10 sự kiện CNTT-TT ngành Tài chính nổi bật nhất năm 2010

Thứ ba, 04/01/2011 11:01

Năm 2010 là năm xây dựng chiến lược phát triển ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng hiện đại hóa phương thức quản lý và công nghệ quản lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; từng bước hình thành nền tài chính chuyên nghiệp, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thương mại, phát triển kinh tế đất nước.

img

Cũng trong năm qua, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) của Bộ Tài chính và các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ đã diễn ra rất sôi động và đã đạt được rất nhiều thành quả đáng ghi nhận, đáng khích lệ.

Dưới đây là 10 sự kiện CNTT-TT nổi bật nhất, theo bình chọn của Tạp chí Tài chính điện tử - eFinance.

1/ Kết nối TABMIS - Tiến tới xoá bỏ “cát cứ” thông tin Bộ, ngành

Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách & kho bạc (TABMIS) là dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tất cả các Bộ, ngành trong cả nước cùng triển khai thông suốt hoạt động từ Trung ương tới địa phương, nhằm hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch tài chính ngân sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

TABMIS gồm 8 chức năng cơ bản: Quản lý mục lục ngân sách và tài khoản; Quản lý phân bổ ngân sách; Cam kết quỹ; Quản lý thanh toán; Quản lý nhận thu; Quản lý tiền mặt; Quyết toán cuối năm; Quản lý báo cáo.

Tất cả các Bộ, ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, được giao dự toán Nhà nước đều có trách nhiệm phải tham gia kết nối vào TABMIS.

Theo mục tiêu đề ra, khi tất cả các Bộ, ngành đều kết nối và cùng khai thác, sử dụng hiệu quả TABMIS (giai đoạn 2011 – 2014), Việt Nam sẽ có được một hệ thống thông tin tài chính tích hợp của Chính phủ (quản lý tập trung, thông suốt từ Trung ương xuống tận cấp huyện, xã, có thể xử lý thông tin tức thời, khai thác dữ liệu ở mọi lúc mọi nơi theo đúng chức năng, quyền hạn của người sử dụng), đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng quốc tế về tính minh bạch, công khai tài chính ngân sách quốc gia.

Theo kế hoạch kết nối hệ thống mạng của Bộ Tài chính với các Bộ ngành nhằm phục vụ dự án Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), sẽ có 14 Bộ phải triển khai ngay trong năm 2010, và sang năm 2011 sẽ hoàn tất việc kết nối cho tất cả các Bộ, ngành.

Việc kết nối số liệu dự toán của các Bộ, ngành vào TABMIS) do Bộ Tài chính chủ trì vận hành được nhìn nhận là bước khởi đầu của “lộ trình liên thông” hướng tới xoá bỏ tình trạng “cát cứ” thông tin trong suốt thời gian qua.

2/ Bộ Tài chính Công bố sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Bộ

Đẩy mạnh giao dịch điện tử và áp dụng chữ ký số (CKS), thay cho các giao dịch giấy tờ truyền thống là một trong những biện pháp hữu hiệu, góp phần tích cực cho mục tiêu cải cách hành chính.

Hưởng ứng chủ trương này, ngày 28/09/2010, Bộ Tài chính chính thức sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan chính trị do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý, vận hành và phân nhánh dịch vụ đặt tại Bộ Tài chính.

Trong các năm 2010 - 2012, Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp dụng chữ ký số cho 12 hệ thống nội bộ, với tổng số 6.000 chứng thư số cần được cấp.

Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên đã sử dụng chứng thực chữ ký số. Sau hơn 8 tháng đưa phần mềm Tổng hợp báo cáo thanh tra có tích hợp chứng thư số vào sử dụng, đã cấp chứng thư số cho 63 Sở Tài chính của các tỉnh, thành phố và 6 tổ chức Thanh tra ở Tổng cục, đơn vị trong hệ thống Thanh tra Tài chính. Đến nay, việc cấp Chứng thư số đã hoàn thành tại 52 đơn vị, Cục Tin học và Thống kê Tài chính hiện đang làm những thủ tục cần thiết để gửi Chứng thư số đến 17 đơn vị còn lại.

Kết quả bước đầu, công tác gửi báo cáo hết sức thuận tiện, đơn giản, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành mà vẫn đảm bảo các thông tin được bảo mật.

