3 chữ “công” giúp Việt Nam xử lý vấn đề Biển Đông

Thứ hai, 27/07/2020 14:55

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã trao đổi với phóng viên về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như định hướng cho Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan tới vùng biển quan trọng này.

 “Không thể chấp nhận” yêu sách của Trung Quốc

20200727-l005.jpg

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến xảy ra ở Biển Đông từ đầu năm đến nay, thể hiện qua một loạt hành động phi pháp của Trung Quốc như quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia, đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tuyên bố thành lập "quận đảo" Tây Sa và Nam Sa hay đưa máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa…?
 
Chắc chắn, tình hình như vậy vẫn rất phức tạp. Đơn cử việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam đã lên tiếng, ASEAN và quốc tế cũng đã lên tiếng, bày tỏ quan ngại và phản đối.
 
Nhìn rộng ra, đó không phải là những hành động đơn lẻ chỉ trong 6 tháng vừa qua. Vì vậy, ASEAN và quốc tế mới phải bàn và đề ra các nguyên tắc. Theo tôi, có một số vấn đề lớn như sau:
Thứ nhất, phải bảo đảm hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải. Đó là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
 
Thứ hai, khu vực có những tranh chấp, chồng lấn đòi hỏi chủ quyền, thì phải giải quyết bằng hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không thể chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý hay kiểu ứng xử dựa trên sức mạnh.
 
Thứ ba, cần xây dựng lòng tin và không làm phức tạp thêm tình hình. ASEAN cũng nhấn mạnh nguyên tắc này và đề nghị các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các thỏa thuận khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.
 
Nhìn lại tình hình từ đầu năm đến nay, về việc Trung Quốc vi phạm vùng biển và thềm lục địa của các nước khác, có một số điểm cần phải nêu thêm ở đây:
 
"Những việc làm của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, bao gồm xâm phạm vùng biển hay cản trở hoạt động hợp pháp của các nước khác, tôn tạo trái phép, quân sự hóa các đảo, không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, công ước luật biển, mà còn làm cho tình hình ở Biển Đông càng thêm phức tạp" - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.
 
Trước hết, yêu sách “đường lưỡi bò” là phi lý, không có căn cứ và trái với luật pháp quốc tế. Từ yêu sách phi lý đó, Trung Quốc lại dùng sức mạnh để áp đặt, xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác. Đây là điều thứ hai trái với luật pháp quốc tế. Thứ ba, đó là sự vi phạm có chủ đích, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý và thâu tóm Biển Đông.
 
Nói như vậy để nhấn mạnh rằng, tất cả các nước đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, kể cả trong các yêu sách, ứng xử và hoạt động trên biển. Vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN 36 một lần nữa khẳng định nhất quán các nguyên tắc này.
 
Tuyên bố của Mỹ là điều “đáng hoan nghênh”
 
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 ra tuyên bố chính thức, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy Mỹ từng nhiều lần tuyên bố các yêu sách trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức. Ông đánh giá như thế nào về tuyên bố này?
 
Nhìn chung, tuyên bố của Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ, ủng hộ quyền và chủ quyền của các quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Mỹ cũng nhấn mạnh ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan).
 
Trước hết, đây là điều đáng hoan nghênh. Điểm mấu chốt ở đây là luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Không ai có thể chấp nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc.
 
Thứ hai, Mỹ đã có bước chuyển lớn có ý nghĩa, từ chỗ “không đứng về bên nào” trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sang đứng về phía luật pháp quốc tế và công ước luật biển.
 
Thứ ba, Mỹ là nước lớn, nên khi Mỹ đứng về phía luật pháp quốc tế, sẽ tạo ra sự cộng hưởng gia tăng cả về ngoại giao và dư luận, để ủng hộ luật pháp quốc tế và bác bỏ những hành vi phi pháp.
 
Thứ tư, không chỉ Mỹ, chúng ta cũng đang chứng kiến ngày càng nhiều nước, ở những mức độ khác nhau, không chỉ ủng hộ chung luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, mà còn ủng hộ phán quyết của toà trọng tài thường trực, bao gồm việc toà đã bác bỏ đường lưỡi bò là phi lý.
 
