Thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước vẫn vướng cơ chế tài chính

Thứ tư, 31/12/2014 09:36

Theo TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước vẫn đang vướng mắc về cơ chế tài chính.

img
 
Việc Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT đã trở thành 1 trong 10 sự kiện CNTT-TT tiêu biểu nhất năm 2014 theo bình chọn của Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT Việt Nam.
 
Tại Tọa đàm “Đưa ứng dụng CNTT - viễn thông vào cuộc sống” diễn ra chiều 29/12 sau lễ công bố 10 sự kiện CNTT-TT tiêu biểu năm 2014, vấn đề triển khai chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã được rất nhiều ý kiến quan tâm, bàn luận.
 
Mọi ý kiến đều thống nhất về những ưu điểm của cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể như cơ quan Nhà nước không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế mà vẫn có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ bỏ vốn đầu tư còn cơ quan Nhà nước sử dụng theo hình thức thuê lại và trả phí dần theo từng năm sẽ giải được bài toán thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án chi từ ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giảm tình trạng nhiều cơ quan Nhà nước cùng xin vốn ngân sách để đầu tư xây dựng những hệ thống tương tự nhau gây lãng phí đầu tư.
 
Mặt khác, tiến độ triển khai các dự án CNTT trong cơ quan Nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn vì không phải mất quá nhiều thời gian vào việc lập kế hoạch xây dựng dự án đầu tư.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT thì thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng bởi còn thiếu cơ chế quy định cụ thể về cách thức tiến hành thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước.
 
Bàn về vấn đề này, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho biết: “Ai cũng thấy hiệu quả của thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước Chẳng hạn, cùng một hệ thống CNTT, nếu tự đầu tư trong vòng 10 năm thì mất tới 100 tỷ đồng nhưng thuê dịch vụ CNTT thì chỉ mất khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện đang vướng ở chỗ tìm đâu ra nguồn để có được 70 tỷ đồng này.
 
Theo quy định hiện hành thì có thể lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan Nhà nước. Nhưng định mức chi thường xuyên chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng/người/năm. Nếu lấy nguồn từ kinh phí chi thường xuyên thì không đủ để thuê dịch vụ CNTT. Còn nếu lấy nguồn từ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản thì phải có dự án và rất khó có thể đáp ứng hàng loạt thủ tục như định mức và các yếu tố khác. Hiện vẫn còn một số quy định chi tiêu giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư gây vướng cho quá trình triển khai thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước”.
 
Đồng quan điểm với TS. Mai Liêm Trực, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết thêm: “Trong suốt một thời gian dài, các cơ quan Nhà nước có xu hướng thích tự đầu tư để có các hệ thống ứng dụng CNTT-TT của riêng mình chứ không muốn sử dụng các dịch vụ do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác cung cấp. Chủ trương của Thủ tướng, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT là muốn chuyển mạnh từ cơ chế cát cứ, tự làm tự lo, tự cung tự cấp, sang cơ chế thuê mua dịch vụ để tăng tính tiết kiệm. Vì khi lập dự án đầu tư, có thể có kế hoạch, dự báo nhưng chắc chắn không chính xác. Có thể đầu tư hệ thống rất lớn sau dùng không hết hoặc ngược lại đầu tư hệ thống quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nếu thuê mua dịch vụ thì người cung cấp dịch vụ sẽ phải lo đầu tư hệ thống, cơ quan Nhà nước dùng nhiều thì thuê nhiều, sang năm dùng ít lại thuê ít đi. Tuy nhiên, cũng có những hệ thống mà cơ quan Nhà nước bắt buộc phải tự đầu tư vì chỉ phục vụ phạm vi rất nhỏ cho những nhu cầu chuyên biệt, và nếu để doanh nghiệp, nhà cung cấp làm thì chi phí rất lớn; hoặc những hệ thống phải đảm bảo an ninh quốc phòng”.
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định: “Hiện việc thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước còn vướng nhiều cơ chế về mặt tài chính. Thay đổi cái này không đơn giản. Thay đổi công nghệ có thể rất nhanh nhưng để thay đổi hàng loạt cơ chế chính sách từ trước đến giờ vẫn đang tồn tại, thay đổi lề lối làm việc thì không phải ngày một ngày hai là làm được. Từ chủ trương đến thực hiện chắc cần phải có thêm thời gian”.
 
Ngọc Mai
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top