Đầu thu số DVB-T2 cháy hàng: Do doanh nghiệp sợ bị truy thu thuế

Chủ nhật, 26/06/2016 10:18

Thị trường đầu thu số DVB-T2 bị khan hiếm trong 10 ngày qua là vì các nhà nhập khẩu không dám nhập hàng về nhiều, do lo ngại bị truy thu thuế với mức cao tới 35%.

20160627-shth1.jpg
Ảnh minh họa
Mặc dù nhu cầu thị trường đầu thu DVB-T2 đã được Bộ TT&TT dự báo trước là sẽ nóng vào thời điểm tắt sóng truyền hình analog. Đặc biệt kinh nghiệm của các nước như Mỹ, châu Âu khi triển khai số hóa truyền hình, người dân có tâm lý sẽ đổ xô đi mua sắm đầu thu DVB-T2 vào “phút cuối” đã được thông tin rộng rãi. Nhưng sau ngày tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/6/2016, thị trường đầu thu DVB-T2 vẫn bị rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hóa, dẫn đến người dân phải chịu thiệt hại khi phải mua hàng với giá đắt hơn đến 100.000 đồng/bộ thu, cộng thêm phải trả phí lắp đặt.
 
Nhu cầu thị trường lớn là cơ hội làm ăn, vậy tại sao các doanh nghiệp kinh doanh đầu thu không chuẩn bị trước một lượng hàng đủ để cung ứng cho thị trường vào “phút cuối”?
 
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cho hay, SDTV đã nhập một số lượng khá lớn đầu thu về để cung cấp ra thị trường. Chỉ 2 ngày sau khi tắt sóng, mỗi ngày SDTV tiêu thụ tới hơn 1.000 bộ thu, đến nay đã hết sạch hàng nhưng cũng không thể nhập về ngay được do vướng về chính sách thuế nhập khẩu cao tới 35%. Hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu đều có tâm lý e ngại sau này sẽ bị truy thu thuế, nên không dám nhập về ồ ạt.
 
Theo danh mục công bố hợp quy đầu thu DVB-T2 tại Cục Viễn thông, có tới 75% loại đầu thu là đầu thu nhập khẩu, số lượng đầu thu lắp ráp trong nước chỉ chiếm khoảng 25%. Có thể nói thị trường đầu thu truyền hình nói chung phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu.
 
Như ICTnews đã có bài phản ánh, trong nhiều năm liền các doanh nghiệp truyền hình nhập khẩu đầu thu đều được thông quan với mức thuế nhập khẩu là 0%. Nhưng từ tháng 8/2015, Tổng cục Hải quan đã thay đổi việc áp mã HS, các loại đầu thu DVB-T2, đầu thu truyền hình cáp, vệ tinh sẽ bị áp mã HS với thuế nhập khẩu là 25-35%.
 
Từ cuối năm 2015, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam và Bộ TT&TT đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục áp mã HS có thuế nhập khẩu 0% cho tất cả các loại đầu thu truyền hình. Bởi vì việc thay đổi mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 35% sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới rất đông đảo người dùng dịch vụ truyền hình nói chung và truyền hình số quảng bá nói riêng.
 
Ngày 13/5/2016, Hiệp hội Truyền hình trả tiền một lần nữa lại có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ chính sách thuế và Tổng cục Hải quan kiến nghị xem xét việc phân loại bộ thu tín hiệu truyền hình.
 
Theo đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo dừng việc kiểm tra sau thông quan và truy thu thuế, cũng như xem xét lại các vấn đề liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu mặt hàng đầu thu truyền hình.
 
Việc nhà nước bỗng dưng thay đổi tiêu chí áp thuế cho đầu thu truyền hình đã tạo một rào cản rất lớn, đúng vào thời điểm cả nước đang tập trung triển khai Đề án số hóa truyền hình.
 
"Nếu nhà nước thực hiện việc hậu kiểm, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc bị truy thu thuế với giá trị quá lớn và nguy cơ phá sản nếu bị truy thu", đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho hay.
 
“Nếu nhà nước không sớm có quyết định về việc áp thuế nhập khẩu đầu thu thì sẽ rất khó về nguồn đầu thu cho người dân khi tắt sóng truyền hình vào ngày 15/8/2016 tới đây”, ông Nguyễn Đức Hòa nói.
 
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Lê Bật Luyện, Giám đốc công ty LTP Việt Nam cho hay, thị trường khan hiếm hàng hóa nhưng các doanh nghiệp chỉ dám nhập khẩu dè dặt do chính sách thuế. Hiện thời Hải quan mới chỉ cho tạm giải phóng hàng hóa, chưa thông quan hẳn và chưa ra quyết định thu thuế nhập khẩu. Trong khi văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan là sẽ áp thuế 35%, do vậy nếu nhập về nhiều, hàng bán hết rồi nhà nước mới truy thu thuế thì doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ. Do đó, đa số nhà nhập khẩu chỉ dám nhập về một số lượng có hạn và chờ nhà nước có quyết định rõ ràng về thuế.
 
Công ty Vũ Hồng Minh là đơn vị lắp ráp đầu thu trong nước, không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế nhập khẩu đầu thu nguyên chiếc. Tuy nhiên, ông Huỳnh Phú, Phó Giám đốc Công ty Vũ Hồng Minh cũng cho rằng, mức thuế nhập khẩu 35% sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp đầu thu cho Đề án số hóa truyền hình.
 
Trong tuần qua, các nhà lắp ráp trong nước dù sản xuất không kể ngày đêm cũng không thể đủ cung ứng lượng hàng mà các đại lý đặt mua. Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Việt cho biết, Hùng Việt đã tổ chức lắp ráp 3 ca, làm hết công suất nhưng cũng không kịp đáp ứng đơn đặt hàng của các đại lý. Mỗi ngày doanh nghiệp này lắp ráp được từ 3.500 – 5.000 bộ thu nhưng cứ ra đến đâu là hết ngay đến đó.
 
Nhu cầu lớn, nguồn cung không đủ thì việc tăng giá hàng là điều tất yếu. Đầu thu truyền hình số chủ yếu phục vụ cho người nghèo, nhưng lại bị áp thuế cao như thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hơn 10 triệu hộ dân đang thu xem truyền hình miễn phí.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top