Trung Quốc cho đến nay vẫn không công nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài thường trực. Theo ông điều này tác động như thế nào tới việc giải quyết vấn đề Biển Đông?
 
Phán quyết của toà trọng tài thường trực là để diễn giải công ước luật biển theo quy định về trình tự, thủ tục của công ước. Toà không phán xét bất kỳ tranh chấp cụ thể nào, mà giải thích quy định của công ước, tức là để hiểu như thế nào cho đúng, từ góc độ công ước, vấn đề liên quan đến Biển Đông.
 
Do đó, phán quyết của tòa trở thành một bộ phận của công ước luật biển và luật pháp quốc tế, dù Trung Quốc có thừa nhận hay không. Khu vực và quốc tế từ nay trở đi, mỗi khi cần, đều có thể tham chiếu phán quyết này của toà.
 
Thứ hai, dựa vào công ước, toà đã xác định yêu sách “đường lưỡi bò” là bất hợp pháp và không có căn cứ. Điều này có giá trị pháp lý và gắn với việc thực hiện công ước luật biển. Do vậy, dù là yêu sách về “đường lưỡi bò” hay biến tướng nào của nó, yêu sách đó cũng sẽ luôn vô căn cứ và không được luật pháp quốc tế công nhận.
 
Mặc dù Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa trọng tài đã, đang và sẽ là căn cứ chung của các nước trong việc thực hiện công ước luật biển và đấu tranh với các hành vi vi phạm. Luật pháp quốc tế, công ước luật biển nói chung và phán quyết của tòa trọng tài nói riêng, càng cho thấy sai phạm của Trung Quốc khi tìm cách áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, xâm phạm vùng biển hợp pháp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác.
 
Ở đây có cả câu chuyện về luật pháp quốc tế và xây dựng lòng tin. Cách xây dựng lòng tin quan trọng nhất chính là tôn trọng luật pháp quốc tế, không xâm phạm lợi ích hợp pháp của nước khác và không làm phức tạp thêm tình hình.
 
“ASEAN và Trung Quốc phải phấn đấu hơn rất nhiều”
 
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)?
 
Bộ quy tắc COC cần phải nhân lên và bổ khuyết cho Tuyên bố DOC. Trước hết, COC phải nhân lên điểm tích cực của DOC, nhằm đóng góp tốt hơn và hiệu quả hơn vào việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực. Do vậy, một Bộ quy tắc ứng xử như COC cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật là trong thời gian qua, tại Biển Đông vẫn còn những diễn biến phức tạp, kể cả những hành vi xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác, diễn ra theo chiều hướng thậm chí còn phức tạp hơn trước rất nhiều.
 
Do vậy, COC cần phải tiếp tục đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước luật biển, cần quản trị được hành vi của các bên để không làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các bên liên quan đối thoại và xử lý các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: 3 chữ “công” giúp Việt Nam xử lý vấn đề Biển Đông - 3

 

Nhìn vào thực tế vừa qua, rõ ràng, COC phải bổ sung việc ngăn ngừa những hành vi vi phạm, bằng các quy định như các bên phải dựa theo luật pháp quốc tế và công ước luật biển khi thực hiện các yêu sách, ứng xử, các hoạt động trên biển, hay quy định việc tôn trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước ven biển phù hợp với công ước luật biển.
 
Đó là mục tiêu hướng tới của COC. Để đạt được một COC như vậy chắc chắn sẽ còn rất khó khăn. Rõ ràng, ASEAN và Trung Quốc phải phấn đấu hơn rất nhiều.
 
Một vấn đề khác và cũng không kém phần quan trọng, đó là phải xây dựng được môi trường hợp tác tin cậy để tạo thuận lợi cho việc đối thoại, thương lượng về COC. Còn nếu ngồi vào đàm phán để bàn quy tắc quản trị ứng xử của các bên, mà trên thực tế trên biển vẫn xảy ra các hành vi vi phạm, gây phức tạp, thậm chí xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác, thì làm sao có thể đối thoại, tin cậy và xây dựng được.
 
Sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố quan trọng về Biển Đông, ông dự đoán tình hình khu vực sẽ có những chuyển biến như thế nào trong thời gian tới?
 