3/ Bộ Tài chính được xếp hạng “á quân”  trong khối các Bộ ngành về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT-TT

Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2010 (Vietnam ICT Index 2010) do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT công bố sáng 27/8/2010, Bộ Tài chính đã vượt lên xếp vị trí thứ 2 (sau Bộ Giáo dục & Đào tạo) trong bảng xếp hạng chung của khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thăng hạng so với năm 2009 (hạng 3) và năm 2008 (hạng 10).

Theo các nhóm chỉ tiêu cụ thể, ở Nhóm Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Tài chính đã tăng 2 bậc so với năm 2009 (hạng 4) và tăng 8 bậc so với năm 208 (hạng 10).

Ở nhóm Hạ tầng Nhân lực, vị trí thứ 2 cũng thuộc về Bộ Tài chính (chỉ đứng sau Bộ Thông tin & Truyền thông), tăng mạnh so với năm 2009 (hạng 9) và năm 2008 (hạng 13).

Tuy nhiên, ở Nhóm Ứng dụng, Bộ Tài chính bị “tụt hạng” xuống vị trí thứ 8 (từ hạng 2 của năm 2009 và hạng 3 của năm 2008). Nguyên nhân chính là do năm nay việc xếp hạng đã bổ sung thêm những chỉ tiêu liên quan tới hoạt động cải cách thủ tục hành chính, trong khi trên thực tế, tổng số thủ tục hành chính của Bộ Tài chính lớn hơn rất nhiều so với các Bộ, ngành khác, và mặc dù hoạt động tin học hóa của Bộ Tài chính  đã được tích cực đẩy mạnh, nhưng trong một thời gian ngắn không thể đưa CNTT vào ứng dụng ngay ở hầu hết các thủ tục liên quan đến nhiều bộ ngành kinh tế khác được.

4/ Triển khai thành công Ứng dụng Quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Dự án Ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý thuế TNCN là dạng dự án “chìa khoá trao tay”, có điểm đặc là lần đầu tiên một doanh nghiệp CNTT Việt Nam được chọn là tổng thầu cho một dự án quy mô quốc gia với 7.000 người sử dụng (cán bộ thuế), gần 800 điểm triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, gần 700 chi cục, quản lý 15 triệu đối tượng nộp thuế.

Tính đến hết tháng 11/2010, Ứng dụng Quản lý thuế TNCN đã cấp hơn 8,1 triệu mã số thuế cá nhân, thu thập gần 223.000 tờ khai dữ liệu quyết toán thuế.

Tổng cục Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý thuế TNCN đúng với yêu cầu mà Bộ Tài chính đã đặt ra, cụ thể, đã xây dựng được các chức năng cơ bản trong quản lý thuế TNCN như đăng ký thuế, xử lý thông tin về kê khai tính thuế, tính nợ, đặc biệt là chức năng kế toán thuế (chưa từng có trong công tác quản lý thuế của ngành thuế).

Ứng dụng Quản lý thuế TNCN hiện đã sẵn sàng về mặt giải pháp để triển khai diện rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan nên thực tế mới chỉ triển khai diện hẹp ở 5 cục thuế gồm Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Thời gian tới, Ứng dụng Quản lý thuế TNCN sẽ tiếp tục được hoàn thiện ở giai đoạn 2 về hệ thống thông tin báo cáo, đăng ký thuế tập trung của cả hệ thống thuế đối với tất cả các sắc thuế và tất cả các đối tượng nộp thuế, đặc biệt là sẽ hoàn thiện việc cung cấp thông tin qua mạng cho người nộp thuế.

Với sự ra mắt Ứng dụng Quản lý thuế TNCN của Tổng cục Thuế chiều 15/12/2010, nhiều người tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có hệ thống quản lý thuế tiên tiến hàng đầu thế giới. Ứng dụng này sẽ là “lời giải” cho “bài toán” rất khó khi Việt Nam hội nhập, đó là giảm thuế xuất nhập khẩu mà vẫn phải tăng thu ngân sách.

Được biết đầu năm 2010, Tổng cục Thuế đã chính thức được Bộ Thông tin & Truyền thông vinh danh là Cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất.

5/ Dừng Dự án Hiện đại hóa hải quan vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB)

Ngày 17/10/2005, Ngân hàng Thế giới (WB) phê duyệt cho Chính phủ Việt Nam vay 65,9 triệu USD thực hiện Dự án Hiện đại hoá hải quan (HĐHHQ). Mục đích của Dự án nhằm nâng cao năng lực của Tổng cục Hải quan góp phần tạo thuận lợi thương mại, thuế quan, cung cấp số liệu thống kê thương mại..., được kỳ vọng là nhân tố then chốt trong việc tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập WTO.

