Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) phát biểu tại Hội thảo.
|
Tại Hội thảo triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được tổ chức tại TP Buôn Mê Thuột mới đây, ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Đài PT-TH Khánh Hòa đặt câu hỏi về dự kiến giá truyền dẫn phát sóng 1 kênh trong khu vực miền Trung Tây Nguyên là bao nhiêu, mức giá này được quy định ở văn bản nào? Đối với những tỉnh có 1 hay nhiều trạm phát sóng thì giá thuê truyền dẫn có khác nhau không? Nếu như Đài PT-TH Khánh Hòa hợp tác với SDTV dùng chung toàn bộ hạ tầng như anten, máy phát, nhà trạm của Đài thì có phải trả tiền cho SDTV nữa hay không?
Về câu hỏi này ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cho hay, SDTV là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư mạng truyền dẫn phát sóng cho cả khu vực miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, SDTV triển khai phát sóng mạng đơn tần nên khi phát kênh nào trên hệ thống thì kênh đó sẽ được phát trên cả khu vực. Do đó, chi phí thiết lập kênh truyền dẫn là chi phí truyền dẫn chung cho cả khu vực. SDTV đang triển khai ở Nam Bộ giá truyền dẫn 1 kênh tính trên một trạm phát sóng không quá 600 triệu đồng/năm, nếu có 2 điểm phát sóng trở lên thì trên cơ sở Quyết định 2279 của Bộ TT&TT về cách tính đơn giá truyền dẫn phát sóng truyền hình số, chi phí phát sóng cả hai điểm vào khoảng 1,4 tỷ đồng/năm, đây là chi phí truyền dẫn kênh địa phương trên toàn khu vực.
Trong trường hợp các Đài địa phương đầu tư toàn bộ hạ tầng thiết bị có sẵn, nhân sự có sẵn, có thể tận dụng máy phát sóng cũ, chi phí sẽ trên cơ sở hai bên tính toán dựa trên đầu tư của các đài. Thực tế có địa phương SDTV chỉ thu tầm 200 triệu đồng/năm. Có nơi SDTV bù lỗ chi phí truyền dẫn nội dung cho các đài vì để phát sóng 36 kênh trên hệ thống của SDTV, SDTV phải lấy tín hiệu về headend đặt tại TP.HCM và Vĩnh Long rồi mới truyền dẫn đi tới hơn 20 trạm phát sóng trong khu vực.
Ông Hòa khẳng định: "SDTV luôn tính toán một mức chi phí tốt nhất cho các đài". Đối với giá thuê để phát HD, ông Hòa cho hay, truyền dẫn 1 kênh SD chi phí bằng 1/3 HD, giá dự tính tùy theo kênh nội dung sẽ cao hơn khoảng 2,5 lần đến 3 lần chi phí phát sóng chuẩn SD. SDTV đảm bảo sẽ truyền dẫn cho mỗi đài trong khu vực 1 kênh HD.
Mức giá mà SDTV đưa ra có thể nói là khá thấp, vì trước đây đã có một số đơn vị tính toán mức thuê truyền dẫn kênh SD vào khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, kênh HD là 7 tỷ đồng/năm.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, phát truyền hình chuẩn SD phát trên công nghệ số chắc chắn chất lượng tốt hơn SD phát trên analog. Do truyền dẫn mạng đơn tần sẽ được phát sóng trên toàn khu vực, các tỉnh nên tính toán thuê phát SD hay HD dựa theo tính toán đầu vào, nếu kênh địa phương phát HD sang tỉnh khác mà có nhiều người xem hơn, doanh thu quảng cáo tốt hơn thì lựa chọn HD.
Cũng liên quan tới chi phí phát sóng khi triển khai số hóa truyền hình, đại diện Đài PT-TH Lâm Đồng cho biết, trước đây VTC có đặt máy phát DVB-T phát 27 chương trình ở khu vực Cầu Đất nhưng ở Đà Lạt sóng của VTC thu rất kém. Vậy SDTV và VTV có nghiên cứu kỹ lại việc phát sóng tại Cầu Đất hay không? Lâm Đồng có địa hình đồi núi, phần lớn giờ dân xem truyền hình qua vệ tinh hết, chỉ có ở khu vực Đạ Tẻ là xem được truyền hình mặt đất.
Đại diện Đài PT-TH Lâm Đồng đặt câu hỏi: Giá cả được dựa trên cơ sở thương thảo hàng năm, vậy có biến động về giá cả hay không? Về câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, ở những nơi phủ sóng số mặt đất không hết, SDTV xin cho phủ sóng vệ tinh. Tại Lâm Đồng nếu hai bên hợp tác sẽ đặt 2 trạm ở Bảo Lộc và Cầu Đất đảm bảo phủ sóng số 40% khu vực có dân cư ở Lâm Đồng, còn các khu vực khác sẽ số hóa truyền hình bằng vệ tinh. Trong trường hợp cần lắp thêm các trạm phụ hai bên sẽ tính toán để có chi phí hợp lý nhất. SDTV đảm bảo mức chi trả của các Đài khi phát sóng số không vượt hơn chi phí mà các đài đang chi để phát sóng analog../