Đường cây xanh Thanh niên tự quản trên đảo Song Tử Tây (Ảnh minh họa)
Nỗ lực của quân dân nơi đầu sóng
Thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, từ nhiều năm nay Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quan tâm, chỉ đạo ngành hậu cần nghiên cứu xây dựng nơi ăn, chốn ở chính quy cho quân, dân trên các đảo. Đồng thời, vận chuyển hàng vạn khối đất và cây giống, hàng ngàn tấn phân bón ra ươm trồng, tạo nên không gian xanh để bộ đội và nhân dân Trường Sa yên tâm công tác, sinh sống lâu dài nơi đầu sóng.
Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra), khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển. Mùa mưa, bão gió lớn; mùa khô lại thiếu nước nên cây xanh trên các đảo thường xuyên phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa không phải là một việc làm dễ thực hiện.
Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân là đơn vị trực tiếp đóng quân trên các đảo. Để cải tạo không gian sống của mình, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã mang từng bao đất, từng cây giống ở đất liền ra ươm trồng. Trong quá trình đó, đơn vị đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo để xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các đảo như: “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tất cả vì màu xanh nơi đảo xa”... đặc biệt là mô hình “Vì Trường Sa xanh”.
Anh Thái Minh Khai, một người dân sinh sống ở xã đảo Song Tử Tây chia sẻ: Khi Lữ đoàn 146 và huyện đảo triển khai Mô hình “Vì Trường Sa xanh” trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi và hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi chủ động đào hố, đổ phân để khi có cây là triển khai trồng được ngay. Mỗi cây mới trồng đều được che chắn và tưới nước đều đặn để cây phát triển xanh tốt. Thông qua hoạt động của mô hình là dịp để giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm của quân, dân thêm yêu mến, gắn bó với đảo.
Lữ đoàn 146 đã phối hợp với huyện đảo Trường Sa xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng đảo. Các đảo đã xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao để trồng tại các đảo khác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được nghỉ phép hay hết nhiệm vụ trở về đất liền đều chủ động chiết, trồng tặng đảo từ 1 đến 2 cây xanh và chăm sóc cây phát triển tốt. Việc trồng và chăm sóc cây xanh được các cán bộ, chiến sĩ thực hiện rất sáng tạo, linh hoạt. Các đảo tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp khuôn viên của đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ, lá cây khô. Khi cây giống ra rễ, thời tiết phù hợp đơn vị sẽ tổ chức trồng. Mỗi cây mới trồng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều tổ chức che, chắn gió, sóng không để hơi muối mặn xâm nhập. Nguồn nước để tưới cây được cán bộ chiến sĩ tận dụng từ nước mưa và nước ngọt đã qua sử dụng.
Số lượng cây xanh được các đơn vị quản lý chặt chẽ, đánh số thứ tự theo từng loại để tiện trong công tác quản lý, chăm sóc và bàn giao. Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ cho chi đoàn, phân đoàn và đến mỗi đoàn viên quản lý từng khu vực cây cụ thể. Hằng năm, đơn vị tổ chức tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện; kết quả chăm sóc cây xanh cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng.
Binh nhất Nguyễn Duy Tương Lai, chiến sĩ tại đảo Song Tử Tây tâm sự, chăm sóc cây xanh ở đây tỉ mỉ và tốn công hơn so với trong đất liền rất nhiều. Chúng tôi luôn coi cây xanh như người bạn thân sau những giờ huấn luyện trên thao trường. Chăm sóc, cắt tỉa cây xanh giúp chúng tôi thư giãn và cảm thấy gần gũi với cuộc sống quê nhà, từ đó thêm gắn bó với biển, với đảo hơn.
Đánh giá về mô hình “Vì Trường Sa xanh”, Đại tá Trần Mạnh Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quânkhẳng định: “Mô hình “Vì Trường Sa xanh” của tuổi trẻ Lữ đoàn 146 đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo. Thời gian tới chúng tôi sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm mô hình để phát huy điểm mạnh, khắc phục một số hạn chế giúp cho mô hình thêm hoàn thiện để đạt được mục đích cuối cùng tạo ra không gian sống xanh, sạch, đẹp cho quân dân Trường Sa”.
