Nhà mạng trở thành công ty số

Thứ năm, 25/03/2021 10:52

Khi thuê bao viễn thông bão hòa, doanh thu từ những dịch vụ truyền thống như thoại, tin nhắn, internet cơ bản bị cạnh tranh gay gắt về giá, các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone mau chóng phát triển thành những công ty công nghệ số.

20210325-m01.jpg

Giải pháp định danh khách hàng điện tử là một trong nhiều ứng dụng nội dung số của Viettel. Ảnh: T.BA

Không ngừng chuyển đổi

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2020, doanh nghiệp này cơ bản hoàn thành chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số. Tổng doanh thu các lĩnh vực dịch vụ số của Viettel năm 2020 tăng trưởng 27,7% so với năm 2019. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng trưởng công nghiệp CNTT của Việt Nam, 14,7%.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, khẳng định, để tồn tại và phát triển, VNPT dứt khoát phải cởi bỏ “chiếc áo” nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, tiên phong trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới. Với những thay đổi lớn trong nhiều năm qua, VNPT đang từng bước khẳng định trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025.

VNPT cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm số, xây dựng nền tảng kết nối, công nghệ tiên tiến như Cloud, on demand, Big data, IDC tie 3... Sản phẩm VNPT HMIS (phần mềm hệ thống quản lý y tế cơ sở) đã được triển khai và đào tạo sử dụng cho hơn 7.500 trạm y tế tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mới đây, VNPT chính thức ra mắt nền tảng VNPT MSS (Quản lý an toàn thông tin) giúp các doanh nghiệp giám sát, quản lý an toàn thông tin, kịp thời ứng cứu các rủi ro gây mất an toàn trước các cuộc tấn công mạng.

Với MobiFone, dù chậm hơn 2 nhà mạng trên, mới đây cũng đã hợp tác với Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. MobiFone phát triển dựa trên chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm “Customer centricity” - đi đầu phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ mạng di động 5G; xây dựng và phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; triển khai các công nghệ mới có khả năng bứt phá như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối, Big Data và thực tế ảo/thực tế tăng cường. MobiFone chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ chính phủ số, chính phủ điện tử; xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, dẫn dắt các doanh nghiệp khác chuyển đổi số; chuẩn bị thử nghiệm dịch vụ Mobile money. Trước đó, MobiFone đã công bố hàng loạt giải pháp công nghệ như giải pháp định vị phương tiện MobiTrack, hệ thống phần mềm kế toán và quản trị bán hàng mShop trên nền tảng điện toán đám mây cho tiệm thuốc và 35 loại hình cửa hàng, nhà hàng kinh doanh khác… 

Tạo nền tảng số cho chuyển đổi số quốc gia

Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư lớn để làm chủ các công nghệ mới, hạ tầng số quốc gia và đều hướng đến mô hình nhà cung cấp công nghệ số đa nền tảng, tư vấn và triển khai dịch vụ chuyển đổi số đúng nghĩa. Các nhà mạng đã có sự thay đổi toàn diện này dựa trên công nghệ số mới. Đặc biệt là việc phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phục vụ chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông… 

Bên cạnh đó, các dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn được các nhà mạng duy trì và đầu tư, nhất là những công nghệ 5G hiện nay. Theo Báo cáo tầm nhìn công nghiệp toàn cầu, mỗi người dự báo sở hữu trung bình 5 thiết bị thông minh vào năm 2025. Ngoài 8 tỷ smartphone sẽ có hơn 20 tỷ máy tính cá nhân, máy tính bảng, tai nghe thực tế ảo, đồng hồ thông minh, màn hình thông minh trong số các thiết bị thông minh khác. Băng thông cao của 5G cho phép chuyển đổi mượt mà các cuộc gọi video, giải trí video và dữ liệu cá nhân trên các thiết bị này. Ngoài ra, hơn 20 tỷ thiết bị nhà thông minh trực tuyến, như hệ thống loa, máy chiếu, máy in và máy đo huyết áp sẽ được vận hành và quản lý với kết nối 5G, để làm phong phú thêm các dịch vụ cá nhân và gia đình. Dựa trên các dự báo của ngành viễn thông, 5G sẽ có tiềm năng bổ sung 1.000 tỷ USD vào không gian thị trường AI vào năm 2025, thế nên các nhà mạng tại Vịệt Nam đang thử nghiệm thương mại hóa 5G cũng không nằm ngoài chiến lược khai thác 5G để trở thành công ty số. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với tiềm lực kinh tế và công nghệ của mình cần nhanh chóng chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ số, thực hiện sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là con đường để các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần xây dựng đất nước.

Bá Tân - Trần Lưu
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top