Ảnh minh họa.
Đây là nội dung trong Báo cáo số 98-BC/TU ngày 15-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Báo cáo nêu rõ 5 nhóm kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), 5 hạn chế, 3 nguyên nhân và 4 bài học kinh nghiệm.
Củng cố tổ chức Đảng yếu kém, đột phá về công tác cán bộ
5 năm qua, nhận thức của cấp ủy các cấp, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ thành phố về việc tu dưỡng, rèn luyện và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nâng cao; từ đó tự giác, gương mẫu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Trong đó, về kết quả, điểm nhấn ấn tượng và xuyên suốt là Hà Nội không chỉ thể hiện rõ sự chủ động, mà còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện tạo được những kết quả ấn tượng trên tất cả các mặt công tác xây dựng Đảng gồm: Tuyên giáo, tổ chức cán bộ, kiểm tra - giám sát, dân vận, nội chính. Một trong những dấu ấn nổi bật là kết quả phát hiện và củng cố cơ sở Đảng yếu kém và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Cụ thể, trước yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội". Việc tổ chức quyết liệt, bài bản trong tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15 NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giữ ổn định tình hình, ngăn chặn phát sinh “điểm nóng”. Từ khi Nghị quyết ban hành đến nay, toàn Đảng bộ thành phố đã rà soát đưa vào danh sách và củng cố thành công 226/226 tổ chức cơ sở Đảng, đạt 100%. Công tác rà soát, đánh giá, phát hiện những đơn vị yếu kém, có giải pháp kịp thời khắc phục đã trở thành nền nếp. Đây là biện pháp đã góp phần quan trọng giúp Hà Nội nắm thế chủ động, bảo đảm tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Về công tác cán bộ, Hà Nội đã tạo bước đột phá về công tác đánh giá với việc ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về “Ban hành khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, đưa việc đánh giá cán bộ hằng tháng đi vào nền nếp. Hà Nội còn có đề án riêng về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng tâm là đào tạo theo chức danh, theo vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, tất cả các lĩnh vực công tác cán bộ đã chuyển động đổi mới theo như quy hoạch có động, có mở, có vào, có ra; luân chuyển cán bộ ngang, dọc, trên xuống dưới, dưới lên trên để rèn luyện đội ngũ...
Với tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội còn là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị. Thành phố đã giảm hàng nghìn đầu mối, hàng vạn nhân sự từ cấp thành phố xuống cấp cơ sở; tiết giảm chi phí hằng năm cho ngân sách nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cơ cấu bộ máy tinh gọn, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động giảm, nhưng chất lượng công việc, hiệu quả tiếp tục được nâng lên. Kết quả thực hiện “mục tiêu kép” khi phải đương đầu với đại dịch Covid-19 năm 2020 đã cho thấy điều đó.
3 đề xuất, kiến nghị với Trung ương
Khẳng định những kết quả 5 năm qua mới chỉ là bước đầu, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định rõ mục tiêu thời gian tới là tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, quyết tâm xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh.
Nêu cụ thể 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Để đổi mới phương thức lãnh đạo, thành phố sẽ tiếp tục phát huy dân chủ, đoàn kết; lãnh đạo bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực; chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Tất cả để quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Đáng chú ý, trong báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu 3 đề xuất, kiến nghị với Trung ương. Trong đó, Hà Nội đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô bảo đảm phù hợp với tình hình mới. Đồng thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ hệ thống các văn bản và chỉ đạo sơ kết, tổng kết việc thực hiện một số chủ trương thí điểm về tổ chức bộ máy, về công tác cán bộ, quy định rõ hơn, cụ thể hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, tập thể lãnh đạo, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính trong Đảng, giảm mạnh thủ tục hành chính; đồng thời cho phép Hà Nội được vận dụng thực hiện một số chủ trương về công tác cán bộ như tăng thêm số lượng cán bộ luân chuyển nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự cho những nhiệm kỳ tiếp theo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.