Bắc Giang: Phát triển đồng bộ hạ tầng CNTT thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 24/12/2018 14:06

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ...100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; thực hiện ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống phần mềm một cửa điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã... góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Tập trung đầu tư hạ tầng CNTT
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT của tỉnh như: Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT; kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp thông tin trên địa bàn tỉnh; Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang phiên bản 1.0 Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức các sở, ngành đạt 1,4 máy, UBND các huyện, thành phố đạt 1,3 máy; cấp xã có trung bình 14 máy tính/xã. 100% UBND cấp xã được kết nối internet tốc độ cao, phủ sóng 3G,4G; có trên 1,5 triệu thuê bao điện thoại, 120 nghìn thuê bao internet băng thông rộng, 1.310 trạm BTS. Năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.094 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 96,5 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông đang vận hành trên 95 hệ thống phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện. 100% hệ thống mạng nội bộ (LAN) của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, 10/10 huyện, thành phố được kết nối trực tiếp đến Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh để đảm bảo an toàn, bảo mật cho việc truyền dữ liệu, văn bản điện tử của các cơ quan Nhà nước.
 
Đồng thời, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đã được chuẩn hóa thành một hệ thống tập trung, duy nhất và đang triển khai tại các sở, ngành, UBND cấp huyện; hệ thống Thư công vụ được nâng cấp, mở rộng thêm dung lượng và đã cấp được trên 11.000 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã; đã cấp 2.070 chứng thư số cho các tổ chức và cá nhân để thực hiện ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử, tài liệu điện tử, kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử; hệ thống phần mềm một cửa điện điện tử (hiện đã triển khai 19/20 sở ngành; 10/10 huyện, thành phố; 230 xã phường, thị trấn); một số ngành đã thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu từ phần mềm một cửa điện tử đến các phần mềm chuyên ngành, cụ thể: Kết nối phần mềm một của điện tử cấp tỉnh với phần mềm Cấp mã số đơn vị có quan hệ ngân sách của Bộ Tài chính; kết nối với phần mềm Cấp phiếu lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; kết nối với phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Giao thông vận tải (Toàn tỉnh có 2.127 TTHC, trong đó có 1.912 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2; 667 dịch vụ mức độ 3; 103 dịch vụ mức độ 4 được cung cấp trên Trang thông tin điện tử).
 
Từ những kết quả trên cho thấy, hạ tầng CNTT được tỉnh Bắc Giang chú trọng đầu tư đã đóng góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh; phục vụ công tác cải cách hành chính, công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng, thuận tiện góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Ứng dụng CNTT của tỉnh đang ở mức trung bình so với toàn quốc (năm 2018, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, trong đó mức độ ứng dụng CNTT xếp thứ 17/63, hạ tầng kỹ thuật xếp thứ 24/63, hạ tầng nhân lực của các cơ quan nhà nước 50/63); hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử còn thiếu và yếu; Trung tâm THDL của tỉnh đã được đầu tư nhưng năng lực để đáp ứng được yêu cầu thực tế còn hạn chế; chưa đầu tư, xây dựng được hệ thống nền tảng tích hợp dữ liệu LGSP của tỉnh; phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh chưa liên thông được với phần mềm ở cấp huyện; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị chất lượng còn hạn chế; chưa có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp CNTT...
 
Chú trọng ba nhiệm vụ đột phá về CNTT
 
Đánh giá về tình hình CNTT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, hạ tầng CNTT của tỉnh còn ở mức trung bình so với cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh và đòi hỏi của người dân. Việc ứng dụng CNTT còn hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, chưa tác động sâu, rộng đến mọi lĩnh vực xã hội. Trung tâm THDL của tỉnh năng lực hạn chế. Phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh chưa liên thông được với phần mềm ở cấp huyện. Công nghiệp CNTT chậm phát triển, chưa có doanh nghiệp và sản phẩm CNTT mang tính chiến lược, mang lại giá trị gia tăng cao.
 
20181224-l2.jpg
 
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc cải các thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả
 
Theo ông Chiêu, thời gian tới, Bắc Giang xác định 3 nhiệm vụ đột phá về chiến lược phát triển CNTT gồm: Triển khai có hiệu quả, đồng bộ các chương trình ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính chuyển phát đảm bảo chất lượng tốt để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết trên một số lĩnh vực phục vụ người dân như: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục và đào tạo kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương; kết nối, liên thông các phần mềm quản lý bệnh viện với phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh…
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng CNTT phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị và hệ thống dữ liệu không gian đô thị; hệ thống giao thông thông minh...
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT trong các cấp, các ngành. Từng bước xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho mọi đối tượng; đảm bảo an toàn; kết nối băng thông rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Sử dụng hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước, các chương trình ứng dụng dùng chung chia sẻ kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung… Hình thành và phát triển công nghiệp CNTT; phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo về số lượng, chất lượng để phục vụ tốt công tác triển khai ứng dụng CNTT của các cấp, các ngành góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
 
Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Trần Minh Chiêu, trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đáp ứng được các mục tiêu của tỉnh về ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Bắc Giang sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương về công tác triển khai ứng dụng, phát triển CNTT xây dựng Chính quyền điện tử, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp, các ngành.
 
Đồng thời, thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh về công tác ứng dụng, phát triển CNTT; thực hiện rà soát, xây dựng hoàn thiện các chính sách, văn bản về triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, khai thác sử dụng các phần mềm, hạ tầng CNTT. Tập trung xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, dùng chung hạ tầng kỹ thuật. Chúng ta cần đầu tư một Trung tâm Tích hợp Dữ liệu cấp tỉnh (trên cơ sở nâng cấp trung tâm THDL đang sử dụng) đạt chuẩn quốc tế TIA-942 về Data Centrer. Đây là nơi tập trung, tích hợp an toàn các kho dữ liệu, hệ thống thông tin, dịch vụ CNTT, truyền thông toàn tỉnh. Triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, duy trì, cập nhật Khung kiến trúc Chính quyềnđiện tửcủatỉnh phiên bản 2.0.Đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm nền tảng kết nối và mạng trục dịch vụ của tỉnh Bắc Giang (LGSP); kết nối, liên thông hệ thống các phần mềm chuyên ngành như: Y tế, Giáo dục, Giao thông, Tài nguyên và Môi trường… Mặt khác, chuẩn hóa hệ thống phần mềm một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh để thực hiện tích hợp, liên thông hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo 3 cấp phục vụ giải quyết TTHC liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã (theo chỉ đạo về liên kết chia sể dữ liệu giữa các hệ thống thông tin một cửa điện tử của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 1665 ngày 13/02/2018).
 
Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tập trung, duy nhất của tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đảm bảo các dịch vụ thanh toán trực tuyến; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước.Tăng cường sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử để gửi, nhận văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo hành lang pháp lý thu hút đầu tư các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh về CNTT; khuyến khích, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh.
 
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Hằng năm, Sở TT&TT xây dựng và ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT cho cán bộ công chức, viên chức các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và các huyện, thành phố. Trong đó, tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách CNTT các cấp, các ngành để đảm bảo vận hành, quản trị tốt các hệ thống ứng dụng CNTT của cấp mình, ngành mình, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin./.
Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top