Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; các cán bộ của Bộ đang biệt phái tại các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC; Văn phòng Đảng uỷ, Văn phòng Ban cán sự Đảng, Công đoàn TT&TT Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ báo cáo về tình hình xây dựng thể chế của Trung ương và các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực TT&TT trong Quý II/2023. Theo đó, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Vụ Pháp chế rà soát 179 văn bản do Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành, có 45 văn bản có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; 13 văn bản giao nhiệm vụ trực tiếp cho Bộ. Trong đó có 2 Luật, 3 Nghị quyết của Chính phủ, 4 Quyết định, 3 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 1 Nghị định của Chính phủ, 6 văn bản quy định nội dung Bộ cần lưu ý trong triển khai thực hiện trong đó có Luật đấu thầu, 1 Nghị định và 5 Thông tư của các Bộ ngành khác.
Thực hiện cải cách chế độ báo cáo của Sở về Bộ TT&TT
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực đã trao đổi sâu với lãnh đạo cấp trưởng các đơn vị về các nhiệm vụ đang triển khai, những khó khăn, vướng mắc cần lãnh đạo Bộ tháo gỡ, thay đổi cách tiếp cận hay góc nhìn.
Thứ trưởng Phan Tâm
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình, là cán bộ biệt phái của Bộ, đã nêu vấn đề: Cán bộ tại các Sở rất thiếu, một người phụ trách vài lĩnh vực như Bưu chính, Viễn thông, An toàn thông tin. Do đó, đối với các yêu cầu về báo cáo các lĩnh vực của Bộ, cán bộ của Sở thực hiện một cách bị động, không có sự sáng tạo, không có vai trò tham mưu với lãnh đạo cấp trên. Theo ông Tùng Anh, cần có sự cải cách trong các báo cáo của Sở với Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những trăn trở và đánh giá cao những đề xuất của ông Đặng Tùng Anh. Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Văn phòng Bộ và ông Đặng Tùng Anh cần rà soát ngay, hiện nay Sở phải báo cáo những gì với Bộ. Cần cải cách ngay theo quan điểm Sở chỉ cần điền số liệu trên các bảng biểu, báo cáo bằng số liệu và theo định kỳ. Báo cáo đột xuất không vượt quá 10% báo cáo định kỳ. Tháng 8 sẽ công bố và tháng 9 sẽ thực hiện báo cáo theo phương thức mới, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với Văn phòng Bộ tại khu vực phía Nam, Bộ trưởng chỉ đạo ông Đồng Hải Hà, Trưởng Đại diện cần nghiên cứu học hỏi đề xuất của VNPost. Cần có một lãnh đạo chuyên trách các tỉnh phía Nam, từ đó, nghe được câu chuyện, tiếng nói từ địa phương, mang tiếng nói đó về Bộ để cùng nhau xử lý, giải quyết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm
Về phát triển chữ ký số cá nhân, Bộ trưởng chỉ đạo bà Tô Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia tìm hiểu nguyên nhân tại sao chữ ký số cá nhân vẫn còn đắt, làm thế nào để giảm giá. Bộ trưởng cho biết, trước đây đối với điện thoại di động, chỉ cần giảm giá là có thể phổ cập điện thoại đến nhiều người dân nhưng đối với chữ ký số cá nhân, ngoài việc giảm giá còn phải tìm ra một ứng dụng thiết yếu sử dụng chữ ký số cá nhân mà ai cũng cần dùng. Phải phối hợp cả hai yếu tố này mới có thể phổ cập chữ ký số cá nhân.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng nghe lãnh đạo Trung tâm thông tin, Vụ Khoa học Công nghệ trình bày về chuyển đổi số trong nội bộ Bộ TT&TT, tiêu chuẩn khoa học công nghệ….
Giấc mơ phải lớn hơn, thành tựu phải lớn hơn
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm, phụ trách hợp tác quốc tế cho biết Đoàn đàm phán Chính phủ chính thức giao Bộ TT&TT chủ trì đàm phán Chương trình Kinh tế số trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là vấn đề rất mới, rất khó, nội dung cam kết biến động rất nhanh, chỉ còn 5 tháng đàm phán. Cái khó thứ hai là trong lĩnh vực kinh tế số, các quy định pháp luật của ta có nhưng chưa đầy đủ. Thậm chí một số vấn đề còn chưa có quy định. Đàm phán trong bối cảnh nội luật chưa đầy đủ là một thách thức lớn. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xác định những nội dung cam kết sẽ tác động tới lĩnh vực của mình như thế nào? Liên quan đến cơ chế chính sách nội luật hiện có như thế nào? Nội dung đàm phán không chỉ liên quan đến các khối về công nghệ mà cả khối báo chí. Quá trình đàm phán thực chất là quá trình rà soát bổ sung xây dựng các quy định pháp luật về kinh tế số.
