Phát triển văn hóa đọc là trách nhiệm của của các cấp, các ngành

Thứ ba, 19/04/2022 08:47

Ngày 18/4, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa, Thông tin TP.HCM tổ chức họp báo công bố Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp quốc gia được tổ chức, diễn ra từ ngày 19 đến 24/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM).

sach1_2.jpg

Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin tại buổi họp báo.

Lễ khai mạc diễn ra lúc 19 giờ 45 ngày 19/4/2022 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, fanpage Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Nhiều hoạt động sôi nổi trên thực địa tại Ngày Sách

Tại buổi họp báo, Ban Tổ chức cho biết: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I có sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước, mang đến hơn 500.000 tựa sách và các mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh. Ngày hội sẽ được phân chia thành 03 không gian, với các nội dung: Không gian chuyển đổi số; Không gian thành phố sách; Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Đặc biệt, ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I còn diễn ra tại Đường sách TP.HCM, trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Song song đó là các hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. 

Ngoài ra, còn có không gian văn hóa với chủ đề “Sách và chuyển đổi số” với nhiều hoạt động như tương tác, trải nghiệm các mô hình sách nói, sách điện tử, những mô hình, giải pháp, không gian trải nghiệm về sách (sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo…) gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo và những mô hình, giải pháp hay. Đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, người dân TP.HCM có thể tham gia vào các chương trình giao lưu tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm với các chuyên đề về sách, các hoạt động tìm hiểu nội dung về sách.

20220419-l1.jpg

Công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn tất.

Từ nay đến ngày 24/4, tại Đường sách TP.HCM diễn ra nhiều hoạt động trưng bày và giới thiệu các tủ sách theo nhiều chủ đề khác nhau, như: Trưng bày gần 700 tựa sách trong dự án “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện; Tủ sách dành cho con trong gia đình; tốp 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp và những tựa sách do doanh nhân Việt viết; Tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tủ sách giới hạn, Tủ sách Nobel và các xuất bản phẩm đặc biệt.  

Ngoài ra, còn có không gian văn hóa Thành phố sách được tổ chức trên toàn tuyến Nguyễn Huệ với chủ đề “Sách và Chuyển đổi số”, tiếp tục đưa công nghệ vào trong các không gian trưng bày để tăng tính tương tác, trải nghiệm và hấp dẫn người đọc. Với công nghệ kỹ thuật hiện đại bằng công nghệ Metaverse, được đồng hành từ Công ty Scorpia Metaverse Corp Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Công nghiệp Văn hóa (CIDI) các không gian ngày hội trực tuyến sẽ có thể kết nối nhiều người vào tham quan thảo luận, giao lưu về không gian “Văn hóa đọc VR 360”. Ngoài ra, sự kiện phục chế sách cũ dự kiến sẽ thu hút đông đảo khách tham quan. Cũng trong thời gian này, khi đến Đường sách TP.HCM, bạn đọc còn có cơ hội trải nghiệm sách nói, sách điện tử, đọc sách bằng công nghệ thực tế ảo từ 2 đơn vị Voiz FM và Joikids. 

Một điểm nhấn nổi bật ở trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ là “Booth thư viện thông minh”, phục vụ bạn đọc với mọi nhu cầu khác nhau từ sách in, sách điện tử đến sách nói. Với 200 tựa sách Hạt giống tâm hồn được trưng bày tại đây giúp bạn đọc có nhiều lựa chọn và trải nghiệm không gian đọc sách thông minh, có thể mượn và trả sách với thao tác bằng ứng dụng trên điện thoại. Bên cạnh đó, còn có 4 xe thư viện lưu động trưng bày và phục vụ việc đọc sách cho thiếu nhi tại ngày hội. Thiếu nhi được đọc sách nhiều chủ đề, sử dụng máy tính tra cứu, đọc sách điện tử, xem phim khoa học và các hoạt động khác liên quan đến sách.

Lan tỏa và nhân lên giá trị của sách 

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Hai năm qua, Hội Sách trực tuyến Quốc gia được tổ chức như giải pháp tình thế trong điều kiện hạn chế tiếp xúc do COVID-19. Đến nay, các hoạt động trên thực địa đã trở lại, nhưng Hội Sách trực tuyến tiếp tục được tổ chức để lan tỏa văn hóa đọc trên môi trường số. Hội Sách trực tuyến năm nay đổi mới với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút độc giả với thông điệp "Thắp lửa tri thức", Hội Sách trực tuyến diễn ra trên sàn Book365.vn trong vòng một tháng, từ ngày 19/4 đến 20/5/2022.

20220419-l3.jpg

Bạn đọc tham gia mua sách tại Đường sách TP.HCM trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Cũng do đại dịch COVID-19, 02 năm qua phải tạm ngưng, một số hội sách trên thế giới vừa trở lại, như Hội sách thiếu nhi Bologna (Italy) lần thứ 59, Hội sách quốc gia Bangkok (Thái Lan) lần thứ 50, Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20, Hội sách quốc tế La Habana (Cuba) lần thứ 30 (diễn ra từ ngày 20 đến 30-4-2022)… Được xem là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản thế giới, Hội chợ sách quốc tế London (tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971) cũng vừa mở cửa trở lại".

"Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như phát động “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, cuộc thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách…", ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực từ các hội sách nhỏ, phần nào giúp đời sống của sách được tái hồi phục. Theo ông, những hội sách này giống như những lạch nước nhỏ, đã đi vào đời sống của người dân ở các địa phương rất sinh động và hiệu quả. “Đối với Hội Xuất bản, chúng tôi rất khuyến khích những hội sách nhỏ như vậy”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Chia sẻ tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc điều hành 1980 Books cho rằng, để ngành Xuất bản trong nước khôi phục hoàn toàn thì cần thêm thời gian. Bởi khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, không riêng gì ngành Xuất bản mà các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Tuân, thị trường sách rất rộng, xuất bản của Việt Nam cũng chỉ đang là “cái ngọn” so với thế giới. Thậm chí, so với một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, xuất bản của Việt Nam vẫn còn thua xa. “Thế nên, tôi muốn tìm kiếm những nguồn bản thảo phong phú hơn để có thể xuất bản ở Việt Nam. Tôi có niềm tin là trong tương lai ngành Xuất bản của Việt Nam sẽ xuất bản rộng hơn nguồn sách hiện tại đang có”, ông Nguyễn VănTuân cho biết.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên khẳng định, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, tác động đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để thúc đẩy việc đọc sách, lan tỏa tri thức, nên cần được tổ chức bằng những hình thức phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút nhiều đối tượng, từ đó khơi dậy tình yêu sách và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Ngô Đăng Quý
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top