Bắc Giang: Ngành TT&TT cụ thể hóa Nghị quyết về Chuyển đổi số là kim chỉ nam để phát triển đột phá

Thứ bảy, 01/01/2022 11:14

Năm qua, Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Giang đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Thông tin và Truyền thông, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản phục vụ yêu cầu phát triển chung của ngành. Đặc biệt là Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 11/6/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể hóa Nghị quyết về Chuyển đổi số trở thành kim chỉ nam, là chìa khóa để phát triển đột phá

Trong thời gian vừa qua, Ngành TT&TT Bắc giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo những bước đột phá, toàn diện, góp phần nâng cao thứ hạng của tỉnh. Bên cạnh việc tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 11/6/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Sở TT&TT còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế Quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang; Kiến trúc tham chiếu ICT Đô thị thông  minh tỉnh Bắc Giang phiên bản 1.0. Cùng với đó triển khai tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Bắc Giang; Chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2021; tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số tỉnh.

1641021159428-sơn.jpg

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo tại Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang.

Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông được chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng mạng lưới BCVT phát triển theo hướng hiện đại với công nghệ cao (3G, 4G). Toàn tỉnh đã ngầm hóa được 52 km; bó gọn được 254 km. Tổng số 1.490 vị trí cột Ăngten lắp đặt trạm BTS; thuê bao điện thoại đang hoạt động đạt 1.880.130 thuê bao; mạng cáp quang băng rộng phủ đến 209 xã, phường, thị trấn với tổng số 5.500km tuyến cáp quang; số thuê bao Internet (cáp quang, di động 3G, 4G) ước đạt 1.435.000 thuê bao. Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh/dân số là: 67,5% (TB cả nước là 63,5%); độ phủ sóng di động trên dân số là: 98,8% (cả nước là 96,4%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet trong năm 2021 ước đạt 2.550 tỷ đồng (tăng trưởng 8,3% so với năm 2020); nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng.

Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử Voso.vn của Bưu điện tỉnh Bắc Giang và Postmart.vn của Bưu chính Viettel Bắc Giang. Kết quả: Riêng tiêu thụ Vải thiều năm 2021, trên 02 sàn này đã đưa được 1.164 hộ nông dân lên sàn; tiêu thụ 8.359 tấn (trong đó: Postmart.vn là 958 hộ, Sản lượng tiêu thụ: 4.050 tấn; Voso.vn là: 206 hộ; Sản lượng tiêu thụ: 4.309 tấn).

Đặc biệt, trong năm qua, Ngành TT&TT Bắc Giang đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã và đang tạo ra những bước chuyển biến rõ rệt. Nhờ đó, Bộ TT&TT đã xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh/tp: chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25 trên 63 tỉnh/thành phố; Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Chỉ số CCHC tỉnh Bắc Giang đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm trước) trong đó Chỉ số thành phần về hiện đại hóa hành chính nhà nước xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố.

Về hoạt động của chính quyền số: Việc xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số được tỉnh Bắc Giang triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, liên thông bốn cấp, tích hợp ký số trên phần mềm với 6.890 chứng thư số; Hệ thống Cổng TTĐT của tỉnh đã được chuẩn hóa, nâng cấp và tích hợp, liên thông từ tỉnh đến 100% các sở, ngành và UBND huyện, thành phố với Cổng chính duy nhất và 52 Cổng thành phần và 13 chuyên trang; Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh Bắc Giang đang cung cấp 1.380 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh, hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết đối với các TTHC đủ điều kiện; hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh với 19 danh mục chế độ báo cáo. Nhiều cuộc họp quan trọng điều hành phát triển kinh tế xã hội, nhiều cuộc họp khẩn để chỉ đạo phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh của lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện trực tuyến qua mạng đạt hiệu quả cao.

Về phát triển kinh tế số: Kinh tế số của tỉnh bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới (thương mại điện tử, dạy học online, khám, chữa bệnh từ,…); có sự chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Toàn tỉnh hiện có 837 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, trong đó có 429 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử; 16 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; 263 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và 129 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.