Sau 5 năm triển khai dự án, tổng số các gói thầu triển khai đạt 20/44 gói thầu, trong đó chủ yếu là các gói thầu có giá trị hợp đồng nhỏ. Hầu hết các gói thầu quan trọng, giá trị lớn chưa được triển khai, ví dụ gói thầu mua sắm máy soi container di động, gói thầu mua sắm hệ thống CNTT...

Chỉ ra nguyên nhân tồn tại, Tổng cục Hải quan cho rằng: Hầu hết các gói thầu tư vấn không tuyển được tư vấn, phần lớn các tư vấn quốc tế là cán bộ hải quan đã nghỉ hưu hoặc từng làm cán bộ hải quan trước đây 10 - 15 năm do vậy khả năng cập nhật kiến thức mới cũng như tiến trình cải cách và hiện đại hóa hải quan bị hạn chế, bất cập... Thêm vào đó, cách tiếp cận ban đầu của dự án chưa hợp lý. Việc xây dựng đầu bài, xác định nhiệm vụ cho các gói thầu còn lúng túng, mất nhiều thời gian; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt, nguồn lực con người tham gia vào các gói thầu hạn chế...

Ngày 26/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2176/TTg-QHQT đồng ý không gia hạn và đóng Dự án vào ngày 31/12/2010.

6/ Thí điểm chữ ký số trong giao dịch chứng khoán

Lễ ký thoả thuận hợp tác triển khai chữ ký số công cộng giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã diễn ra sáng 21/9/2010, tại Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của ngành Chứng khoán là một trong những mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Triển khai ứng dụng chữ ký số, các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở thực hiện cơ chế báo cáo một cách kịp thời, công khai, minh bạch, góp phần cải cách thủ tục hành chính, còn hệ thống các tổ chức, công ty kinh doanh chứng khoán sẽ tăng cường kết nối với các nhà đầu tư và thị trường một cách hiệu quả, tiết kiệm hơn, qua đó nâng cao tính thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Theo kế hoạch của UBCKNN, trong 3 tháng (từ 1/10 – 31/12/2010), có 20 công ty chứng khoán thí điểm ứng dụng chữ ký số trong giao dịch.

7/ Tổng cục Hải quan và 3 "đại gia" ngân hàng phối hợp thu ngân sách

Tổng cục Hải quan vừa ký thỏa thuận hợp tác tổ chức phối hợp thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bằng phương thức điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) với 3 ngân hàng thương mại lớn gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

Trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động thanh toán XNK ngày càng đa dạng, phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về tốc độ thông quan hàng hóa XNK của các doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn, đòi hỏi quá trình thanh toán các khoản thu thuế liên quan đến hàng hóa XNK phải được phối hợp đồng bộ, tức thời và được quản lý chặt chẽ ở tất cả các ban ngành có liên quan, tạo nên môi trường thuận lợi cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và cải cách thủ tục hành chính.

Nhận thức được điều đó, Tổng cục Hải quan đã đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM). Người nộp thuế có thể đến bất kỳ chi nhánh ngân hàng trong hệ thống của ngân hàng thoả thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan để nộp thuế hàng hóa XNK, đồng thời thông tin về số thu sẽ được cập nhật tức thời về Cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan, hỗ trợ kịp thời cho công tác thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoàn thành nghĩa vụ nộp NSNN của mình.

8/ Chấp nhận chứng thư số của Intel trong thủ tục hải quan điện tử

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký quyết định về việc chấp nhận chứng thư số của Tập đoàn Intel và các đại lý xuất nhập khẩu của Intel trong thủ tục hải quan điện tử tại Việt Nam đến 31/7/2012.

Tuy nhiên, Tập đoàn Intel và các đại lý xuất nhập khẩu của Intel không được sử dụng chứng thư số nêu trên cho bất kỳ giao dịch nào khác tại Việt Nam ngoài phạm vi giao dịch thủ tục hải quan; chịu trách nhiệm về các rủi ro, hậu quả do việc sử dụng chứng thư số từ các nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Ngày 25/3/2010, Tổng cục Hải quan nhận được văn bản của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Intel Việt Nam) đề nghị chấp thuận cho Công ty Intel Việt Nam và các đại lý khai báo hải quan của Intel sử dụng chứng thư số và chữ ký số do Verisign xác thực hoặc các tổ chức nước ngoài khác trong hoạt động khai báo hải quan điện tử.

