6 yếu tố căn bản để TP. HCM phát triển kinh tế số thành công

Thứ tư, 23/11/2022 18:48

Trong kế hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số (CĐS) của Thành phố là phát triển chính quyền số, kinh tế số, CĐS trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, để thành công, TP. HCM cần xây dựng 6 nền tảng then chốt ngay từ bây giờ.

 Xu hướng và điều kiện tiên quyết để CĐS và phát triển kinh tế số thành công

Trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã giúp chúng ta thấy rõ hơn vai trò hết sức quan trọng của công nghệ số trên khắp toàn cầu, từ việc cung cấp dịch vụ công cho đến hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chèo lái qua những thời điểm khó khăn nhất.

Chúng ta thấy rõ những người dân và DN chưa có kỹ năng số, chưa được kết nối và chưa có thiết bị kết nối đang gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ trực tuyến và những cơ hội mới đến từ nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, những quốc gia đã đầu tư vào các nền tảng cơ bản trong lĩnh vực kinh tế số đều có khả năng ứng phó với đại dịch tốt hơn và có thể đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của chính quyền và DN. Điều này đã được minh chứng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Hàn Quốc và Singapore. Vì cả hai quốc gia trên đều có những nền tảng số công cộng của chính phủ nên họ có điều kiện tốt hơn nhằm triển khai nhanh chóng các chương trình bảo trợ xã hội mở rộng, đồng thời duy trì dịch vụ công liên tục qua các kênh trực tuyến và công nghệ số.

CĐS cũng được coi là một trong những chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao năng suất và đa dạng hóa trong nền kinh tế, bao gồm chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến sang các lĩnh vực dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu suất và năng suất trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt mục tiêu làm chủ và khai thác tiềm năng CĐS. Trong thực tế, để đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia đối tác, nhóm WB, bao gồm IFC, đã xây dựng một Khung đánh giá được sử dụng từ năm 2018 nhằm đánh giá và minh họa cho cách tiếp cận nhất quán về phát triển nền kinh tế số có thể tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển kinh tế, qua đó tạo điều kiện cho từng cá nhân, DN và chính quyền tham gia nền kinh tế số. 

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, có 6 yếu tố căn bản để hình thành nền kinh tế số phát triển.

Thứ nhất là hạ tầng số, nhằm có được hạ tầng cần thiết, có chất lượng cao và trong khả năng chi trả, nhằm duy trì tăng trưởng bền vững trong các dịch vụ số và đẩy mạnh lượt truy cập Internet, bao gồm truy cập vào các trung tâm dữ liệu và hạ tầng băng thông rộng.

Thứ hai là DN số. Mục tiêu đặt ra cho yếu tố này là phải đạt được một tỷ lệ lớn các DN giải pháp số và DN sử dụng công nghệ số hoặc mô hình sản xuất kinh doanh số. 

Theo bà Carolyn Turk, Việt Nam đang tiến tới mốc 4.000 DN khởi nghiệp. Báo cáo Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm ĐMST Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố mới đây cũng cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục với 1,4 tỷ USD. Tại TP. HCM, hoạt động xúc tác ĐMST đang được thực hiện nghiêm túc, thành phố đã công bố kế hoạch hỗ trợ 3.000 DN địa phương tăng cường năng lực ĐMST trong thời gian tới đến năm 2025.

Thứ ba là nền tảng số công cộng, trong các năm 2020 và 2021, khoảng 50% trong số 6.800 dịch vụ công đã được tích hợp vào Cổng thông tin dịch vụ điện tử quốc gia.

Thứ tư là dịch vụ tài chính số, nhằm nâng cao khả năng truy cập và sử dụng các dịch vụ tài chính. Thanh toán số đang ngày càng trở nên phổ biến, và điều này được thể hiện qua sự xuất hiện của mã QR và ví điện tử. 

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2021, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua NAPAS lên tới 1,86 tỷ giao dịch với số tiền 23,6 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2019 đến nay, thì số lượng giao dịch tăng lên 169% và giá trị giao dịch tăng lên 164% bình quân hằng năm. Điều đó cho thấy lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt trong thời gian qua tăng lên với tốc độ hết sức lớn đặc biệt trong hai năm 2020 - 2021.

Thứ năm là phát triển kỹ năng số nhằm hình thành được lực lượng lao động có năng lực số và công dân có trình độ số. 

Thứ sáu là xây dựng môi trường đảm bảo tin cậy.

Đặt nền móng vững chắc để TP. HCM phát triển kinh tế số trong tương lai

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế TP. HCM năm 2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 và nhiều thay đổi, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của CĐS.

Trong kế hoạch phát triển TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu tổng quát về CĐS của Thành phố là phát triển chính quyền số, kinh tế số, CĐS trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

20221214-pg11.jpg

TP. HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy CĐS trên cả 3 nội dung: Chính quyền số, DN số và xã hội số. Đây cũng chính là cơ hội để TP. HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình CĐS, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch UBND TP. HCM cam kết đồng hành cùng DN, xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, quyết tâm khắc phục.

"Ưu tiên CĐS một số lĩnh vực người dân và DN có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…", ông Phan Văn Mãi cho biết.

"Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, ĐMST tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả CĐS, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực", Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo bà Carolyn Turk, các đô thị, đặc biệt là đô thị đầu mối như TP. HCM, có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển của quốc gia. Những nỗ lực của TP. HCM, bao gồm xây dựng kho dữ liệu chung của thành phố và ra mắt cổng thông tin quy hoạch phân khu, cũng như quá trình xây dựng các hệ thống thông tin theo thời gian thực để quản lý nguy cơ ngập lụt và nền tảng hỗ trợ ra quyết định, đặc biệt là việc ra mắt cổng thông tin CĐS mới đây đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc triển khai Chương trình CĐS và đề án "Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh".

"Nhưng điều quan trọng là phải đặt nền móng vững chắc trong vài năm tới để nền kinh tế số phát triển tại TP. HCM", bà Carolyn Turk nhấn mạnh. Nền móng đó gồm 6 yếu tố căn bản trên, trong đó có đầu tư cho nhiều cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin của thành phố, hiện cần được nâng cấp - bao gồm về đất đai, giao thông, mạng lưới thoát nước và đầu tư để hình thành khung pháp lý tạo thuận lợi, các bộ kỹ năng và nền tảng để dữ liệu được lưu chuyển./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top