Nhằm phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng biên tập, Giám đốc các cơ quan báo chí, Nhà xuất bản; Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc ngành Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lạnh mạnh, an toàn, tiết kiệm.
2. Phân công công việc hợp lý, xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tổ chức trực Tết; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc của cơ quan, đơn vị trước, trong và ngay sau các ngày nghỉ Tết, không để chậm trễ, gián đoạn công việc.
3. Thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi… không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan.
4. Đảm bảo tốt an ninh, an toàn, phòng - chống cháy, nổ tại cơ quan, đơn vị trong dịp Tết năm 2025; chủ động chăm lo Tết cho công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị; tổ chức chúc Tết tại trụ sở cơ quan, đơn vị vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
5. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ tiếp tục tập trung vào công việc, không để chậm trễ tiến độ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung; công tác quản lý nhà nước và các nhiệm vụ được cấp trên giao nói riêng.
6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường năng lực mạng lưới, lao động, mặt bằng khai thác; phương tiện vận chuyển, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hóa. Nghiêm cấm vận chuyển và chuyển phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính; kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý các vi phạm theo trình tự quy định. Tổ chức rà soát, sắp xếp các bộ phận sản xuất một cách khoa học, hợp lý, bố trí nhân lực hỗ trợ chăm sóc khách hàng 24/24 để kịp thời lưu thoát bưu gửi, không để xảy ra tình trạng thất lạc, ứ đọng, mất mát gây phát sinh khiếu nại của khách hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
7. Các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông, Internet, công nghệ thông tin:
Bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ ngăn chặn các hành vi lợi dụng hệ thống viễn thông để lừa đảo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng kế hoạch mở rộng dung lượng đường truyền, băng thông kết nối trong nước và quốc tế đảm bảo không bị nghẽn mạng tại các thời điểm có lượng thuê bao truy cập lớn (đặc biệt là thời điểm giao thừa). Rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí các trang thiết bị dự phòng, các xe phát sóng lưu động, các phương án truyền dẫn dự phòng, thiết lập các tổ, nhóm kỹ thuật sẵn sàng xử lý sự cố, ứng cứu thông tin nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phát sinh về dịch vụ viễn thông của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Phối hợp, xây dựng kế hoạch ứng cứu lẫn nhau (roaming, chia sẻ và sử dụng chung hạ tầng viễn thông...) giữa các doanh nghiệp viễn thông trên cùng địa bàn khi cần thiết để đảm bảo thông tin liên lạc và chất lượng dịch vụ trong mọi tình huống. Tăng cường kiểm soát, duy trì công tác trực hệ thống mạng đài kiểm soát tần số vô tuyến điện; sẵn sàng nhân lực để kịp thời giải quyết các vụ can nhiễu thông tin vô tuyến; đảm bảo an toàn, thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến. Đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, an toàn hạ tầng mạng kết nối, trung chuyển Internet, các hệ thống kỹ thuật tên miền, tài nguyên Internet quốc gia. Nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và Internet để gửi, phát tán thông tin có nội dung trái pháp luật và phát tán vi rút phá hoại các cổng/trang thông tin điện tử.
8. Các đơn vị, doanh nghiệp an toàn thông tin tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin chứa thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia; theo dõi, giám sát, phát hiện xử lý sớm các nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, các dấu hiệu tấn công, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; phát hiện, tuyên truyền, cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bảo đảm các hoạt động giao dịch điện tử hoạt động ổn định, liên tục và an toàn. Cử cán bộ kỹ thuật trực theo dõi, giám sát an toàn thông tin liên tục trong suốt kỳ nghỉ Tết.
9. Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình và hệ thống thông tin cơ sở thông tin kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về thành tựu của đất nước, không khí vui Xuân, đón Tết của Nhân dân trên cả nước, tình hình kinh tế - xã hội, về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung, giá thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2025. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quảng bá hình ảnh dân tộc, vẻ đẹp truyền thống, giá trị nhân văn của Việt Nam đối với du khách nước ngoài và bà con Việt kiều về Việt Nam đón Tết trong không khí đầm ấm, vui tươi, đoàn kết. Tiếp tục tăng cường rà quét, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới.
10. Các Nhà xuất bản, các cơ sở phát hành sách tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá các xuất bản phẩm có giá trị về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật và các văn hóa phẩm, tranh, ảnh, lịch phục vụ nhân dân trong dịp Tết tại các trung tâm, cộng đồng dân cư và nơi diễn ra lễ hội bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
11. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet và công nghệ thông tin trên địa bàn đảm bảo tốt công tác truyền thông, thông tin liên lạc trong dịp Tết. Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tổ chức trưng bày báo Xuân, báo Tết trên địa bàn để phục vụ nhân dân.
12. Các doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện tốt chương trình phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…
13. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phát huy tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc và truyền thống nghĩa tình của ngành Thông tin và Truyền thông; quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách thiết thực, qua đó chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng biên tập, Giám đốc các cơ quan báo chí, Nhà xuất bản, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc ngành Thông tin và Truyền thông phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh đột xuất./.