Toàn cảnh Hội nghị
Về vấn đề chủ trì đàm phán Kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, cần phải coi quá trình đàm phán này là một cơ hội để nâng cao tri thức của ngành. Thời kỳ đàm phán về lĩnh vực viễn thông để gia nhập WTO, từ đó sinh ra đội ngũ hợp tác quốc tế sau đó trở thành lãnh đạo cho ngành. Không có những việc như vậy sẽ không giỏi được. Chúng ta bây giờ được đào tạo tốt hơn, điều kiện tốt hơn thì không thể kém hơn, giấc mơ phải lớn hơn, thành tựu phải lớn hơn.
Trao đổi về công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Cục Báo chí đã làm việc để kết nối mạng lưới truyền thông chính sách, tiếp theo cần đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng truyền thông chính sách.
Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT đang phối hợp kết nối tất cả các cơ quan báo chí trong cả nước lên trục liên thông hệ thống văn bản điện tử để thúc đẩy việc gửi báo cáo qua hệ thống văn bản điện tử.
Chỉ đạo về công tác báo chí truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, báo chí vẫn viết giật gân, viết bề mặt. Báo chí của Bộ TT&TT viết về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ vẫn rất nông. Các báo, tạp chí của Bộ đưa tin về lĩnh vực TT&TT, truyền thông chính sách về Bộ, về ngành còn ít, chưa được 5%, trong khi mục tiêu là 20%, tiến tới 30%.
Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phụ trách báo chí rà soát lại xem Bộ TT&TT đã làm truyền thông chính sách theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng chưa. Cần phải biến Bộ TT&TT trở thành Bộ mẫu trong vấn đề này.
Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng chỉ đạo, cần phải làm triệt để nhằm giảm bớt số lượng SIM rác. Cục Viễn thông cần phải khống chế số lượng SIM mới đổ ra thị trường. Đã đến lúc chấm dứt đại lý cung cấp SIM hay chưa? Trước đây khi cần phổ cập điện thoại thì cần đến các đại lý nay điện thoại đã phổ cập đến toàn dân, vẫn làm theo cách làm như xưa là không đúng. SIM rác chỉ có hại chứ không mang lại giá trị cho các nhà mạng.
Cũng về viễn thông, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có Thông tư cấm nhập vào Việt Nam máy 2G nhưng máy 2G vẫn nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, nhà mạng có công cụ, nhìn thấy điện thoại 2G là phát hiện ra ngay, block (chặn) ngay là xong. Cục Viễn thông cần ban hành Công văn yêu cầu nhà mạng thực thi ngay việc này.
Về chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng yêu cầu các số liệu phải thực như xác định lại tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nếu có thấp thì cũng phải chấp nhận và lấy đây là động lực để phấn đấu. Các đơn vị, lãnh đạo đơn vị trong Bộ phải có trách nhiệm về việc xác định các số liệu thực.
Về an toàn thông tin, đánh giá cấp độ của các hệ thống thông tin rồi thì triển khai biện pháp bảo vệ cho các hệ thống này phải làm dưới dạng nền tảng, nếu không sẽ tốn kém chi phí cho đất nước.
Lĩnh vực công nghiệp ICT đang phải xây dựng luật và nhiều chiến lược. Do đó, cần phải học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng luật tương đương sẽ dạy cho mình nhiều thứ mà ngồi nhà sẽ không nghĩ ra được.
Mục tiêu quản lý nhà nước là phát triển bền vững, nhìn vào kết quả cuối cùng
Nói về một số vấn đề mang tính nhận thức, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, khi nhận nhiệm vụ mới, các lãnh đạo cấp trưởng nên coi đây là một cơ hội để phát triển, phải cố gắng hoàn thành, tạo ra thành tích tốt. Nhận việc thì phải làm đến khi ra kết quả.
Nếu không làm được thì báo cáo lên Lãnh đạo Bộ cùng bàn bạc, thay đổi góc nhìn, cách tiếp cận, việc khó lại trở thành việc dễ, việc không làm được lại trở thành làm được.
