Trung tá “một vai hai việc”

Thứ hai, 07/03/2022 10:13

Từ Thành phố Hà Giang, vượt qua hơn 200km đường dốc núi với những cung đèo hiểm trở, khó khăn, chúng tôi mới lên được xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

5_1.jpg

Trung tá Kim Đình Tư thăm hỏi người dân xã Xín Cải, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Chính vì giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều gian khó; không ít người muốn về xuôi để cuộc sống ổn định hơn. Nhưng ngược lại, có người lính gần 20 năm công tác tại vùng cao Xín Cái, sau hai năm được điều động về tỉnh, anh lại tình nguyện quay trở lại gắn bó với nơi này. Đó là Trung tá Kim Đình Tư, cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang được tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Xín Cái.

"Cảm ơn bộ đội Tư nhiều lắm"

Đặt tấm lợp fibro xi măng trên vai xuống, ông Vàng Mí Chơ (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vừa quệt mồ hôi chảy trên mặt, vừa hớn hở khoe: “Hôm nay bộ đội Tư chở đến cả một ô tô tấm lợp, rồi huy động mọi người trong bản cùng đến giúp gia đình tôi. Vợ tôi bị bệnh, đã mất mấy năm nay, còn tôi thì bị bệnh về thần kinh, đau yếu liên miên nhưng phải nuôi cả đàn con nhỏ, mỗi năm gia đình thiếu ăn 5-6 tháng. Những lần trước, bộ đội Tư đến thăm nhà, mua tặng gạo. Giờ thì giúp làm lại cái nhà. Bố con tôi rất vui, cảm ơn bộ đội Tư nhiều lắm”.

Trong khung cảnh tất bật khi người dân bản Sủa Nhè Lử cùng bộ đội làm giúp ông Vàng Mí Chơ ngôi nhà mới, trưởng bản Vàng Mí Lá giãi lòng: "Cách đây 20 năm, bản định cư dưới khe suối, khi trận lũ quét ào tới, bộ đội giúp dân chạy thoát lũ lên san đất, dựng nhà tại đây. Ngôi nhà cũ của ông Vàng Mí Chơ cũng làm từ ngày đó. Mấy tháng nay mưa bão giật tung mái, bộ đội Tư về bản thấy vậy bàn cách dựng lại nhà cho ông Chơ. Bộ đội bỏ tiền mua tấm lợp, xi măng, dân bản góp sức".

Vừa leo núi, vừa nhẩn nha nghe trưởng bản kể chuyện, chúng tôi ngược thời gian trở về 20 năm trước, ngày mà Kim Đình Tư còn là chàng trinh sát trẻ lần đầu lên nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Săm Pun (nay là Đồn Biên phòng Xín Cái), Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Ngày đó, một mình anh khoác ba lô leo bộ khắp 32 xóm, bản của hai xã Xín Cái và Thượng Phùng để nắm địa bàn, làm quen với từng hộ dân, chào hỏi trưởng bản, già làng. Chuyến trinh sát đầu tiên ấy kéo dài hơn một tháng, cho đến khi thông thạo địa bàn, Kim Đình Tư mới quay trở lại đơn vị và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Leo núi khi lưng áo ướt mồ hôi, trưởng bản Vàng Mí Lá mới nghỉ chân và chỉ ra sườn núi đối diện: “Bên đó vẫn là địa bàn của bản Sủa Nhè Lử đấy. Người Mông mình ở rải rác trên các triền núi cao nên đi thăm vài hộ cũng mất cả ngày đường. Bây giờ còn vậy, cách đây 20 năm khó khăn hơn nhiều. Vậy mà suốt từng đó năm, bộ đội Tư đều đặn đi tuần tra biên giới, vận động nhân dân bảo vệ biên cương. Nhưng cái khó nhất là giai đoạn xác định địa giới với nước bạn để cắm mốc. Để có được mỗi cột mốc xây nên như hôm nay, dân bản đều biết mồ hôi, công sức của bộ đội đổ xuống rất nhiều”.

Chúng tôi được biết, năm 2004, anh được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội trinh sát Đồn Biên phòng Săm Pun. Đầu năm 2009, anh giữ cương vị Phó đồn trưởng phụ trách nghiệp vụ. Suốt gần 20 năm gắn bó với Xín Cái, anh luôn là người “đứng mũi chịu sào”, cùng đồng đội, nhân dân tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng "thế trận lòng dân" suốt dọc tuyến biên giới hiểm trở này. Đồng thời, anh cũng tham gia triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm, được đặt biệt danh “khắc tinh của tội phạm”. Đến năm 2014, anh được điều động về Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, giữ cương vị Trưởng ban Trinh sát nội biên.

