Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDP) 2018: Động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

Thứ tư, 05/12/2018 16:16

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2018 với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Diễn đàn. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và đối tác phát triển.

20180512-ta3.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn
 
Diễn đàn VRDF được tổ chức lần đầu tiên này là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG), Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) và Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) được tổ chức hằng năm suốt 25 năm qua. Diễn đàn là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, khuyến nghị và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
 
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.
 
Thủ tướng vui mừng khi Diễn đàn lại bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. Điều này cho thấy sau hơn 25 năm, đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong mỗi bước đi trên hành trình này, Việt Nam luôn có được sự ủng hộ và đồng hành đáng tin cậy của những đối tác, nhà tài trợ. Những người không chỉ bằng nguồn lực mà ngay chính niềm tin, sự khích lệ và cổ vũ của họ cũng là động lực đối với sự phát triển của Việt Nam. Và chính niềm tin đó cũng là thành quả của Việt Nam trên chặng đường hội nhập phát triển.
 
Việt Nam tăng trưởng liên tục đạt mức cao, bình quân 6,63%. Năm 2018, GDP dự kiến tăng khoảng 7%; thu nhập bình quân khoảng 2.540 USD/người (tính theo sức mua tương đương hơn 7.200 USD). Cùng với kinh tế phát triển, Việt Nam cũng rất thành công trong giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo nếu tính theo tiêu chuẩn cũ với mức chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày/người thì chỉ còn 2% vào năm 2017; nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì con số này là 9,8%. Tuổi thọ bình quân người Việt Nam đạt hơn 76 tuổi, trong khi bình quân thế giới là 72 tuổi, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 74,5 tuổi.
 
Để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn không kém. Nếu không làm được điều này thì những thành quả Việt Nam đạt được trong mấy thập niên qua sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn. Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện ba điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây – Thủ tướng nhận định.
 
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành với Việt Nam trong thời gian tới, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa.
 
20180512-ta2.jpg
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn
 
Thủ tướng cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng một triệu DN, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và Khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên - cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các DN thế hệ mới. Hiện nay, Việt Nam đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển hãy cùng đồng hành với các bạn trẻ trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu ấn thành công.
 
Trong Diễn đàn này, Thủ tướng muốn nhấn mạnh đến con đường nào trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân “khỏe” và “mạnh" không phải ở số lượng DN nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Cải cách thể chế là đương nhiên, nhưng nếu chỉ viện lý do là thể chế thì chưa thuyết phục. Điều này, Chính phủ sẽ phải lắng nghe để có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.
 
Diễn đàn đã thảo luận và cho ý kiến rất nhiều về việc nhận diện các động lực tăng trưởng mới cũng như phân tích, khuyến nghị những giải pháp, hành động cần thực hiện để phát huy các động lực đó.
 
Phát huy các kết quả đạt được trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị chương trình phát triển kinh tế, xã hội cho năm 2019, với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn có tính đột phá và hiệu quả hơn hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 2020.
 
Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những biện pháp, hành động mạnh mẽ hơn. Từ năm 2019, Chính phủ cũng chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng đã vạch ra trước Quốc hội mới đây. Những vấn đề thảo luận, khuyến nghị tại Diễn đàn sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nêu trên và đóng góp trực tiếp cho quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế, xã hội trong những năm sắp tới.
 
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ liên quan, tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn này, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo hoàn thiện những cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp cụ thể phát huy những động lực phát triển hiệu quả, thiết thực. Hơn ai hết, Việt Nam nhận thức được ý nghĩa và giá trị đối với những khoản hỗ trợ của các đối tác cho sự phát triển. Việt Nam mong muốn sớm trở thành một đối tác có đóng góp tích cực và hỗ trợ trở lại các nước kém phát triển hơn trong những thập niên tới. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe mọi ý kiến để hành động hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.
 
Ngay sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã bước vào các phiên thảo luận với chủ đề: Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh; Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và Phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
 
Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top