An toàn thông tin mạng: lĩnh vực “nóng” thu hút nhà đầu tư

Thứ tư, 24/11/2021 17:29

Đầu tư vào những công ty bảo vệ an toàn thông tin mạng (ATTTM) được xem là khoản đầu tư không bao giờ lỗi thời. Bởi vì, cuộc chiến chống tội phạm mạng dường như không bao giờ kết thúc hoàn toàn...

20211124-ta8.jpg

Trước đại dịch, bức tranh an toàn thông tin mạng (ATTTM) đã không được tốt. Nhưng kể từ tháng 3/2020, tình hình lại trở nên tồi tệ hơn khi tội phạm mạng ngày càng tinh vi, và được tài trợ tốt hơn. 

Lượng tiền đầu tư mạo hiểm rót vốn vào các startup ATTTM tăng vọt

Trang Siliconangle cho biết kể từ tháng 3/2020, ATTTM được xếp thứ hạng ưu tiên đầu tư cao hơn mọi danh mục chi tiêu hàng đầu bao gồm đám mây, phân tích dữ liệu, phần mềm năng suất, AI và tự động hóa quy trình/robot.

Điều này không làm bất cứ ai ngạc nhiên, nhưng nó nhấn mạnh những thách thức mà tổ chức phải đối mặt. Doanh nghiệp (DN) không chỉ đang ở giữa một cuộc chuyển đổi số, mà họ còn phải chống chọi với một cuộc chiến tranh mạng không có điểm dừng.

Các khoản đầu tư mạo hiểm vào những công ty ATTTM vài năm qua đã tăng lên. Siliconangle cho biết vào năm 2019, lượng tiền đầu tư đổ vào các startup ATTTM gần như bùng nổ với trên 7,6 tỷ USD - mọi người có thể nghĩ rằng thị trường đã đạt đỉnh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các khoản đầu tư đã tăng một chút lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020 khi nhiều quốc gia thực thi chính sách phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Để rồi, phong cách làm việc kết hợp từ xa lẫn trực tiếp, xu hướng dịch chuyển lên đám mây và những hoạt động khác, đã khởi động năm 2021 với số tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào ATTTM đạt gần 12 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2021.

Cụ thể, theo trang Techcrunch, đánh giá về thị trường an ninh mạng mới đây của Momentum Cyber tiết lộ, các nhà đầu tư đã rót 11,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup an ninh mạng trong nửa đầu năm 2021, tăng từ 4,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước đó.

Dave DeWalt, người sáng lập và giám đốc điều hành của NightDragon, công ty gần đây đã đầu tư vào startup bảo mật đa đám mây vArmour, cho biết. “Với tư cách là nhà đầu tư và cố vấn, tôi cảm thấy chúng tôi có trách nhiệm giúp các tổ chức này chuẩn bị tốt hơn để giảm thiểu rủi ro ATTTM”.

Bloomberg cho biết công ty đầu tư mạo hiểm về an ninh mạng NightDragon đang chuẩn bị tung ra quỹ đầu tư thứ hai vào năm 2022 và đang nhắm mục tiêu huy động vốn lớn hơn quỹ Growth I trị giá 750 triệu USD ban đầu của mình.

NightDragon là công ty được thành lập bởi Giám đốc điều hành Dave DeWalt, người trước đây lãnh đạo hai hãng bảo mật danh tiếng McAfee và FireEye. Ngày 17/11 vừa qua, NightDragon đã công bố quan hệ đối tác với nhà tích hợp dịch vụ an ninh mạng của Pháp Exclusive Networks SA, hãng đã huy động được 366 triệu euro (414 triệu USD) khi niêm yết tại Paris vào tháng 9.

Những thương vụ mua lại và sáp nhập “khủng” trong lĩnh vực ATTTM

Theo cơ quan an ninh mạng của Liên minh châu Âu (ENISA), các cuộc tấn công ransomware chiếm một số lượng khá lớn trong số các cuộc tấn công mạng năm nay. Các cuộc tấn công nhắm vào chuỗi cung ứng như trường hợp các công ty CNTT  Kaseya và SolarWinds đã tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Gần đây, ENISA đã cảnh báo rằng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng truyền thống không còn hiệu quả trong việc phòng thủ trước những kiểu tấn công này.

Điều này đã tạo ra làn sóng nhu cầu chưa từng có đối với các công nghệ mới nổi, thu hút cả các tổ chức và nhà đầu tư xem xét kỹ hơn các công nghệ ATTTM mới hơn.

Theo Momentum Cyber, trong nửa đầu năm 2021 này, có hơn 36 trong tổng số 430 giao dịch đã gọi được số vốn đầu tư vượt qua mốc 100 triệu USD, bao gồm cả vòng Series A trị giá 543 triệu USD mà công ty xác thực không cần mật khẩu Transmit Security huy động được, và công ty bảo mật dựa trên đám mây Lacework gọi được 525 triệu USD.

