách nhà nước xuống 30% để Tạp chí tốt lên.
Tạp chí muốn tốt, muốn huy hoàng thì ngành phải tốt, phải huy hoàng. Trước đây, thời Bưu chính, Viễn thông, khi Viễn thông đổi mới, số hoá, đi đầu cả nước về cải cách mở cửa, thì Tạp chí huy hoàng. Ngành một giai đoạn cũng bị kém đi, thậm chí mất Sở, chuẩn bị mất Bộ, Tạp chí cũng vì thế mà kém đi. Nay Ngành, Bộ vào giai đoạn đổi mới lần 2, là hạ tầng số, là truyền thông số, là công nghiệp số, là chuyển đổi số. Một thời cơ mới cho Tạp chí đang đến.
Tạp chí hãy tận dụng cơ hội mới này, đoàn kết nhau để viết một trang mới cho một tạp chí đã 60 năm.
Thay vì là một Tạp chí thì hãy là một nền tảng số làm tạp chí. Các cơ quan báo chí bây giờ phải trở thành nền tảng số. Chỉ có nền tảng mới dẫn dắt được xã hội. Bởi vì cách dẫn dắt mọi người tốt nhất không phải để họ chỉ làm độc giả mà còn tạo điều kiện cho họ thành người tạo ra nội dung của cơ quan báo chí. Và công nghệ số đã sẵn sàng cho việc này.
Chúc các đồng chí đổi mới thành công!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông