“Đánh thức” thương mại điện tử nông thôn bằng hạ tầng logistics

Thứ tư, 17/11/2021 13:59

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp nông thôn bằng thương mại điện tử thì hạ tầng logistics đóng vai trò trọng yếu. Bởi sản phẩm nông nghiệp là nhóm sản phẩm rất đặc thù với các phương thức bảo quản, lưu trữ riêng biệt, khó có thể đồng nhất với hệ thống vận chuyển thương mại điện tử thông thường.

20211117-u7.jpg

Thương mại điện tử và logistics luôn song hành

Mặc dù tỷ trọng thương mại điện tử (TMĐT) khu vực nông thôn còn thấp song xét trên nhiều phương diện, khu vực này có rất nhiều tiềm năng. Bằng sự đẩy mạnh chuyển đổi số, độ phủ của internet khu vực nông thôn ngày càng được mở rộng, số lượng người dùng tiếp cận thiết bị thông minh cũng tăng nhanh. Điều này mở ra cơ hội một lượng lớn người dùng tiếp cận TMĐT nói chung và đối tượng trẻ nói riêng. Cùng với đó, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã “đánh thức” TMĐT nông thôn, đặc biệt là TMĐT mặt hàng nông sản tươi. Với những thuận lợi như vậy, thị trường TMĐT nông thôn nếu được khai thác đúng hướng sẽ là “mảnh đất màu mỡ” trong thời gian tới.

Thực tế trên cho thấy, muốn đẩy mạnh nền kinh tế nông nghiệp nông thôn bằng TMĐT, nhân tố không thể thiếu đó là cần đầu tư xây dựng hạ tầng logistics nông nghiệp nông thônTuy nhiên, nhìn vào thực tế cũng có thể thấy một số yếu tố tác động đến tăng trưởng TMĐT khu vực này. Theo các chuyên gia, hạ tầng hậu cần TMĐT tại nông thôn không đồng bộ dẫn đến chi phí giao hàng cao hoặc giao hàng không khả thi. Trong khi đó, ngoài một số đơn vị logistics có năng lực quy mô lớn thì đa phần các đơn vị cung ứng hàng hoá hoạt động tự phát, nhỏ lẻ, không có tính kết nối và thiếu khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Điều này dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu xe vận chuyển chuyên biệt cùng hệ thống kho bãi lưu trữ hàng hoá trong khi đây là yếu tố bảo đảm thành công cho TMĐT nông sản tươi tại khu vực nông thôn.

Nhận thức rõ tiềm năng phát triển của TMĐT nông thôn, sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post đã tập trung khai thác đặc sản vùng miền. Những năm gần đây, Viettel Post là một trong những doanh nghiệp logistics duy nhất có sự đầu tư về kho bãi khi có tới 3 tổng kho đặt tại 3 tỉnh thành lớn và 63 kho nhỏ đặt tại 63 tỉnh, thành. Đây là sự khác biệt hoàn toàn đối với doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Chính vì vậy, trước đòi hỏi về hạ tầng logistics cho TMĐT nông thôn, các chuyên gia đánh giá, tận dụng hạ tầng mạng lưới ứng dụng công nghệ hiện đại cùng hệ thống kho bãi trải dài, Viettel Post được kỳ vọng sẽ đáp ứng được những yêu cầu đặt ra để cất cánh TMĐT khu vực này.

Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Vũ Chí Kiên đánh giá, nền tảng TMĐT dễ dàng kết nối người bán và người mua song để đơn hàng được giao dịch thành công trọn vẹn cần kể đến vai trò của logistics. Logistics và TMĐT luôn song hành. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cả nước với mạng lưới trải dải trong nước, thậm chí vươn ra thế giới sẽ giúp bảo đảm dòng chảy vật chất, chuyển phát tới tay người tiêu dùng. Do đó, những doanh nghiệp này luôn cần gắn kết chặt chẽ với địa phương và người nông dân.

Hạ tầng chuyển phát dành riêng cho khu vực nông thôn

Trong toạ đàm “Thương mại số minh bạch, đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn” được tổ chức mới đây, từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn tại Đồng Tháp trong thời gian qua, Giám đốc chi nhánh Viettel Post Đồng Tháp - ông Phạm Văn Lực - cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, bằng cách phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước và người nông dân Đồng Tháp, Viettel Post Đồng Tháp đã giải quyết bài toán tiêu thụ đầu ra cho hơn 1.200 tấn nông sản của địa phương này bằng hình thức bán hàng combo trên sàn TMĐT Vỏ Sò.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Lực: “Nhờ sử dụng hệ thống xe chuyên biệt cùng tận dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của Viettel Post, chúng tôi đã vận chuyển hàng hoá tươi sống từ Đồng Tháp đến các tỉnh, thành khác một cách nhanh nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng. Điều này đã tạo dựng được niềm tin của khách hàng đối với sản vật Đồng Tháp. Như vậy, đây là đòn bẩy để nông sản Đồng Tháp được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn”.

Ông Phạm Văn Lực cũng cho rằng, khi TMĐT mở rộng quy mô nói riêng tại Đồng Tháp và các tỉnh, thành khác nói chung cũng đồng nghĩa kéo theo sự tác động mạnh mẽ đến hạ tầng logistics. Làm rõ hơn ý trên, Giám đốc Viettel Post phân tích, để gần với nguồn cung cấp sản phẩm, mạng lưới chuyển phát hàng hoá sẽ dần chuyển dịch theo hướng gia tăng mật độ điểm giao dịch. Đồng thời, khi nhu cầu vận chuyển sản phẩm, hàng hóa gia tăng tại khu vực nông thôn cũng đặt ra yêu cầu phát sinh thêm nhiều điểm gom hàng, kho bãi lưu trữ. Những địa điểm này sẽ đặt tại khu vực nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp thay vì tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư như hiện nay.

Dựa trên kinh nghiệm của địa phương mình, ông Phạm Văn Lực cũng chỉ ra một sự thay đổi khác đối với hạ tầng logistics, đó là nhu cầu vận chuyển nhỏ lẻ sẽ có xu thế giảm mức tăng trưởng so với trước đây bởi hình thức này sẽ thay thế bằng các đối tượng khách hàng B2B hoặc B2C,….

Cũng tại toạ đàm này, đóng góp ý kiến để xây dựng một bức tranh tổng thể hạ tầng logistics nông thôn, các chuyên gia đưa ra quan điểm, việc hình thành một hạ tầng logistics dành riêng cho nông nghiệp nông thôn là vô cùng cần thiết. Bởi sản phẩm nông nghiệp là nhóm sản phẩm rất đặc thù với các phương thức bảo quản, lưu trữ riêng biệt, khó có thể đồng nhất với hệ thống vận chuyển TMĐT thông thường. Hơn nữa, hình thức vận chuyển và phân phối các sản phẩm nông nghiệp thường ở dạng B2C hoặc B2B nên nhu cầu về phương tiện vận chuyển cũng cần có cách vận hành riêng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, khi một lượng lớn các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận TMĐT, hạ tầng hậu cần TMĐT khu vực nông thôn sẽ không chỉ dừng ở việc phục vụ cho kết nối vận tải. Vì vậy cần có những tính năng khác đáp ứng nhu cầu cho đối tượng người dân sinh sống tại khu vực nông thôn như: cung cấp thiết bị sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuộc trừ sâu...

Ngoài ra, TMĐT nông thôn chỉ có thể phát triển bền vững và bảo đảm mục tiêu dài hạn khi bảo vệ an toàn hệ sinh thái nông thôn. Do vậy, doanh nghiệp logistics nên hướng đến “logistics xanh” bằng cách sử dụng các sản phẩm đóng gói, sản phẩm hỗ trợ vận chuyển có khả năng tái chế hoặc sử dụng nhiều lần để vừa bảo đảm môi trường vừa giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu. Song song với đó, nhanh chóng ứng dụng CNTT trong việc điều hướng, xác định hành trình vận chuyển để tối ưu hóa quãng đường và số lượng chuyến xe di chuyển nhằm giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 ra môi trường.

Minh Long
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top