Về chuyện tạo ra kết quả thiết thực, trước đây, nhận thức cũ về quản lý nhà nước là ban hành ra một văn bản pháp luật (luật, chỉ thị, nghị định), tuy nhiên văn bản đó nếu không đúng, không phù hợp thực tế sẽ cản trở sự phát triển trong khi mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững. Do đó, luật, nghị định, thông tư, văn bản pháp luật không phải là sản phẩm cuối cùng, mà chỉ là trung gian đi đến kết quả. Cần phải có hành động để biến thể chế thành kết quả. Ngoài ra, văn bản pháp luật mà chưa đến 30% đối tượng làm được là văn bản không tốt. Cần phải nhìn vào kết quả cuối cùng để xem văn bản của mình tốt hay không tốt.
Về xây dựng cơ sở tri thức của các tổ chức, đơn vị, nhiều đơn vị đã chọn đây là việc lớn, việc trọng tâm của mình trong nhiệm kỳ này. Khi một tổ chức xây dựng được cơ sở tri thức của mình, người mới vào được thừa kế những tri thức của thế hệ đi trước, của những người giỏi, người xuất sắc đã làm việc ở đó. Việc này phải làm trong thời gian dài thì tổ chức phát triển bền vững được, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sự phát triển lĩnh vực TT&TT trong tháng 7/2023: Bưu chính: - Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 6/2023 và tăng trên 10% so với tháng 7/2022. - Sản lượng bưu gửi ước đạt 198 triệu bưu gửi, tăng xấp xỉ 1% so với tháng 6/2023 và tăng trên 15% so với tháng 7/2022. Viễn thông: - Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78% (21,1 triệu hộ) tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. - Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,17 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,3 thuê bao/100 dân), tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. - Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,3 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 86,77 thuê bao/100 dân), tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. - Tính đến ngày 30/6/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 4,4 triệu khách hàng, tăng 6,2% so với tháng 5/2023. - Tốc độ băng rộng cố định 93,44 Mbps (tăng 27,09% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 44 và cao hơn trung bình thế giới là 80,6 Mbps. - Tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động 47,31 Mbps (tăng 28,87% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 50 và cao hơn trung bình thế giới là 42,92 Mbps). An toàn an ninh mạng: - Doanh thu tháng 7/2023 đạt 390 tỷ đồng, tăng 20% so với tháng 7/2022 (325 tỷ đồng). - Lợi nhuận: 39 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). - Tấn công mạng tháng 7/2023 là 836 cuộc, giảm 15% so với cùng kỳ tháng 7/2022 (983 cuộc). Công nghiệp ICT: Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 72,9 tỷ USD), giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3, 4, 5 tương ứng là 22,8%; 22,4% và 16,3%. Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng (tương đương 67,7 tỷ USD), giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 61 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả nước. Chính phủ số: - Tỷ lệ DVCTT toàn trình/tổng số DVC đủ điều kiện cung cấp toàn trình: 90,66% - Tỷ lệ DVCTT có phát sinh HSTT: 53,41% - Tỷ lệ hồ sơ DVCTT toàn trình: 46,55% Kinh tế số, xã hội số: - Tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước tính đạt 15,26%. -Tháng 6/2023, Việt Nam có hơn 328 triệu lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động, tăng 11,65% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam vươn lên thứ 8 trong bảng xếp hạng Top các quốc gia có lượt tải ứng dụng di động cao nhất thế giới. 07 ứng dụng duy trì số lượng tài khoản đang hoạt động trên 10 triệu là Zalo, Zing Mp3, VNEID, Báo mới, Ví Momo, MB Bank và My Viettel. Trong đó VNEID ghi nhận sự gia tăng số lượng tài khoản đang hoạt động cao nhất tháng 6/2023 với 9 triệu tài khoản; Zalo là ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động cao nhất với gần 75 triệu tài khoản. Báo chí - truyền thông: - Tính đến tháng 7/2023, thuê bao truyền hình trả tiền đạt 18,5 triệu thuê bao, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. - Từ ngày 01/7/2023 đến ngày 24/7/2023: + Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, thông tin sai sự thật về các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 90%); gỡ bỏ 22 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 01 group có nội dung độc hại với trẻ em. + Google đã gỡ 1.052 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 91%). + TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 90%). Trong đó có 08 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. |