Kon Tum: Chuyển đổi số - Con đường đến tương lai

Chủ nhật, 30/04/2023 16:14

Chuyển đổi số chỉ thành công khi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp có khát vọng chuyển đổi số, từ đó thay đổi, truyền cảm hứng, thúc đẩy toàn xã hội cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động trên con đường đến tương lai.

Cac-he-thong-Kon-Tum.jpg 

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, lãnh đạo thành phố Kon Tum hiểu rõ lợi ích to lớn mà chuyển đổi số đem lại, càng thấu hiểu mình cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân; 100% văn bản cấp thành phố và cấp xã phát hành điện tử và được ký số.

 

Điều quan trọng là chúng tôi có khát vọng xây dựng thành phố Kon Tum theo hướng đô thị thông minh, với trên 99,7% thôn/làng được phủ sóng băng rộng di động; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; kinh tế số đóng góp trên 5% GRDP- ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho hay.

Không chỉ thành phố Kon Tum, thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành, địa phương luôn nỗ lực phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu là người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Không nghi ngờ gì nữa, chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn; tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng.

Đây là nhiệm vụ đòi hỏi lãnh đạo, người đứng đầu phải có khát vọng chuyển đổi số; cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ ở các cấp, các ngành.

 

Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU xác định mục tiêu lớn nhất là đưa tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số vào năm 2025.

Để thực hiện được mục tiêu trên, hàng loạt chỉ tiêu cụ thể được xác lập trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, phấn đâu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan, đơn vị được số hóa và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; có khoảng 80% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; ít nhất 30% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số.

Tất nhiên, đây sẽ là một hành trình không hề dễ dàng, bởi còn không ít rào cản cần tháo gỡ.

Đó là, khâu đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Đó là, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số cơ quan, đơn vị chưa được liên thông, chưa cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc khai thác, sử dụng.

Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, trong đó thiếu công chức chuyên trách công nghệ thông tin, thiếu chuyên gia về an toàn thông tin mạng, chuyển đổi số. Khâu đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp chưa thường xuyên.

Đó còn là hạ tầng, dịch vụ viễn thông, internet ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, dù gần 80% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ số còn hạn chế.

Vì vậy, để đảm bảo chuyển đổi số thành công, các cấp, các ngành cần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong bộ máy hành chính cũng như cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp các dịch vụ số nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và thông tin.

Một giải pháp rất quan trọng là nâng cao kỹ năng số. Thực tế cho thấy người lao động cần những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số. Muốn vậy, phải chú trọng đào tạo công nghệ thông tin ở các cấp, đặc biệt là trong đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.

Mặt khác, tăng cường thu hút doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào tỉnh; có cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ số. 

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung, liên thông hạ tầng số, nền tảng, đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích, dự báo thông minh để kịp thời đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước.

Với lợi thế sẵn có, cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chuyển đổi số đã đang và sẽ là con đường đưa Kon Tum tới tương lai.   

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top