Áp dụng dấu thời gian giúp doanh nghiệp, tổ chức chống giả mạo trong giao dịch điện tử

Thứ năm, 04/11/2021 19:18

Là dịch vụ nâng cao cho chữ ký số, dấu thời gian – Timestamp gắn thông tin về ngày, tháng, năm và thời gian vào thông điệp dữ liệu, giúp doanh nghiệp, tổ chức chống gian lận, giả mạo trong giao dịch điện tử.

 CA công cộng đầu tiên cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian

Tối 31/3, Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS đã chính thức ra mắt dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian TrustCA Timestamp. Đây là nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng - PV) đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho biết, giữa bối cảnh kinh tế số là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong 3-5 năm nữa, với tiềm năng tạo ra 10 - 13% GDP, việc có các công cụ giúp người dân tham gia kinh tế số dễ dàng hơn là hết sức quan trọng. Chữ ký số từ 10 năm qua đã và đang là một công cụ hữu hiệu, giúp đảm bảo độ tin cậy khi giao dịch điện tử.

Chữ ký số có 3 tác dụng chính gồm văn bản số được ký có giá trị tương đương chữ ký tay, văn bản không bị thay đổi chỉnh sửa, khẳng định được người ký là ai. Tuy nhiên, có một số giao dịch mà trong đó, thời điểm ký có ý nghĩa quan trọng, chẳng hạn như các giao dịch chứng khoán, giao dịch ngân hàng.

Theo Nghị định 130 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ giá trị gia tăng để gắn thông tin về ngày, tháng, năm và thời gian vào thông điệp dữ liệu. Dấu thời gian xác nhận thời điểm tạo, sửa đổi tài liệu điện tử: ký số chứng từ, hóa đơn, tài liệu điện tử… dấu thời gian gắn trên thông điệp dữ liệu được đồng bộ với thời gian của đồng hồ nguyên tử Cesium là nguồn thời gian chuẩn do Tổng Cục đo lường chất lượng quản lý. Không ai, kể cả chủ sở hữu, có thể thay đổi thời gian đã được gắn vào thông điệp dữ liệu.

“Với việc cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian, SAVIS nói riêng và thị trường chữ ký số Việt Nam nói chung đã có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Dấu thời gian cũng giúp kiểm tra giá trị pháp lý của văn bản được ký số, ngay cả khi chứng thư số khi kiểm tra đã hết hiệu lực”, ông Nghĩa nhận định.

Thời gian qua, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia – NEAC đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tích cực thẩm định, đánh giá cho hệ thống kỹ thuật và quy trình vận hành của SAVIS. Việc cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian TrustCA Timestamp phải đảm bảo tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng với dịch vụ cấp dấu thời gian.

Kết hợp với công nghệ xác thực lâu dài LTV/LTANS, dịch vụ dấu thời gian TrustCA Timestamp sẽ bảo vệ tuyệt đối tài liệu trong chống giả mạo, gian lận khi giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho lưu trữ điện tử lâu dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc vĩnh viễn trong tổ chức.

20211119-pg14.jpg

Góp phần hiện thực hóa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Đại diện NEAC cũng đề nghị SAVIS thời gian tới tiếp tục phát huy các tiền đề đã đạt được để góp phần xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, giúp phát triển lĩnh vực chữ ký số nói riêng, lĩnh vực Chính phủ điện tử và bảo mật - an toàn thông tin nói chung, từ đó góp phần hiện thực hóa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước.

Tôi cũng mong rằng trong thời gian sắp tới, sẽ có nhiều CA cùng cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian và các dịch vụ khác trong lĩnh vực chữ ký số như ký số từ xa, ký số trên SIM. Mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có một danh tính số, một chữ ký số nếu đạt được sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển kinh tế số. Rất mong các CA nói riêng, các doanh nghiệp CNTT nói chung sẽ cùng đồng hành thực hiện mục tiêu này”, đại diện Trung tâm NEAC chia sẻ.

Trong khuôn khổ sự kiện tối 31/3, Cục CNTT của Bộ Y tế và SAVIS đã ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian Timestamp Healthcare chuyên ngành y tế.

Y tế là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Ngành y tế đã xác định sẽ tập trung vào phát triển y tế từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng và hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54 năm 2017 về tiêu chí CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư 46 năm 2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, lộ trình từng bước bỏ bệnh án giấy.  Vì thế, ngành y tế cần áp dụng các giải pháp số hóa tài liệu, áp dụng những tiêu chuẩn ký số bảo mật nhằm đảm bảo tính pháp lý về lưu trữ tài liệu y tế điện tử, bệnh án điện tử trong 10 năm, 20 năm một cách bảo mật, xác thực nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức (bệnh viện), cá nhân (bác sĩ, điều dưỡng). 

Sự hợp tác mới ký kết được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những thay đổi trong hoạt động của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, khi có thể số hóa quy trình xử lý hồ sơ, bệnh án từ bản giấy sang 100% không giấy tờ với mức độ an toàn, bảo mật và tính tuân thủ pháp lý cao.

theo ictnews.vietnamnet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top