Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 10/5/2020 đã có 12 Bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua Sở TT&TT Tiền Giang đã chủ trì tích hợp được các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện Tiền Giang đã cung cấp 621 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đạt tỷ lệ 37,6% tổng số thủ tục hành chính.
Còn với Nam Định, đến nay, tỉnh này đã cung cấp 533 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đạt tỷ lệ 31,81% tổng số thủ tục hành chính. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được lãnh đạo tỉnh Nam Định quan tâm chỉ đạo quyết liệt và xem đó là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cải cách hành chính. Hàng năm, UBND tỉnh Nam Định ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, trong đó nêu rõ yêu cầu danh mục các dịch vụ công trực tuyến phải cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 đảm bảo theo chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 và Nghị quyết 17 ngày 07/3/2019 của Chính phủ.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết thêm, tính đến cuối tháng 4/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các Bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là hơn 54.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là trên 16.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,3%.
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mà các Bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã liên tục tăng, từ mức 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019 và 13,3% vào cuối tháng 4/2020.
Các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 gồm có 5 Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 7 tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Nam Định và Tiền Giang.