Nối biển với đất liền
Mờ sáng ngày 2-4-2020, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ ngư dân Đặng Tự (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhận được một cuộc điện thoại trực tiếp từ quần đảo Hoàng Sa, thông báo về tình hình nóng đang diễn ra trên biển. Ngay sau khi nhận được tin, chị Hồng thức giấc và mở điện thoại cảm ứng xác định vị trí con tàu của gia đình QNg 90045 TS, tại tọa độ: 16 độ 42 phút N (vĩ Bắc) - 112 độ 25 phút 44 giây E (kinh Đông), gần khu vực đảo Phú Lâm, huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng,?Việt Nam. Do được gắn thiết bị giám sát hành trình Thuraya SF 2500 trên tàu, vì vậy, đường đi của chiếc tàu được hiển thị thành một vệt đỏ trên màn hình điện thoại cảm ứng của chị Hồng.
Ngư dân có thể điện thoại từ Hoàng Sa vào đất liền rất tiện lợi, nhưng cước phí khá đắt đỏ. Ảnh: Văn Chương
Đảo Phú Lâm là điểm nóng nhất ở quần đảo Hoàng Sa, là nơi nhiều tàu cá của ngư dân khi vào đánh bắt thường bị tàu nước ngoài tấn công, đâm húc. Vì vậy, chị Hồng đã nắm được tình hình đang diễn ra ở đây và lập tức hỏi thăm tin tức, sau đó, báo cáo với các cơ quan chức năng và BĐBP. Có nghĩa là một vụ việc trên biển cách đất liền hàng trăm hải lý vừa xảy ra thì trong đất liền đã nắm được. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thêm thông tin rất chi tiết về tàu cá để có hướng xử lý phù hợp.
Tối 3-4, phóng viên Báo Biên phòng đến làng chài xã Bình Châu tác nghiệp và nắm bắt về tình hình diễn biến trên biển, lúc đó, trên màn hình điện thoại của chị Hồng đã hiện ra vô số những đường chỉ đỏ là hướng đi của con tàu. Chị cho biết, toàn bộ thông tin về chuyến hành trình của chiếc tàu QNg 90045 TS, do chồng chị làm thuyền trưởng được hiển thị đã giúp người thân trong đất liền dù lo lắng, nhưng cũng yên tâm, vì đến chiều tối 2-4 thì tàu đã hành trình về khu vực đảo Đá Lồi. Tọa độ của tàu vào thời điểm hiện tại là 16 độ 15 phút 5 giây N – 111 độ 33 phút 94 giây E.
Hình ảnh này trái ngược hẳn với trước kia, đó là khi chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, mỗi khi nghe tin có tàu cá của Việt Nam bị rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa, vợ các ngư dân phải tập trung đến các đài canh Icom cộng đồng chờ đợi, nghe ngóng tin tức, chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình ảnh. Theo chị Hồng thì cước điện thoại vệ tinh của thiết bị giám sát hành trình khá đắt đỏ, trên 40.000 đồng/phút, vì vậy, chỉ có việc cần lắm mới dám gọi.
Chờ tin qua điện thoại
Tại khu vực cuối xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển vào đêm khuya 2-4, ông Nguyễn Thanh Nam đang ngồi bên chiếc máy Icom tầm xa IC - M 710 để kết nối thông tin với tàu cá QNg 90929 TS. Trên màn hình điện thoại hiện lên tín hiệu tàu QNg 90929 TS đang di chuyển với tốc độ 0,8 knots (hải lý), tọa độ 16 độ 54 phút 26 giây N - 112 độ 24 phút 30 giây E.
Ông Nam cho biết, tàu gia đình được lắp thiết bị giám sát hành trình Vifist - 18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam, do đơn vị Đài Duyên hải miền Trung tại thành phố Đà Nẵng lắp đặt. Thiết bị loại này không có chức năng gọi điện thoại vệ tinh, nhưng có thể nhắn tin trực tiếp qua điện thoại.
Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Hải bên thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải lắp đặt trên tàu cá có chiều dài trên 15m. Ảnh: Văn Chương
Ông Nam chia sẻ, những thông tin mà người con trai hàng ngày nhắn từ Hoàng Sa vào bờ đã giúp gia đình ông nắm tình hình kịp thời. Thông tin gần nhất mà con trai ông nhắn tin vào chiều ngày 2-4 đã giúp cho BĐBP nắm bắt được chính xác những tin tức quan trọng để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, giúp cho ngư dân an toàn trong quá trình bám biển Hoàng Sa. Những ngư dân có người thân đi trên tàu cá nếu muốn hỏi thăm người thân thì có thể xin thông tin chụp lại qua màn hình, sau đó gửi qua các mạng Zalo, Facebook.
Tại khu vực giữa thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, dù về khuya, nhưng một số người có người thân đi trên các tàu cá đang hành trình từ Hoàng Sa về đất liền vẫn thức giấc và nôn nóng đi lại ngoài bờ biển. Một ngư dân lớn tuổi cho biết, hồi chiều, anh có nhận được tin nhắn từ Hoàng Sa gửi qua điện thoại nên gia đình chờ 2 ngày nữa thì tàu vô bờ. Một ngư dân khác cho biết, giá thành mỗi cuộc điện thoại từ tàu vô bờ khá đắt đỏ, vì vậy, có việc cần lắm thì a lô một chút, hẹn lên máy Icom và cho tần số. Sau đó, chạy tới đài Icom tầm xa để nói chuyện lâu hơn. Cách kết nối thông tin với tàu cá hành nghề ở Hoàng Sa như vậy đã giúp cho người thân ở đất liền an tâm và chủ động hơn. Không ngờ công nghệ đã giúp cho việc liên lạc trở nên đơn giản như vậy, các ngư dân bày tỏ.
Áp dụng chế tài xử phạt
Tại cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, một số ngư dân làm nghề lưới giã cào đánh bắt xa bờ quê ở Quảng Ngãi đã giãy nảy khi nghe nhắc tới thiết bị giám sát hành trình nghề cá. Họ cho rằng: “Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì lộ luồng cá hết!”. Qua gặp gỡ một số ngư dân cho thấy, thực tế không phải ngư dân nào cũng hào hứng với chiếc máy giám sát tọa độ của tàu cá. Ý kiến của số nhỏ ngư dân này bắt nguồn từ việc thỉnh thoảng họ đã đi lấn qua vùng biển nước bạn. Bên cạnh đó là tàu làm nghề lưới giã cào quy định không được đánh sát bờ, nhưng lắp thiết bị này thì tàu cá vi phạm sẽ “hết đường chối cãi”.
Mở đầu cho việc kêu gọi ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là các địa phương tăng cường áp dụng chế tài xử phạt. Đó là ngày 24-3, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 chủ tàu cá, với tổng số tiền là 900 triệu đồng, vì hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Ngày 27-3, tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản và Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ lập biên bản tàu cá QNg 95780 TS của ngư dân Huỳnh Tấn Hải, quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn vì mất tín hiệu giám sát hành trình. Thuyền trưởng Hải cho biết, tàu đi làm nghề câu mực, nhưng ra tới Hoàng Sa thì thiết bị giám sát hành trình Vifish – 18 bị đứt tín hiệu.
Kết luận việc đứt tín hiệu là do máy móc, hay do con người can thiệp trong thực tiễn là điều không hề đơn giản. Theo quy định thì tàu cá trong vòng 10 ngày đứt tín hiệu phải quay vào bờ. Tuy nhiên, mỗi chuyến biển 20 ngày có phí tổn trên 100 triệu đồng, nếu tàu đi Trường Sa đánh bắt 3 tháng thì phí tổn là 400-500 triệu đồng. Vì vậy, quy định này chỉ phù hợp trên đất liền, còn trên biển thì không mang tính khả thi.