Về xã hội số: Bắc Giang đang tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đạt 72%. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các huyện, thành phố đã cung cấp điểm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân về chuyển đổi số và công nghệ số; có 47,85% các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 85% (17/20) ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện; 9,07% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Sử dụng nền tảng chuyển đổi số quốc gia phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19

Sở TT&TT đã bám sát chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế để triển khai nhiệm vụ, tiếp nhận các hệ thống nền tảng trong công tác phòng chống dịch như: PC Covid; Khai báo y tế điện tử; Quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QRCode; Quản lý tiêm chủng Covid-19; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; Tiếp nhận và vận hành phần mềm Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 tỉnh Bắc Giang; phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo thời gian thực...

Song song với đó, Sở TT&TT đã chủ động xây dựng phần mềm Quản lý và truy vết Covid-19 cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của Bộ Y tế. Hiện tại, phần mềm đã triển khai cho 100% các doanh nghiệp, các cơ sở hành chính sự nghiệp, các trường học từ tỉnh đến xã trên địa bàn. Toàn tỉnh có 3.532 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Phần mềm quản lý và truy vết COVID-19, trong đó có 1.078 doanh nghiệp đã cập nhật dữ liệu với tổng số 226.712 hồ sơ công nhân, không chỉ áp dụng cho truy vết nhanh mà còn là công cụ quản lý di biến động của lực lượng lao động.

Trên cơ sở hiệu quả của phần mềm, Bắc Giang đã hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao phần mềm này cho 06 địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Quảng Nam, Khánh Hòa. Chỉ đạo triển khai lắp đặt hệ thống Camera tại 130 điểm cách ly tập trung với 1.330 mắt kết nối với Trung tâm chỉ huy cấp tỉnh, huyện để kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch, quản lý, truy vết tại các điểm cách ly. Triển khai 55 đường truyền tốc độ cao đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn toàn tỉnh và nhắn tin trên 7 triệu lượt tin nhắn đến Nhân dân để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch.  Chỉ đạo thành lập nhóm zalo Thông tin cơ sở - Bắc Giang; kênh Zalo Chính quyền điện tử tỉnh, Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang,… kịp thời, chuyển tải nguồn thông tin chính thống từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

1641021134409-chiêu.jpg

Đồng chí Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5  HĐND tỉnh, khóa XIX.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, trong năm 2022, Ngành TT&TT Bắc Giang quyết tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; xây dựng và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu các phòng đơn vị, phấn đấu các nhiệm vụ đều hoàn thành với chất lượng cao, phấn đấu thực hiện các mục tiêu thuộc các lĩnh vực trọng tâm.

Về Bưu chính: Đảm bảo 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Đẩy nhanh chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số. Khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng Mã địa chỉ gắn với Bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics.

Về Viễn thông: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tăng cường phát triển hạ tầng, triển khai các phương án bảo đảm thông tin liên lạc liên tục, thống suốt. Phát triển Internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 85% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; 100% các thôn được phủ sóng di động; trên 90% số người sử dụng điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; tập trung phát triển mạng 4G, 5G.

Về Công nghệ thông tin: Làm tốt công tác quản lý, quản trị vận hành hạ tầng, ứng dụng, CSDL tại Trung tâm THDL; thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống hạ tầng thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh; chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ Chính quyền số, trọng tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Về Thông tin- Báo chí- Xuất bản: Làm tốt công tác quản lý báo chí; Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022; tiếp tục thực hiện ”mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng linh hoạt; Tăng cường tuyên truyên, quảng bá hình ảnh của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiêu thụ nông sản nhất là tiêu thụ Vải thiều, qua đó thúc đẩy việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

Năm 2022 đã đến với nhiều khó khăn thử thách mới, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn ngành, tin tưởng rằng Ngành TT&TT Bắc Giang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Giang giàu mạnh, vững chắc./.

 

 

Linh Đồng (Sở TT&TT Bắc Giang)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top