Ngày nay, sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội đã khiến không gian và thời gian liên kết giữa người với người chỉ trong một vài thao tác trên công cụ số. Tuy nhiên, vì những mục đích khác nhau, “những cạm bẫy thu thập dữ liệu người dùng” đang diễn ra cùng với quá trình con người tham gia mạng xã hội.
Về cơ bản, khi tham gia các trang mạng xã hội, người dùng đều phải cung cấp những thông tin cơ bản về tên, tuổi, số điện thoại, email, địa chỉ. Trong quá trình tham gia mạng xã hội, con người đã cung cấp những thông tin về vị trí địa lý, hành động, thói quen, nội dung sử dụng. Bên cạnh đó, các ứng dụng luôn truy cập những thông tin cơ bản trong điện thoại di động của người dùng. Với những thông tin này, thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo và những công cụ phân tích, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã nắm được những vấn đề cơ bản của một con người, như thị hiếu, tâm lý, xu hướng, nghề nghiệp, thái độ, quan điểm… Những thông tin đó sẽ được phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, thậm chí là những mục đích mờ ám.
Mạng xã hội Tiktok
Sự hình thành và phát triển của mạng xã hội Tiktok, còn có tên gọi là Douyin hoặc Vibrato (rung động), bắt nguồn và phát triển bởi công ty ByteDance (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh) vào tháng 9/2016, do Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) lập ra. Ban đầu Tiktok là ứng dụng Douyin với phiên bản dành riêng cho người dùng Trung Quốc; sau đó, phiên bản quốc tế với tên gọi Tiktok được ra đời. Ứng dụng này cho phép xem clip nhạc, quay video ngắn và chèn hiệu ứng đặc biệt, hầu hết video có thời lượng ngắn dưới 1 phút. Nhìn chung Tiktok tập hợp các tính năng mới nhất thiên về giải trí, được thế hệ trẻ yêu thích như dễ dàng theo dõi người tạo ảnh hưởng, cập nhật các xu hướng mới, hiệu ứng từ các trò chơi, sản xuất video dễ dàng nhất; đồng thời cho phép người dùng có thể trở thành người sáng tạo và khuyến khích người dùng chia sẻ niềm đam mê, sự sáng tạo thông qua những đoạn video.
Năm 2019, Tiktok đã có mặt trên 155 quốc gia với 75 ngôn ngữ, có 500 triệu người trên thế giới sử dụng Tiktok đã trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất thế giới vào tháng 01/2020, nhất là tại Ấn Độ, Brazil, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc…
Đối tượng sử dụng Tiktok chủ yếu là giới trẻ (từ 16 đến 24, chiếm 41%) và có 55,6% người dùng là nam, 44,4% người dùng là nữ; 90% người dùng truy cập vào ứng dụng hằng ngày, 68% người dùng xem video do người khác đăng tải và 55% đăng tải video của chính họ. Người dùng thường dành 52 phút mỗi ngày để tạo và chia sẻ video hay xem video và trung bình có hơn 1 tỷ video được xem mỗi ngày.
Mạng xã hội tiktok tồn tại lỗ hổng
Như những trang mạng xã hội khác, Tiktok tồn tại nhiều hạn chế cần được nhận diện và phòng tránh, cụ thể là:
Tiktok tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, cho phép tin tặc dễ dàng khai thác và chiếm đoạt tài khoản người dùng, giả mạo thông tin, nội dung và tải lên các video trái phép. Lỗ hổng bảo mật đó cho phép tin tặc truy xuất thông tin cá nhân của người dùng và thay đổi nội dung của họ, gửi được các tin nhắn văn bản như thể được gửi từ Tiktok với các đường dẫn độc hại. Những đường dẫn này cho phép nhiều bên thứ ba truy cập được vào tài khoản Tiktok. Sau đó, tải lên video, thao túng hoặc chỉnh sửa các nội dung hiện hữu và lấy đi thông tin cá nhân.
