Bộ TT&TT lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương về nội dung thuê dịch vụ CNTT

Thứ năm, 23/08/2018 15:19

Sáng 23/8/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Sở TT&TT Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và đại diện của VNPT, Viettel, FPT, VNPost, BKAV, CMC,…

20180823-m06.JPG
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã giới thiệu dự thảo Quy định về thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Dự thảo này nếu được thông qua và ban hành sẽ thay thế Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.
 
Theo Cục Tin học hóa, mục tiêu của dự thảo là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg; Cập nhật văn bản này phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; Giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan với hướng dẫn cụ thể.
 
Đại điện Cục Tin học hóa cũng đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thuê dịch vụ CNTT. Liên quan đến các vấn đề pháp lý, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…. đã tác động nhiều đến nội dung cơ bản của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg như vốn đầu tư phát triển, bố trí ngân sách, tầm quyết quyết định thuê dịch vụ… Nhiều nội dung trong Quyết định 80/2014-QĐ-TTg chưa có hướng dẫn cụ thể như: thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ CNTT, lựa chọn nhà thầu, mẫu hồ sơ thầu…
 
Liên quan đến quy trình, thủ tục, tài chính, một số quy định tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg về thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn đầu tư phát triển không phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công. Một số quy định về việc thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn chi thường xuyên không phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công. Chưa có quy định cụ thể về phương pháp xác định các chi phí thuê dịch vụ. Việc bố trí vốn cho cả giai đoạn của hợp đồng thuê dịch vụ CNTT (03 năm trở lên) là một trong những khó khăn của các cơ quan nhà nước.
 
Ngoài ra, còn phải kể đến các tồn tại, bất cập khác như: Chưa có hướng dẫn việc thuyết minh tính hiệu quả giữa hình thức thuê dịch vụ so với đầu tư, mua sắm ứng dụng CNTT; Chưa có hướng dẫn về các nội dung cơ bản của hợp đồng thuê dịch vụ CNTT…
 
Theo đại diện Cục Tin học hóa, Dự thảo mới dự kiến có 3 chương với 23 điều. Điều 2 của Dự thảo phân loại sản phẩm, dịch vụ CNTT dựa trên sự thông dụng, sẵn có trên thị trường. Theo đó, sẽ được chia thành hai loại: Sản phẩm, dịch vụ CNTT thông dụng, sẵn có trên thị trường và Sản phẩm, dịch vụ CNTT được đặt hàng theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan nhà nước.
 
Điều 7 của Dự thảo quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê thuộc về cơ quan giao dự toán ngân sách cho đơn vị sử dụng ngân sách.
 
Phương pháp xác định chi phí thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT được quy định tại Điều 9 Dự thảo bao gồm: phương pháp so sánh, chuyên gia, lấy báo giá thị trường, tính chi phí và kết hợp các phương pháp trên. Chi phí quản lý, chi phí tư vấn, chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc tham khảo định mức chi phí tỷ lệ.
 
20180823-m05.JPG
 
Quang cảnh Hội nghị
 
Tại Hội nghị, đại diện FPT, Viettel – những đơn vị hiện đang cung cấp dịch vụ CNTT cho một số cơ quan nhà nước đã chia sẻ những khó khăn khi triển khai việc cho thuê các sản phẩm, dịch vụ CNTT như: Phát sinh các chi phí khác (chi phí vận hành, đào tạo, chỉnh sửa phát sinh theo yêu cầu) khi cung cấp dịch vụ; Định giá, chào giá gặp nhiều khó khăn, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, vấn đề thuê dịch vụ CNTT là vấn đề nóng, đã tồn tại nhiều năm qua. Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 80 để đẩy mạnh việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc triển khai này gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc cho cả đơn vị thuê và cho thuê dịch vụ CNTT. Một trong những nguyên nhân là khuôn khổ pháp lý còn nhiều bất cập, các quy định chưa xuyên suốt, chưa đồng bộ giữa các mặt.
 
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với các kiến nghị, đề xuất góp ý của các Bộ, ngành, địa phương trong Hội nghị hôm nay và đề nghị các đơn vị tiếp tục gửi các ý kiến về Cục Tin học hóa trong một tuần tới đây. Sau đó, Cục Tin học hóa sẽ hoàn thiện dự thảo phiên bản 1 dựa trên các ý kiến góp ý của các đơn vị, sau đó dự thảo sẽ được đưa lên Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT để lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp và nhân dân, Thứ trưởng chỉ đạo./.
Phạm Giang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top