Theo thống kê, 5 năm gần đây, Vùng 4 Hải quân đã phối hợp với các lực lượng chủ động đưa hơn 32 nghìn cây các loại ra trồng nhằm phủ xanh Trường Sa với các giống cây: Mù u, Bàng vuông, Bàng ta, Tre, Phong ba, Bão táp, Phi lao, Nhàu… đến nay đã vươn lên xanh tốt. Tháng 2/2022, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tặng 2.000 cây dừa, Công ty Cổ phần Đầu tư kiến tạo hệ sinh thái Nông nghiệp Việt Nam tặng 1.000 cây lim, 1.000 cây Chò chỉ, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tặng 200 tấn phân bón. Tuy nhiên, ước tính tỷ lệ phủ xanh ở Trường Sa đến nay mới chỉ đạt khoảng 45%. Để phủ xanh toàn bộ huyện đảo Trường Sa ước tính cần khoảng 70 nghìn cây xanh và khoảng 700 tấn phân bón các loại, để bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt và phủ xanh toàn bộ huyện đảo.
Chung tay nhân lên “sắc xanh Trường Sa”
Thực tế, phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng xanh, đẹp huyện đảo Trường Sa”, trong đó có chương trình “Trường Sa xanh” đã góp phần huy động khá nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần, kiến thức khoa học để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau xanh, cây tạo bóng mát, cây chắn sóng,... góp phần làm cho các đảo và điểm đảo ngày càng xanh, đẹp hơn. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, đã có hàng trăm nghìn cây xanh được chuyển ra các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, bao gồm: các loại cây tạo màu xanh cho đảo như Dừa ta, Phi lao, Keo bạch đàn. Cây giúp đảo đơm hoa như Hoa giấy, Mẫu đơn. Cây giúp đảo kết trái như Dừa xiêm lùn siêu trái, Quất Xuân. Ngoài ra Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương” cũng chuyển nhiều cây gia vị cải thiện bữa ăn bộ đội như: Cây lá giang Bình Định, Sấu tươi Hà Nội, các loại hạt giống rau, giá thể trồng trọt... Với “Trường Sa xanh” năm nay, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương” dự kiến sẽ đưa 15.000 cây, hoa, cây quả ra đảo được khởi động từ tháng 6/2022 đến 31/12/2022. Tuy nhiên do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước ngọt nên tỉ lệ sống của cây chưa đạt như mong muốn.
Mới đây các nhà khoa học Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã triển khai Dự án “Giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh, cho biển đảo Tổ quốc”. Dự án này sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên các đảo, tiến tới xây dựng môi trường ổn định, hệ môi trường xanh tại các đảo. Dự án sử dụng các chế phẩm là dung dịch polyme diệt khuẩn AD (Medipag-20), bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv- Eco, các chất khác (Mg CO3, SiO2, Al2O3) và nhiều vi lượng được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến của Đức. Vì thế, việc ứng dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường dựa trên hoạt tính sinh học cao, an toàn tuyệt đối, sẽ góp phần tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, điểm đảo.
Trao đổi cùng chúng tôi, kỹ sư Bùi Công Khê, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Đây là phương pháp tiên tiến, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Đối với cây trồng, chỉ cần xả xuống đất là có thể chống sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa quả sau thu hoạch, nhúng vào dung dịch rồi để khô là đã được diệt hết vi khuẩn. Kết quả bước đầu cho thấy, việc xử lý môi trường bằng hai chế phẩm của Trung tâm Vật liệu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tại Đảo Trường Sa Đông và Đảo Đá Tây cho thấy, chế phẩm này hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng các đảo của huyện đảo Trường Sa. Sau một tháng sử dụng chế phẩm Medipag-20 đã giảm mùi ẩm mốc tại các hầm hào, công sự và làm sạch, giảm thiểu khí CO2, CO… Sản phẩm xử lý thải thu được trở thành phân bón cho cây trồng trên đảo phát triển.
“Trường Sa”, tiếng gọi thiêng liêng nơi đầu sóng, là nơi mỗi người Việt yêu nước luôn hướng về. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa mong mỏi, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, các nhà khoa học, tổ chức, bộ ngành, địa phương và các cá nhân, đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài sẽ luôn hướng về Trường Sa bằng những việc làm thiết thực. Để“sắc xanhTrường Sa” mãi được nhân lên; để quân dân huyện đảo thêm ấm lòng hơn nơi đầu sóng, ngọn gió. Để Trường Sa ngày một “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”; trở thành thành trì vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.