Các ứng dụng của Tiktok có quyền truy cập vào bộ nhớ tạm, thu thập tài liệu của người dùng một cách dễ dàng, trong đó có nhiều thông tin nhạy cảm (mật khẩu, số điện thoại, email, mã thẻ ngân hàng).
Giám đốc điều hành mạng xã hội Reddit - Steve Huffmen chia sẻ: “Tôi xem ứng dụng đó như một dạng ký sinh trùng, luôn luôn theo dõi người dùng. Công nghệ nhận dạng vân tay mà họ sử dụng rất nguy hiểm và tôi không dám cài đặt một ứng dụng như thế lên điện thoại của mình”.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng Tiktok là phần mềm gián điệp của Chính phủ Trung Quốc, che giấu việc khai thác thông tin người dùng bằng cách mã hóa các dữ liệu mà ứng dụng này truy xuất.
Nhóm tin tặc lớn nhất thế giới Anonymous cho rằng: Tiktok là một dịch vụ thu thập dữ liệu được che giấu dưới vỏ bọc là một mạng xã hội. Họ đang sử dụng một API để lấy thông tin, danh bạ và cả thiết bị của người dùng. Nguy hiểm nhất là họ có thể cấu hình từ xa, ngăn chặn sửa lỗi ứng dụng. Đồng thời, Tiktok thu thập các thông tin phần cứng của thiết bị. Một số phiên bản của ứng dụng này còn tự động cập nhật thông tin vị trí người sử dụng 30 giây một lần thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, quá trình thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân từ người dùng đều có thể tùy chỉnh từ xa.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo từ các chuyên gia an ninh mạng của ProtonMail (dịch vụ email mã hóa thuộc công ty Proton, Thụy Sĩ) khuyến cáo mọi người cảnh giác với Tiktok vì không chỉ thu thập dữ liệu cá nhân, ứng dụng này còn hợp tác với chính quyền Trung Quốc để mở rộng giám sát, kiểm duyệt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 27/11/2019, một nhóm người dùng tại California - Mỹ đã đâm đơn kiện Tiktok với cáo buộc thu thập tất cả video được quay trên ứng dụng dù chúng không được đăng tải. Vụ kiện nói rằng Tiktok còn sử dụng video, ảnh hồ sơ để thu thập dữ liệu sinh trắc học, lén lút gửi về máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Phản ứng của một số nước đối với mạng xã hội Tiktok
Trước lo ngại ứng dụng Tiktok của Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng và gửi về chính phủ Trung Quốc, một số quốc gia đã tiến hành các biện pháp nhằm vào ứng dụng Tiktok, đáng chú ý như sau:
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã “mở cuộc điều tra nhằm vào Tiktok với cáo buộc rò rỉ dữ liệu cá nhân”. Cuộc điều tra được tiến hành tại văn phòng ứng dụng Tiktok tại Hàn Quốc, sau khi Nghị sĩ Đảng Lao động Hàn Quốc Song Hee-kyeoung chỉ ra các nguy cơ an ninh mạng tiềm tàng từ Tiktok trong phiên điều trần ở Quốc hội vào tháng 10/2019.
Ngày 15/7/2020, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc đã phạt Tiktok 186 triệu won (gần 3,6 tỷ đồng) vì sai phạm trong xử lý thông tin người dùng, vi phạm luật viễn thông do thu thập dữ liệu của trẻ em dưới 14 tuổi mà không được sự đồng ý của cha mẹ, cũng như không thông báo chính xác cho người dùng về việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài. Tiktok đã thu thập trái phép 6.000 mẫu dữ liệu của người dùng dưới 14 tuổi, còn dữ liệu của người dùng trong nước bị chuyển sang máy chủ tại Mỹ và Singapore.
Hoa Kỳ
Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp hạn chế đối tượng sử dụng ứng dụng Tiktok, nổi bật là:
Tháng 02/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ tuyên bố phạt 5,7 triệu USD đối với Tiktok vì đã thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của trẻ em và vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.
Tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi đi thông điệp về không gian mạng, hối thúc gần 23 nghìn nhân viên Lầu Năm Góc gỡ ứng dụng Tiktok vì có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân với “thế lực không mong muốn”; đồng thời, khuyến nghị nhân viên cảnh giác trước các ứng dụng tải về và điều tra chủ sở hữu có “bất kỳ liên hệ nước ngoài đáng nghi”.
Ngày 31/12/2019, Lục quân Mỹ ban hành lệnh cấm binh sĩ sử dụng Tiktok. Với quan điểm chủ động giải quyết các mối đe dọa hiện có và đang nổi lên trên không gian mạng, tháng 3/2020, Hải quân Mỹ đã ra lệnh cấm binh sĩ sử dụng Tiktok. Những binh sĩ có điện thoại cài đặt ứng dụng Tiktok sẽ không được phép truy nhập vào mạng nội bộ (Intranet) của lực lượng Hải quân.
Ngày 22/7/2020, Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm ứng dụng Tiktok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật chính sách quốc phòng, bao gồm các điều khoản cấm các nhân viên liên bang tải ứng dụng Tiktok trên các thiết bị của chính phủ.
Ngày 06/8/2020, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng Tiktok trên các thiết bị của chính phủ.
Một số quốc gia khác
Đầu tháng 7/2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm Tiktok do chứa nhiều nội dung xấu và không phù hợp.
Tháng 02/2019, Tiktok bị cấm ở Bangladesh và Ấn Độ.
Ngày 29/6/2020, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng, ứng dụng Tiktok “gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ”.
Mạng xã hội Tiktok ở Việt Nam
Tiktok là mạng xã hội miễn phí và công khai, sau khi ra đời, đã có nhiều người ở Việt Nam tải và sử dụng. Ngày 24/4/2019, tại Gem Center (TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra lễ ra mắt chính thức của ứng dụng nền tảng video dạng ngắn Tiktok.
Từ khi du nhập vào Việt Nam đến khi chính thức mở văn phòng đại diện, Tiktok đã ký hợp tác chiến lược với một số tổ chức, cơ quan, ban ngành như: Ngày 24/4/2019, Tiktok đã hợp tác chiến lược với Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng; hợp tác với VTVcab (Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam). Tiktok cũng đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để thành lập Hội đồng Đối tác An toàn. Bên cạnh đó, Tiktok đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông phục vụ cộng đồng, như:
Trong tháng 3/2019, Tiktok đã phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh xã hội tổ chức chiến dịch: “An toàn cho thanh thiếu niên trên môi trường mạng”; phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiến dịch: “Tôn vinh áo dài Việt Nam”.
Tháng 6 và tháng 8/2019, Tiktok phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng, Ninh Bình nói riêng.
Tháng 02/2020, Tiktok phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chiến dịch “Tết trồng cây”.
Ngày 12/3/2020, Bộ Y tế tạo tài khoản Tiktok thực hiện các chiến dịch truyền thông chống Covid-19, như chiến dịch: “VuDieuRuaTay”…
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng Tiktok cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ứng dụng Tiktok ở Việt Nam đã thu hút số lượng người dùng ngày càng tăng và có sự đa dạng về thành phần, độ tuổi người sử dụng, có cả người sử dụng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Tính đến tháng 3/2019, có hơn 12 triệu người Việt Nam dùng Tiktok; độ tuổi người sử dụng và thời gian sử dụng Tiktok thuộc diện cao trên thế giới.
Kết luận
Dù có nhiều mặt tích cực, nhưng người dùng chỉ thấy được những tính năng tiện dụng của mạng xã hội này mà dễ mất chủ quan để lộ lọt thông tin cá nhân. Những hạn chế của mạng xã hội Tiktok và lỗ hổng an toàn thông tin đi kèm có thể trở thành nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước khi các thành viên sử dụng.