Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể, tới nay, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã được triển khai đồng bộ đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều đã tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đến tháng 4/2022, 100% địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo; 100% sở, ngành đã thành lập Ban Chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác tuyên truyền được thực hiện tích cực trên tất cả các nền tảng. Đáng chú ý, Sở TT&TT đã thực hiện tích hợp trang zalo Chuyển đổi số quốc gia vào trang zalo Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, hạ tầng lõi - nền tảng quan trọng của chính quyền điện tử đã được đầu tư nâng cấp, phát triển đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật mới ban hành, phục vụ công tác cải cách hành chính và xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và các cơ sở dữ liệu bộ, ngành Trung ương.
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai 12 dự án, nhiệm vụ để phát triển hạ tầng, dữ liệu triển khai chuyển đổi số của năm 2022. Trong đó có 7 dự án, nhiệm vụ được phê duyệt, triển khai từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và được cấp ngân sách; 5 dự án, nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Về triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước, Quảng Ninh đang phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành chuyển đổi đối với Cổng dịch vụ công và Cổng thông tin điện tử tỉnh, đồng thời đề nghị Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT và các đơn vị thi công trước đó phối hợp hỗ trợ triển khai. Hiện nay, Tập đoàn VNPT đã có văn bản trả lời đồng ý hỗ trợ triển khai thực hiện.
Các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ đầu tháng 6, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT&TT, Tư pháp, Y tế). Thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Đặc biệt, từ đầu tháng 9, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thí điểm triển khai phần mềm trợ lý ảo iSee trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến thời điểm hiện tại đã cập nhật 450/1.612 thông tin về TTHC; tạo lập 4.080 câu hỏi mẫu, trong đó có 600 câu hỏi mẫu đã được phân tích, tùy biến; đã cập nhật 720 câu trả lời lên iSee. Phần mềm trợ lý ảo iSee đã được tích hợp trên fanpage facebook của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trên nền tảng di động android, IOS.
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã đưa 1.222 TTHC của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3 của tỉnh hiện là 57,36%; dịch vụ công mức độ 4 là 29,45%. Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ninh đã có 168.380 hồ sơ trực tuyến được nộp trên tổng số 252.108 hồ sơ. Đáng chú ý, trong các chỉ số điểm thành phần thì chỉ số dịch vụ trực tuyến của Quảng Ninh đạt 10,5 điểm, cao hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước và khu vực, hiện UBND tỉnh đang được chấm số điểm là 61,52, mức điểm cao nhất toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trên Cổng quốc gia. Điều này cho thấy những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số đối với giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; từ đó đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với những kết quả trên, hiện nay tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, đang tiến hành đào tạo về an toàn thông tin cho người dùng cuối theo chương trình Cục An toàn thông tin tại 13 địa phương, 27 sở, ngành; 177 chủ tịch xã, phường, thị trấn tại 13 địa phương tham gia đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến của Bộ TT&TT.
Toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm. Các hoạt động này góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số của Quảng Ninh được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có; đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân. Thông qua đó từng bước đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động KT-XH.