Vướng mắc ở chỗ Công ty Intel Việt Nam chỉ sử dụng duy nhất chữ ký số được cung cấp từ Công ty Verisign trong khi VeriSign chưa được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam (lý do là chưa đáp ứng các điều kiện được nêu trong Điều 52 - Công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài, trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số).

Nếu sử dụng chứng thư số của Verisign phục vụ việc trao đổi thông tin giữa Intel và hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì không đúng theo các quy định hiện hành. Nếu không sử dụng chứng thư số trên thì sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử của Intel cũng như các doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt khác.

Đây là một vụ việc đặc thù liên quan tới yếu tố nước ngoài vốn chưa có tiền lệ.

9/ Lần đầu tiên Hải quan Việt Nam trang bị máy soi container

Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực và thế giới, cần thiết thực hiện mô hình một cửa ASEAN (ASW) nhằm đạt mục tiêu chuẩn hoá thủ tục thông quan hàng hoá theo cam kết WTO và ASEAN.

Tuy nhiên, nhiều năm qua tình trạng ứ đọng hàng hoá tại các cảng biển thường xuyên xảy ra. Việc đưa hệ thống máy soi container vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực hàng hoá thông qua cảng, tăng cường thêm hiệu quả quản lý hải quan, góp phần mang lại lợi ích kinh tế xã hội.

Được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/10/2008, Bộ Tài chính đã ký Công hàm trao đổi với Chính phủ Nhật Bản về khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án tăng cường Quản lý Hải quan tại Cảng Tân Cảng – Cát Lái, TP.HCM.

Chính phủ Nhật Bản đã cam kết dành khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 867 triệu Yên Nhật Bản (tương đương 9,6 triệu đô la Mỹ) dành riêng cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện mua sắm thiết bị và dịch vụ, xây dựng và lắp đặt trọn gói hệ thống máy soi container cố định cỡ lớn phục vụ quản lý hải quan  tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả đào tạo vận hành và bảo dưỡng). 

Với việc trang bị máy soi container cho cảng Cát Lái, thời gian kiểm tra thực tế 1 container giảm từ 4 đến 6 lần so với kiểm tra thủ công; Phát hiện nhanh, hàng hoá khai sai, giảm tối đa gian lận thương mại, ngăn chặn buôn lậu và vận chuyển trái phép các chất ma tuý và hàng cấm qua việc cất giấu trong các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; Góp phần đảm bảo an ninh hàng hoá, chống khủng bố và thực hiện các cam kết quốc tế; Giải phóng hàng nhanh, không tốn chi phí mở, khoá, nâng, hạ container, tháo dỡ hàng hoá…

10/ Tổ chức thành công Hội thảo - Triển lãm Ứng dụng CNTT-TT trong lĩnh vực Tài chính (ICTF)

Với chủ đề “Phát triển nền Tài chính điện tử đến năm 2015”, Hội thảo ICTF do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn IDG Việt Nam tổ chức diễn ra trong hai ngày 23 và 24/9/2010, đã trở thành “cầu nối” giữa các lãnh đạo ngành Tài chính với các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn giải pháp công nghệ hàng đầu, qua đó giúp các cán bộ lãnh đạo của ngành tiếp cận được nhiều công nghệ, giải pháp tiên tiến trên thế giới. Mặt khác, Hội thảo cũng là nơi để các chuyên gia trong ngành trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm triển khai để xây dựng chiến lược phát triển nền tài chính điện tử phù hợp và hiệu quả cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi và phát triển, việc đổi mới và hoàn thiện các dịch vụ hành chính công điện tử trong lĩnh vực Tài chính đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa về công nghệ quản lý, xây dựng nền Tài chính điện tử nói riêng, trong sự phát triển và hội nhập kinh tế đất nước nói chung.

Cũng tại đây, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 30 dịch vụ công trực tuyến cơ bản đạt mức độ 3 vào năm 2015 (theo cách tính của Bộ Thông tin & Truyền thông, dịch vụ công trực tuyến được phân thành 4 mức: Mức 1 - đưa đầy đủ quy trình thủ tục hành chính lên mạng; Mức 2 – có những biểu mẫu cho phép người dân tải về máy, in ra rồi đem nộp cho cơ quan công quyền; Mức 3 – cho phép người dân gửi biểu mẫu qua đường điện tử tới cơ quan công quyền, nếu đủ hồ sơ thì cơ quan công quyền thông báo đến lấy kết quả về; Mức 4 – không chỉ nhận hồ sơ qua mạng mà còn chuyển lại giấy đăng ký, giấy phép qua mạng).

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top