Tập huấn tuyên truyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa tại Thái Bình

Thứ hai, 09/10/2017 09:53

Ngày 9/10/2017, tại tỉnh Thái Bình, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa năm 2017 cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thuộc Sở TT&TT, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện và cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cấp xã của tỉnh Thái Bình.

20171009-l2.jpg

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn có ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT); bà Lê Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT); PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc tỉnh Thái Bình. Đây là Hội nghị thứ 5 trong tổng số 6 Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ở 6 tỉnh ven biển đã được Bộ TT&TT phê duyệt.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết, “Biển, đảo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, vì vậy, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền biển, đảo đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”. 
 
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh dư luận nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày 24/6/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-BTTTT về Kế hoạch tuyên truyền Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sau một loạt các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo tổ chức trong năm 2016, ngày 31/3/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 470/QĐ-BTTTT về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trong năm 2017..
 
20171009-l3toancanh.jpg
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn
 
Ông Nguyễn Văn Tạo Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết thêm: “Việt Nam là một quốc gia biển, với tỉ lệ một phần đất hơn ba phần biển, với bờ biển dài trên 3260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia biển, các quốc đảo và vùng lãnh thổ trên thế giới có biển. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số nước ta sinh sống tại các tỉnh, thành phố ven biển. Vùng biển nước ta có trên 3000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế, vươn ra biển, làm giàu từ biển là chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ, vươn ra biển để làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển; tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh, quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển và để ngư dân ta yên tâm làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc”.
 
20171009-l1.jpg
 
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi trực tiếp truyền đạt những nội dung cơ bản về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã nghe PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trình bày những nội dung về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; thông tin về tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội; hướng sự quan tâm của xã hội vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển khu vực biển, đảo; đồng thời, báo cáo viên cũng cung cấp các thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân ven biển và các giải pháp để người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, đảo.
 
Tại Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi phân tích các nguyên tắc cơ theo tinh thần thỏa thuận 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển trong phạm vi Biển Đông đã được hai người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10 năm 2011. Cụ thể là:
 
1) Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực;
 
2) Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
 
3)    Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
 
4)    Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
 
5)    Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
 
6)    Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
 
 Những thách thức chủ yếu trong khai thác và quản lý biển ở Việt Nam hiện nay. Theo PGD, TS Nguyễn Chu Hồi, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thời gian qua phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế, cụ thể như:
 
Một là, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
 
Hai là, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp: các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.
 
Ba là, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,...ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng như: quản lý không gian biển (marine spatial management), quy hoạch sử dụng biển (sea-use planning) bao gồm hải đảo và vùng ven biển, giống như quy hoạch sử dụng đất (land-use planning) áp dụng trên đất liền. Đặc biệt ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.
 
Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích (benefit conflict) trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận ‘nóng’ trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.
 
Năm là, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng,…
 
Sáu là, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển quan trọng (RSH, RNM, TCB) bị suy thoái, bị mất habitat và bị thu hẹp diện tích. Các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ, do mất đến 60% các nơi cư trú tự nhiên quan trọng. RNM mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% RSH trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với TCB. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong RNM bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 01 ha RNM trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2005). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ.
 
Bẩy là, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành (sectoral management) thông qua các luật pháp, chính sách ngành như nói trên. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển, chính sách quản lý thiếu đồng bộ,trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu/sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển,…chậm được triển khai để thực hiện chủ trương ‘kinh tế hóa’ trong lĩnh vực tài nguyên biển.
 
Tám là, ngoài thiên tai biển xẩy ra thường xuyên, Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.
 
Chín là, Tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, kéo dài và khó lường do các tham vọng chủ quyền của các cường quyền nước lớn; đe dọa đến an ninh môi trường, đến nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển kinh tế biển xanh, đến sự thịnh vượng của các quốc gia và đến hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
 
Những thách thức nói trên đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, và khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển ở Việt Nam.  
 
 
 
 
Xuân Đài
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top