Tình nguyện, xung phong đi cơ sở

Hai năm ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, được công tác trong môi trường thuận lợi, Trung tá Kim Đình Tư vẫn luôn hướng lòng về vùng biên Xín Cái, nơi anh coi là quê hương thứ hai của mình. Năm 2016, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có đợt bổ sung nhân lực thực hiện chương trình tăng cường bộ đội sang làm Phó bí thư Đảng ủy tại các xã biên giới. Vậy là anh lại xung phong đi cơ sở, quay trở lại xã Xín Cái, nơi anh đã nhiều năm gắn bó.

Xín Cái là một xã rộng, trải dài nhiều quả núi, khe suối, với 19 thôn bản, 8 dân tộc sinh sống. Ngay ngày đầu trở về, bên cạnh gánh vác việc chung của toàn xã, anh còn nhận nhiệm vụ phụ trách 4 thôn bản khó khăn nhất với tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 90%. Do đó, lựa chọn vật nuôi, cây trồng phù hợp với gần 500 hộ nghèo và cận nghèo là một bài toán cần nhiều lời giải. Không chỉ tìm những giải pháp tại chỗ, Trung tá Kim Đình Tư còn lặn lội về học hỏi một số địa phương vùng xuôi, tìm đến các nhà khoa học, người có chuyên môn để xin tư vấn, tìm ra giống cây trồng, vật nuôi thích hợp, rồi bàn bạc cùng Đảng ủy xã, cấp ủy đồn biên phòng xây dựng nhiều mô hình hướng dẫn bà con thoát nghèo.

Nhà bà Và Thị Mỷ có tới 12 khẩu; sống ở lưng chừng núi, đất trồng cây ít mà nương đá sắc lạnh thì nhiều. Nhiều năm liền, gia đình bà Mỷ thuộc diện hộ nghèo của bản. Nhưng giờ nhà bà đã có 3 con bò béo tốt. Kể với chúng tôi, bà Mỷ không giấu được xúc động: “Từ khi quay trở lại Xín Cái, tuần nào bộ đội Tư cũng có mặt tại nhà mình. Lần thì cùng nói chuyện vì sao nhà mình lại nghèo. Lần thì cùng đi thăm nương rẫy xem vì sao trồng cây ngô cho ít hạt. Lần thì lại dẫn theo trưởng thôn xuống bàn cách mua tặng bò, hướng dẫn cách nuôi, phòng bệnh. Cuối năm 2019, bộ đội Tư đem tặng nhà mình một con bò cái; nuôi được một năm thì con bò đẻ ra hai con bê. Gia đình mình lại đem một con đi tặng lại hộ nghèo khác trong bản. Cứ thế cùng nhau thoát nghèo”.

Nếu ở những thôn bản người Mông, người Giấy, người Xuồng, Trung tá Kim Đình Tư có giải pháp trồng cỏ nuôi bò, thả dê, trồng cây na, cây mít thì tại thôn của người Dao, Lô Lô, Tày, Hán, anh lại bàn với Đảng ủy xã giao rừng, hướng dẫn bà con phát cỏ đất hoang trồng cây chè hoa vàng, cây kim ngân, sa mộc. Dẫn chúng tôi lên đỉnh núi cao nhất thôn Lùng Vần Chải, ông Lò Xìn Hòa vừa chỉ tay ra dải đất biên cương xung quanh vừa kể: “Người Dao thôn Lùng Vần Chải này sống bám biên giới nhiều đời nay. Những quả núi này mùa đông thì phủ trắng sương muối, băng giá; mùa hè thì nắng cháy cỏ, cây đỏ quạch. Nhưng từ khi Phó bí thư Tư về, anh đã cùng chính quyền xã, thôn mời dân lên họp, giao đất, giao rừng, hướng dẫn trồng giống cây mới. Giờ cây đã bén rễ, nảy chồi xanh. Chẳng mấy nữa là những quả núi này sẽ thành rừng cây chè hoa vàng”.