Ở đây có một số việc phải làm rõ. Thứ nhất là các hoạt động hàng hải thông thường, được phép và phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Thứ hai là trong các bên tranh chấp, vẫn có bên tiếp tục vi phạm, xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác. Thứ ba là có nhiều quá trình đối thoại, đặc biệt là thông qua ASEAN, nhằm thúc đẩy môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, trong đó có Biển Đông và tham vấn ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC.
 
"Hơn bao giờ hết, ASEAN càng cần phải phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói tích cực của mình trong vấn đề Biển Đông, bao gồm những nguyên tắc như đã được nêu trong Tuyên bố 6 điểm, trong DOC, hay gần đây nhất là trong Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN 36" - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.
 
Điều mà các bên mong muốn là hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Do đó, càng phải quản trị làm sao để không có các hành vi vi phạm và làm phức tạp thêm tình hình. Đây là điều hết sức quan trọng. Chừng nào còn sử dụng cái gọi là “đường lưỡi bò” để áp đặt yêu sách phi lý, xâm phạm vùng biển và cản trở các hoạt động hợp pháp trên biển của nước khác, thì chắc chắn tình hình còn diễn biến phức tạp. Tuyên bố mới đây của Mỹ, cũng như của nhiều nước khác, đã càng khẳng định thêm quan điểm chung của ASEAN và quốc tế về việc bác bỏ các hành vi vi phạm và tuân thủ luật pháp quốc tế.
 
Tiếp đó là câu chuyện cạnh tranh Mỹ - Trung đã được đẩy lên cao trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ này đang tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng thêm. Đây là câu chuyện cần được tiếp tục theo dõi sát sao. ASEAN cũng đã nêu quan điểm của mình về việc muốn quan hệ tốt với cả hai đối tác hết sức quan trọng này, mong muốn hai bên tôn trọng luật lệ và tiếp tục coi trọng hợp tác với ASEAN, vì hoà bình và hợp tác phát triển ở khu vực.
 
Có một điều cần nhấn mạnh thêm ở đây. Đó là trước việc Mỹ - Trung cạnh tranh, ASEAN và các nước càng cần phải dựa trên luật pháp quốc tế, lợi ích chung của khu vực và các nguyên tắc để xử lý các vấn đề nảy sinh, có tiếng nói về cái đúng và cả cái sai xảy ra ở khu vực. Do vậy, nếu sau tuyên bố, Mỹ gia tăng hoạt động hàng hải ở Biển Đông, thì điều quan trọng là phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Còn với Trung Quốc, họ cũng không thể tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế để áp đặt yêu sách phi lý của mình ở Biển Đông. Đây là điều không thể chấp nhận.
 
Ba chữ “công” trong vấn đề Biển Đông
 
Theo ông, Việt Nam cần làm những gì để tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như đảm bảo an ninh ở Biển Đông?
 
Ở đây, có hai câu chuyện quan trọng mà Việt Nam luôn nhất quán, ủng hộ.
 
Thứ nhất là đóng góp trách nhiệm vào cái chung, bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Việt Nam ủng hộ ASEAN, các nước nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đối thoại xây dựng lòng tin và không có các hành vi làm phức tạp hơn tình hình.
Thứ hai là sự chính nghĩa của Việt Nam trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước.
 
Có 3 vấn đề, 3 chữ “công” cần được quan tâm ở đây:
 
Thứ nhất là công pháp, luật pháp quốc tế: Phải dựa trên luật pháp quốc tế và công ước luật biển.
 
Thứ hai là công khai: Phải làm rõ cái đúng cái sai, công khai ủng hộ cái đúng, nhưng cũng phải công khai phản đối cái sai.
 
Thứ ba là công luận: Đó là tranh thủ công luận, dư luận, dựa trên chính nghĩa và luật pháp quốc tế.
 
Chúng ta cần tiếp tục phát huy tổng hợp các biện pháp này. Đó là quyết tâm về chính trị: Việt Nam luôn chủ trương hoà bình, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước, nhưng cũng rất kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bản thân chúng ta cũng phải mạnh, mạnh cả trong và ngoài, tức là: mạnh về thực lực, mạnh về kinh tế, mạnh về hội nhập, mạnh về quan hệ quốc tế. Khi đó, môi trường xung quanh sẽ tạo đà và thế thuận cho chúng ta, cộng hưởng sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Thành Đạt
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top