Hội nghị tổng kết ngành in năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Thứ ba, 22/03/2022 15:38

Ngày 22/3/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết ngành in năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, đại diện các Sở TT&TT, Hiệp hội in Việt Nam và các doanh nghiệp in.

Theo báo cáo tại Hội nghị, mặc dù năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp ngành In do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp ngành In Việt Nam nỗ lực vượt khó, đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2021 có 2.309 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động (tăng 4,1%), được phân bố theo vùng: TP.Hà Nội 338 cơ sở in (tăng 8,6%); TP.Hồ Chí Minh 625 cơ sở (tăng 5,75%); Tây Bắc Bộ 46 cơ sở in; Đông Bắc Bộ 128 cơ sở in; Đồng Bằng sông Hồng (không bao gồm Hà Nội) 258 cơ sở in (tăng 9,8%); Bắc Trung Bộ 107 cơ sở; Nam Trung Bộ 123 cơ sở; Tây Nguyên 89 cơ sở; Đông Nam Bộ (không bao gồm TP.HCM) 287 cơ sở in (trong đó Bình Dương là 201 cơ sở in); Đồng bằng sông Cửu Long 306 cơ sở in.

Phân cấp Trung ương và địa phương là 112 cơ sở in Trung ương (5%) và 2.197 cơ sở in ở địa phương (95%). Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam là 1.981 cơ sở (chiếm 85,8%) tăng 0,3%; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên kết Việt Nam - nước ngoài là 328 cơ sở (chiếm 14,2%). 

Tổng doanh thu toàn ngành in năm 2021 đạt 85.460 tỷ đồng (giảm 8,9 %); nộp ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng (giảm 1,6%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 3.839 tỷ đồng (giảm 17,2 %). Doanh thu toàn ngành tuy giảm nhưng số lượng cơ sở in so với năm 2020 tiếp tục tăng, tập trung vào một số trung tâm, khu vực trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 106%; Thành phố Hà Nội tăng 109%, các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng tăng 110%. Số lượng cơ sở này chủ yếu khối in bao bì (chiếm 97% số cơ sở sở in thành lập năm 2021).

20220322-l2.jpg

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ TT&TT cho các đơn vị.

Song song với đó, việc đầu tư hiện đại hóa ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Quá trình cổ phần hóa, nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế cùng tiềm lực của các thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in mạnh dạn mở rộng và hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp in tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư trung bình của ngành in trong 2021 vẫn duy trì ở mức trên 3.000 tỷ. Quá trình in được chú trọng đầu tư chủ yếu với các thiết bị in hiện đại, mới 100% với mức độ tự động hóa cao. In ống đồng và in flexo có sự phát triển ở in bao bì, nhãn mác. Năm 2021, số lượng máy in flexo, máy in leterpress được nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trên 59% trên tổng số thiết bị in công nghiệp nhập khẩu. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo, chiếm 27% giá trị đầu tư trên tổng số thiết bị. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành in còn tồn tại một số hạn chế như: Qui mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện cả nước trên 2.300 cơ sở in công nghiệp nhưng số đơn vị có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn, trên 90%. Việc chuyển đổi công nghệ trước, trong và sau in tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều; hầu hết các doanh nghiệp chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu; năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm sút rõ rệt nguyên nhân là do số lao động có trình độ tay nghề cao (bao gồm cả những kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài) phần lớn đã hết tuổi lao động; tính chuyên nghiệp hạn chế.

20220322-l3.jpg

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ, năm 2021 ngành In nói riêng đã chứng kiến bộn bề những thách thức, đặc biệt là những thách thức đến từ dịch bệnh COVID-19, khiến nhiều khu vực hoạt động sản xuất kinh doanh đứt gãy, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, đạt 2,58%. Đồng chí Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà ngành In đã đạt được trong năm 2021.

Để ngành In có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2022, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu ngành In cần tập trung vào một số nội dung sau: Đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế; xây dựng và triển khai qui hoạch, chuẩn bị thật tốt phương án triển khai quy hoạch trên địa bàn, bảo đảm quy hoạch thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; xây dựng định hướng chiến lược của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đến sự tồn vong của doanh nghiệp; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò của các Hiệp hội nghề.

Mặt khác, các cơ sở in, các Hiệp hội cần tăng cường hơn nữa trong giao lưu với các Hiệp hội nghề, các doanh nghiệp in khu vực và thế giới, tranh thủ nghiên cứu, học hỏi và phổ biến các kinh nghiệm hay mô hình phù hợp mà trước mắt là kinh nghiệm để các doanh nghiệp in Việt Nam có thể thành công trong việc tiếp cận, hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tham gia vào chuỗi cung ứng và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Đồng thời, gắn chặt với hoạt động in và công tác quản lý hoạt động in là công tác phòng, chống in lậu. Đó còn là bài toán lớn mà toàn ngành cần phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn lưu ý./.

Đăng Quý
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top