Bob Ackerman, người sáng lập và giám đốc điều hành của AllegisCyber Capital, cho biết: “Là một nhà đầu tư vào thị trường mạng trong hơn 15 năm, tôi có thể nói rằng môi trường thị trường này không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã thấy cho đến nay”. 

AllegisCyber Capital vừa qua đã dẫn đầu khoản đầu tư 26,5 triệu USD vào startup an ninh mạng Panaseer. “Thật đáng khích lệ khi cuối cùng đã thấy các CEO, HĐQT, các nhà đầu tư quan tâm nghiêm túc hơn đến không gian này, dành nguồn lực và vốn để tài trợ cho những công nghệ đổi mới nhằm giải quyết các thách thức ATTTM của ngày hôm nay và ngày mai”.

Không có gì ngạc nhiên khi khối lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, trong đó các thương vụ quan trọng đã diễn ra với các công ty trong lĩnh vực bảo mật đám mây, tư vấn bảo mật, rủi ro và tuân thủ. 

Theo Momentum, tổng khối lượng M&A đạt mức kỷ lục 39,5 tỷ USD trên 163 giao dịch, gấp hơn 4 lần con số 9,8 tỷ USD đã chi trong nửa đầu năm 2020 cho 93 giao dịch.

9 thương vụ M&A vào năm 2021 cho đến nay đã được định giá hơn 1 tỷ USD, bao gồm thương vụ Thoma Bravo mua lại Proofpoint với trị giá 12,3 tỷ USD; Okta mua lại Auth0 giá 6,4 tỷ USD và thương vụ TG mua lại McAfee trị giá 4 tỷ USD.

Eric McAlpine và Michael Tedesco, các đối tác quản lý tại Momentum Cyber, cho biết: “Trong nửa đầu năm 2021, chúng tôi đã chứng kiến những hoạt động chiến lược chưa từng có, số lượng M&A và đầu tư tài chính đều ở mức cao nhất mọi thời đại. 

“Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian còn lại của năm và đến năm 2022”.

 Đại dịch và ATTTM là những chủ đề nóng nhất trên thế giới

Theo Hank Thomas, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Strategic Cyber Ventures, hệ sinh thái đầu tư đang rất dồi dào tiền mặt, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nguồn tiền được các công ty đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup ATTTM tăng lên.

Jai Das, chủ tịch và đồng sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm Sapphire Ventures, cho biết xu hướng hội tụ công nghệ hiện nay đang thúc đẩy nhu cầu đối với các công ty giải pháp ATTTM.

"Khi phần mềm và công nghệ thâm nhập mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách trong công việc và cuộc sống của chúng ta, con đường tấn công mạng của tin tặc cũng rộng mở hơn, vì vậy nhu cầu về các sản phẩm an ninh mạng và đầu tư vào chúng sẽ không ngừng tăng lên. Đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy rất nhiều cơ hội về an ninh mạng”, Das cho biết.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang dự đoán những phân khúc thị trường nào cần được chú ý. Sau đại dịch, Das cho biết các công ty đang sử dụng nhiều ứng dụng phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) hơn, cũng như các ứng dụng triển khai trên đám mây công cộng.

Vì vậy, nhu cầu về bảo mật đám mây và các giải pháp truy cập mạng tin cậy tăng vọt. Bảo mật đám mây là một phân khúc thị trường mà các chuyên gia bảo mật nhận thấy sẽ gia tăng trong năm 2022 tới. Theo phân tích, bảo mật đám mây có thể sẽ là một trong những thị trường hàng đầu mà các nhà đầu tư sẽ rót tiền vào. 

Jon Ofterik, nhà phân tích chính cấp cao tại Enterprise Strategy Group, một bộ phận của TechTarget, cho biết đại dịch đã có tác động gián tiếp đến các khoản đầu tư của các hãng đầu tư mạo hiểm, vì nó đẩy nhanh việc sử dụng điện toán đám mây, buộc nhân viên phải làm việc tại nhà và khiến các rủi ro trở nên trầm trọng hơn với xu hướng truy cập từ xa. 

Đại dịch không phải là thảm họa bất ngờ duy nhất làm rung chuyển các khoản đầu tư vào ATTTM. Năm 2021 đã chứng kiến các khoản đầu tư lập kỷ lục vào thị trường ATTTM, thì cũng chứng kiến các cuộc tấn công lập kỷ lục. Điển hình như vụ tấn công mạng vào công ty vận chuyển dầu khí Colonial Pipeline của Mỹ hay vụ tấn công vào công ty phát  triển  phần  mềm SolarWinds. Vì vậy các nhà lãnh đạo có nhiệm vụ bảo vệ tổ chức trước các mối đe dọa như vậy luôn tìm cách mua các công cụ và sản phẩm mới để giúp thực hiện công việc của họ tốt hơn.

Das cho hay: “ATTTM không bao giờ lỗi thời từ quan điểm của nhà đầu tư. Cuộc chiến bảo vệ ATTTM giống như cuộc chiến chống tội phạm - nó sẽ không bao giờ được giải quyết hoàn toàn nếu chúng ta tiếp tục sử dụng Internet và các công nghệ mới”./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top