Luôn tận tụy với nghề
Những ngày này, công việc của bưu tá Nguyễn Huy Long, công tác tại Bưu cục Đống Đa 1 và đồng nghiệp bắt đầu từ 7h. Sau khi hoàn tất việc đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ở trước cửa Bưu cục, anh Long cùng đồng nghiệp tranh thủ họp ca đầu giờ hằng ngày. Buổi họp ca nào cũng vậy, Trưởng Bưu cục Đống Đa 1 Phạm Tấn Hùng không quên nhắc nhở các biện pháp phòng dịch, yêu cầu các bưu tá thực hiện nghiêm. Cuộc họp chớp nhoáng kết thúc sau khoảng 15 phút và công việc của bưu tá bắt đầu.
Bưu tá Nguyễn Huy Long trên đường làm nhiệm vụ chuyển phát báo, bưu phẩm. Ảnh: Đỗ Hà
Để hạn chế lây lan dịch từ báo, bưu phẩm, anh Nguyễn Huy Long đeo găng tay cao su, ngồi cách đồng nghiệp 2m, nhanh tay phân loại, chia, chọn số bưu phẩm vừa nhận, sắp xếp bưu phẩm lên xe máy theo mức độ ưu tiên và lộ trình trước khi bắt đầu di chuyển. 13 năm làm nghề, anh Long tự lập cho mình lộ trình di chuyển để vừa bảo đảm công việc giao, nhận thuận lợi, nhanh chóng nhất, vừa hạn chế tối đa nhầm lẫn, sai sót. Vì thế, chỉ mới tiếp nhận chuyển phát bưu phẩm tại phường Phương Mai (quận Đống Đa) được 4 tháng nay nhưng mọi ngõ ngách, khu tập thể, số nhà của phường anh Long đều thông thuộc. Điều đáng quý ở anh Long là không chỉ hoàn thành việc giao báo, bưu phẩm cho khách với chất lượng cao nhất, anh còn hướng dẫn nhiều gia đình làm hòm, túi đựng thư, báo để tránh thất lạc hoặc bị ướt.
“Hiếm có bưu tá nào tận tụy như cháu Long. Dù tuổi còn trẻ nhưng cậu ấy rất chăm chỉ, ân cần, lễ phép. Bất kể ngày nắng hay mưa, Long đều giao báo cho gia đình tôi đúng giờ. Tôi luôn coi Long như con cháu trong nhà vậy”, ông Phạm Thế Vịnh, 92 tuổi, 71 năm tuổi Đảng ở số nhà 78, ngõ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa) chia sẻ.
Vào những ngày cả nước đang dồn sức phòng, chống dịch Covid-19, hình ảnh bưu tá Phạm Thị Hoa, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) làm tại Bưu cục Xuân Mai, Bưu điện huyện Chương Mỹ luôn đeo khẩu trang, đội mũ có tấm chắn giọt bắn đều đặn ngày 2 lần rong ruổi trên các tuyến đường ở 4 thôn của xã Thủy Xuân Tiên để phát báo, bưu phẩm gây ấn tượng với nhiều người. “Do không có nhiều thời gian rảnh, nên từ ngày vào nghề, tôi duy trì việc dậy sớm để nấu ăn cho hai con. Thủy Xuân Tiên là xã rộng, dân cư thưa thớt, trong khi lượng bưu phẩm tương đối lớn (gần 200 tờ báo, bưu phẩm/ngày), để hoàn thành công việc, tôi phải tranh thủ từng phút vì không muốn để khách hàng đợi lâu, nhất là các đảng viên cao tuổi được tặng Báo Hànộimới. Đi làm mùa dịch dù gặp một số khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để chuyển phát báo, bưu phẩm đúng giờ”, chị Hoa bộc bạch.
Nhận xét về bưu tá Phạm Thị Hoa, ông Nguyễn Trọng Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Xuân Tiên cho biết: "6 năm đảm nhận chuyển phát báo, bưu phẩm trên địa bàn xã, bưu tá Hoa chưa để xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Chị Hoa là người chăm chỉ, nhiệt tình, trách nhiệm và tận tụy với công việc được giao. Các đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên được tặng Báo Hànộimới luôn phấn khởi vì ngày nào cũng được nhận báo đúng giờ bất kể mưa nắng".
Nỗ lực vượt qua đại dịch
Bưu tá đưa báo tới nhà dân trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Quang Thái
Có thể nói, nghề bưu tá nói riêng và công việc của cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện nói chung trong đại dịch Covid-19 đều có nguy cơ cao lây bệnh vì hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều khách hàng và nhiều loại báo, bưu phẩm cả trong, ngoài nước. Những năm gần đây, bên cạnh các bưu phẩm truyền thống như công văn, thư, báo, tạp chí, ngành Bưu điện nhận chuyển phát rất nhiều mặt hàng khác nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, điều này đồng nghĩa với công việc của bưu tá cũng tăng lên. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi nhu cầu vận chuyển hàng đến tận nhà ngày càng phát triển, bắt nguồn từ việc mua bán trực tuyến đang được ưa chuộng. Chưa kể, các bưu tá làm việc tại Bưu cục KT1 (quận Ba Đình) - chuyên chuyển phát văn bản chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trung ương và thành phố còn phải làm việc bất kể ngày đêm.
Bưu tá Nguyễn Minh Đức, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Những ngày này, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều văn bản chỉ đạo hỏa tốc phải giao ngay, có đêm tôi phải đi chuyển phát văn bản đến 3-4 lần, trong khi các cơ quan nhận văn bản lại cách xa nhau. Vất vả đấy nhưng anh em tôi luôn nỗ lực hết mình, sẵn sàng nhận lệnh và lên đường”.
Nhằm chia sẻ, động viên cán bộ, công nhân viên toàn ngành trong đại dịch Covid-19, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã mua gói bảo hiểm Anti-Covid cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Gói bảo hiểm này sẽ đồng hành, hỗ trợ người tham gia nếu không may nhiễm Covid-19. Ngoài ra, Bưu điện thành phố Hà Nội luôn sát cánh, đồng hành với cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ bưu tá trong đại dịch như hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị phòng dịch.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Nguyễn Hùng Sơn ghi nhận và đánh giá cao sự tự giác phòng dịch bệnh, tinh thần làm việc, vượt lên mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện thành phố; đặc biệt là gần 1.500 bưu tá đang ngày đêm miệt mài làm việc tại 68 bưu cục trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo đảm an toàn mạng lưới, thông tin thông suốt, giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi hoàn cảnh.
Chia sẻ thêm, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Thị Thu Thủy nói: "Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng bưu tá Hà Nội vẫn đảm nhiệm việc chuyển phát báo, bưu phẩm đều đặn đến khách hàng với tinh thần “vượt trên thách thức”, “cam kết phục vụ”. Điều đáng quý, ngay trong lúc dịch bệnh nguy hiểm nhất thì đội ngũ bưu tá vẫn nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với nghề".
Phía trước dẫu còn nhiều khó khăn, mong rằng đội ngũ bưu tá toàn thành phố luôn chủ động bảo vệ và tăng cường sức khỏe bản thân, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch, giữ vững tinh thần, yên tâm công tác, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.