Đồng chí Chảo Chỉn Chản, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xín Cái đi cùng đoàn cũng góp lời: Trung tá Kim Đình Tư là người đề ra giải pháp “4 cùng” để cấp ủy thực hiện, đó là: Cùng học và nói ngôn ngữ địa phương để dân dễ nghe; cùng làm cho dân xem; cùng giám sát dân thực hành và quan trọng nhất là cùng lấy sức dân để lo cho dân. Từ đó giúp dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trên chính mảnh đất từ xưa đến nay người dân vẫn coi là khó, là bỏ đi.

Chọn từng tấm lợp dựng nhà, tìm từng giống cây, hướng dẫn kỹ thuật cho từng hộ thoát nghèo, rồi rộng hơn là bản nào thiếu cây cầu, điểm trường nào dột nát, học sinh nào còn thiếu giấy bút là Trung tá Kim Đình Tư lại trăn trở, cùng cấp ủy thôn khảo sát địa hình, lên các phương án, kêu gọi sự hỗ trợ gần xa. Thông qua mạng xã hội, những nhà hảo tâm thấy được việc làm ý nghĩa nên chung tay cùng anh gánh vác việc khó cho dân.

Con đường từ bản Thuồng Luồng đi bản Khai Hoang 3 và bản Tìa Kính là một ví dụ. Năm 2019, lũ ống quét qua, đường sạt lở, khe núi biến thành dòng suối lớn. Vậy là chỉ sau vài tháng, Phó bí thư Kim Đình Tư đã kêu gọi được bạn bè gần xa ủng hộ gần 500 triệu đồng để mở lại đường, xây nên cây cầu mới, để học sinh vững bước đến trường, dân bản yên tâm kết nối giao thương với vùng xuôi.

Đi trên cây cầu mới, cậu thanh niên Vừ Mí Súng tự hào: “Chú Tư là người dũng cảm, tốt bụng, thương dân. Gia đình nghèo, nhà bị hỏng thì chú kêu gọi giúp dựng lại. Điểm trường nào hỏng là chú vận động dân bản sửa ngay. Chú cũng thường đến nhà bảo bố mẹ, ông bà cho trẻ tới trường, căn dặn chúng em không được bỏ học, không được lấy vợ, lấy chồng sớm. Để phòng, chống dịch Covid-19, chú kêu gọi được rất nhiều khẩu trang, nước rửa tay tặng học sinh chúng em đến trường học an toàn. Chú bảo em phải phấn đấu học tốt để xây dựng quê hương, cùng chú bảo vệ biên giới”.

"Cầu nối" với dân và chính quyền

Trực tiếp sát cánh cùng Trung tá Kim Đình Tư, Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái Phan Văn Hào chia sẻ: "Trong suốt gần hai năm chống dịch Covid-19, Xín Cái là điểm nóng về nhập cảnh qua biên giới. Đồng chí Tư đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã lên các phương án, triển khai lực lượng cùng Bộ đội Biên phòng lập 7 chốt kiểm dịch, tổ chức hai khu cách ly tập trung cho hơn 10.000 người từ Trung Quốc nhập cảnh về nước. Đồng thời, đồng chí cũng thường xuyên đi tuần, đến thăm anh em ở các chốt phòng, chống dịch. Thấy anh em thiếu thốn, đồng chí đã quyên góp, ủng hộ được gần 150 triệu đồng để mua sắm vật tư và nhiều đồ dùng thiết yếu cho lực lượng phòng, chống dịch...". 

Mới đây nhất, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, trong cuộc thi Hiến kế dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng các cấp do Huyện ủy huyện Mèo Vạc tổ chức, chuyên đề "Chống xuất nhập cảnh trái phép" của Trung tá Kim Đình Tư đã được lựa chọn đóng thành tài liệu hướng dẫn triển khai toàn huyện.

Nói về công việc, Trung tá Kim Đình Tư xác định: “Chúng tôi là cán bộ đi tăng cường, là "cầu nối" giữa đồn biên phòng và chính quyền địa phương để xây dựng mối đoàn kết, thống nhất cùng một lực lượng, cùng một gia đình, cùng chung tay trong công tác bảo vệ biên giới”. Trung tá Kim Đình Tư cũng luôn tâm niệm, là người con của xã Xín Cái thì luôn đi vào nhân dân để vừa giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vừa tuyên truyền cho bà con phòng, chống tội phạm, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực sự là những "cột mốc sống" vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc./.

 

Theo: qdnd.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top