Đô thị cần được quản lý dựa trên các nền tảng, công nghệ, dữ liệu số
Tại phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam (Vietnam Urban Sustainability Summit) 2022 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức trong 2 ngày 16 - 17/6/2022, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đã chia sẻ bài học, kinh nghiệm của VNPT trong triển khai thực hiện xây dựng đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là một trong các tập đoàn tiên phong trong phát triển hạ tầng số và xây dựng ĐTTM gắn với xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, qua hợp tác với hơn 40 tỉnh/thành triển khai ĐTTM, thành phố thông minh (TPTM), ông Nguyễn Nam Long cho biết, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) công nghệ, VNPT luôn xác định các hoạt động của đô thị cần được quản lý dựa trên các nền tảng, công nghệ, dữ liệu số để giúp cho đô thị được quản trị, vận hành thông minh, thông suốt.
Với kinh nghiệm tham gia tư vấn và triển khai ĐTTM cho hơn 40 tỉnh, thành phố, ông Long chia sẻ một số bài học, kinh nghiệm với các địa phương như sau:
Một là phải đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ ĐTTM; triển khai hạ tầng kết nối mạng tốc độ cao (mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 4G, 5G); triển khai hạ tầng điện toán đám mây: cung cấp tài nguyên lưu trữ, tính toán, kết nối với khả năng mở rộng linh hoạt, an toàn, tiết kiệm chi phí đầu tư/vận hành,… Đồng thời đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở.
Hai là lấy người dân làm trung tâm. Việc xây dựng ĐTTM phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng ĐTTM. Mỗi người dân sẽ là một công dân số có định danh điện tử duy nhất để tương tác với chính quyền và sử dụng các dịch vụ thông qua mạng Internet.
Theo đó cần ưu tiên triển khai các giải pháp ứng dụng giúp người dân có thể tương tác, phản ánh các kiến nghị tới cơ quan chính quyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp về an sinh xã hội, y tế, giáo dục...; triển khai giải pháp lắng nghe mạng xã hội; triển khai các giải pháp quan trắc môi trường, không khí, nguồn nước, chiếu sáng thông minh, cấp, thoát nước thông minh. Đồng thời triển khai các giải pháp giao thông thông minh, giám sát vi phạm giao thông và an ninh trật tự; triển khai các giải pháp quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, quản lý đất đai trên nền tảng GIS và cung cấp thông tin công khai trên các hệ thống thông tin để minh bạch thông tin tới người dân, DN.
Ba là cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội (như đối tác công tư...) để xây dựng ĐTTM; đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan như chính quyền, người dân, DN...;
Bốn là phải căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng ĐTTM, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa - kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất đặc thù tại địa phương.
Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) gắn với xây dựng đô thị bền vững
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội thảo chuyên đề "CĐS và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững", dưới sự điều phối của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy, các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng, Cục tin học hóa - Bộ TT&TT, Sở TT&TT Đà Nẵng, Huawei, Ecotek… đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc gắn kết giữa CĐS với xây dựng ĐTTM; về phát triển hạ tầng đô thị xanh, thông minh, đô thị sinh thái.
Các đại biểu cũng chia sẻ những lưu ý khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số tại các đô thị; về kinh nghiệm của một số địa phương trong thực hiện chủ trương quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị…
Cùng nhau trao đổi, thảo luận về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị; những vấn đề cần quan tâm khi áp dụng các công nghệ và nền tảng số trong xây dựng các dự án phát triển đô thị bền vững, thông minh và đáng sống… và một số vấn đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, với bài trình bày "Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị", TS. Huỳnh Lương Huy Thông, Giám đốc Lab R&D TP. HCM của Tập đoàn đã chia sẻ những giải pháp số đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho ĐTTM như hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị 1022, giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội; hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông qua camera.
Các giải pháp này tuy hoạt động riêng rẽ, độc lập nhưng có thể tích hợp và triển khai trong cùng hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC) giúp cho nhà quản lý điều hành có công cụ, giao diện để quản lý thống nhất trên một giao diện duy nhất và số liệu thống kê phục vụ công tác điều hành quản lý.
Tại một hội thảo chuyên đề "Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc dự án CĐS khối chính quyền của Tập đoàn VNPT cho biết, trong thời gian qua, VNPT đã hợp tác để xây dựng IOC cho hơn 45 đơn vị gồm văn phòng chính phủ, các Bộ, đơn vị ngang cấp bộ, các tỉnh/thành, các huyện…
Đây là giải pháp kết nối Chính phủ và các đô thị tại Việt Nam tại các tỉnh thành như Bình Dương, TP HCM, Cần Thơ, Bình Phước, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An... đặc biệt IOC Bình Dương do VNPT xây dựng là hệ thống IOC lớn nhất Đông Nam Á. Các IOC có thể tổng hợp, phân tích thông tin tình hình kinh tế - xã hội theo tháng; theo dõi và phân tích chuyên sâu các nhóm chỉ tiêu trọng tâm để nắm bắt kịp thời nhịp đập của nền kinh tế.
Với hơn 100 chuyên gia trong lĩnh vực AI, Tập đoàn VNPT cam kết đồng hành cùng các tỉnh/thành phố và đô thị trong việc khảo sát, tư vấn, phát triển giải pháp, và triển khai các giải pháp công nghệ số xây dựng đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng ĐTTM./.