An Giang xác định chuyển đổi số là chiến lược trong phát triển của tỉnh

Thứ bảy, 12/11/2022 07:07

“An Giang xác định chuyển đổi số là chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và là động lực trong phát triển của tỉnh.” Đây là một trong những quan điểm tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

T1--1-.jpg

Trong những năm gần đây, “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất hầu hết dựa trên các công nghệ số”, điều này đã được đề cập nhiều trong các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và phê duyệt khung Đề án An Giang điện tử giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực như cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ; bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã và kết nối Trung ương; hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 3 cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được sử dụng và phát huy hiệu quả. Từng bước thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho dân và doanh nghiệp. Nổi bật là Kết quả PCI An Giang 2021 đạt hạng 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), tỉnh thuộc nhóm “trung bình thấp”, xếp hạng 32, giảm 18 bậc so năm 2020; Chỉ số CCHC (Par Index) xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố, giảm 21 hạng so năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt 86,14%, xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế cơ bản như: ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành và chuyển đổi số trong các tổ chức chính trị - xã hội còn thấp; người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ chưa cao; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sàn thương mại điện tử…

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và xác định chuyển đổi số là chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và là động lực trong phát triển của tỉnh. Ngày 22/8/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, An Giang thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh về Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Du lịch…; nâng cao hoạt động hiệu quả quản lý, điều hành các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đời sống vật chất tinh thần của người dân. Đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP. Cụ thể, đến năm 2025, 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến mức độ 4; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng báo cáo công việc; 100% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu kinh tế số đạt 10% GRDP; 100% sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mặt trên sàn thương mại điện tử; 60% dân số mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; Trên 60% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh vào khai thác các ứng dụng nền tảng phục vụ sản xuất, kinh doanh; 100% hộ gia đình có địa chỉ số; 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số…Đến năm 2030, 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 20%; 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 95% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số, có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất và sinh hoạt trên môi trường số…

Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của nhân dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Với các nhóm giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số; Tập trung chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực trọng yếu. Đối với giải pháp tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số: cần hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hoá dữ liệu. Hướng dẫn người dân và doanh nghiệp triển khai các ứng dụng, nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số. Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh, thí điểm và hoàn thiện mô hình xã thông minh. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển sang sản xuất, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số. Nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các chương trình kết nối, chia sẻ, giới thiệu các mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, những doanh nghiệp thành công nhờ công nghệ số để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng và phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung, tăng cường hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Triển khai các chương trình hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Tăng cường phổ cập các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân theo hình thức trực tuyến, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận. Tăng cường tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Tạo môi trường thuận lợi phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân. Tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân và hình thành dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin dùng chung.

Về tập trung chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực trọng yếu như lĩnh vực du lịch ưu tiên triển khai du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh; hướng đến mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu giới thiệu các khu điểm du lịch, các điểm tham quan, di tích lịch sử, ứng dụng công nghệ số trong du lịch. Lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp, kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy, khuyến khích nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong các chương trình khoa học và công nghệ, quản lý chất lượng nước, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi; áp dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến để giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Chủ động tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp. Thu hút, phát triển các sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp. Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”, phát triển nên nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng khám và điều trị, ngăn ngừa dịch bệnh, từng bước tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế giữa khu vực nông thôn và thành thị.  Xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh, mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử cho các bệnh viện, trung tâm y tế, quản lý chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI); huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo;…Trong đó, chú trọng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành giáo dục và đào tạo; bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tn, kiến thức số, kỹ năng số cho công chức, viên chức toàn Ngành. Triển khai đào tạo, áp dụng mô hình khoa học – công nghệ- kỹ thuật – toán học, Khoa học – công nghệ - kỹ thuật – nghệ thuật – toán học. Số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia học tập suốt đời. Lĩnh vực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống các bản đồ, cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, chính xác cao đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu và phục vụ quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, thiết lập một hệ thống phần mềm quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị tập trung, thống nhất. Đáp ứng nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ bản đồ số cho các đơn vị tham gia vào quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Với mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hướng đi mới trong quá trình hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4. An Giang xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top