Ngày hội CNTT Nhật Bản 2016

Thứ tư, 26/10/2016 14:52

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Ngày hội CNTT Nhật Bản 2016 với chủ đề: "10 năm hợp tác Việt Nam và Nhât Bản – Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai: Dịch vụ CNTT – Sản phẩm CNTT – Công nghệ mới” đã chính thức diễn ra. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), CLB hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đồng tổ chức.

Tham dự sự kiện có ông Ngô Đông Hải – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Phạm Đại Dương – Thứ trưởng Bộ KHCN và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT.
 
20161026-pg4.JPG
  Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho VINASA 
 
Phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo tinh thần “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
 
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực CNTT, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ -Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin, bưu chính và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
 
20161026-pg3.jpg
 Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng
 
Thứ trưởng ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới, đứng trong Nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Trong năm 2015, doanh thu ngành CNTT ước đạt 49,5 tỷ USD, là ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Doanh thu của ngành phần mềm là 1,6 tỷ USD, trong đó doanh thu dịch vụ gia công phần mềm tăng trưởng bình quân 30%, với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chiếm tới 58%.
 
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, CNTT luôn được quan tâm phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đồng thời có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, Thứ trưởng cho biết thêm. Trong thời gian tới, CNTT vẫn tiếp tục được xác định là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
20161026-pg5.JPG
  Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho VJC
 
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT, tập trung vào các trọng tâm, cụ thể là: Phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Phát triển công nghiệp CNTT trong đó chú trọng xây dựng các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; Đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, thuận lợi và đảm bảo an toàn thông tin; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
 
Tại sự kiện, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) đều cùng chung nhận định: Việt Nam hiện là một trong những trọng điểm đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản. Văn phòng JETRO tại TPHCM năm 2015 tiếp hơn 6.000 đại diện doanh nghiệp Nhật Bản sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, vị đại diện JETRO cũng cho biết, Việt Nam cần khắc phục một số vấn đề trong phát triển CNTT, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có khả năng sử dụng tiếng Nhật và chi phí đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Vị đại diện cũng mong muốn ngoài lĩnh vực phần mềm là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm thêm những lĩnh vực hợp tác mới.
 
Trong bài tham luận “Hướng tới thập kỷ tiếp theo: Nâng tầm quan hệ hợp tác CNTT Việt – Nhật”, bà Yuko Adachi, Phó Chủ tịch Gartner Nhật Bản đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh được đánh giá cao, thu hút hợp tác và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong 10 năm vừa qua như: Hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, khả năng ngôn ngữ tốt, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt và tuân theo quy chuẩn của quốc tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy trì được 3 lợi thế cạnh tranh ở mức cao bao gồm: Giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin. Đại diện Gartner Nhật Bản lưu ý doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác xây dựng đội ngũ lãnh đạo “toàn cầu” và phía Nhật Bản thì cần tăng tốc quyết định đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam cần phá bỏ thế thụ động và đặc biệt cần “nâng cao năng lực ứng phó với các công nghệ mới nổi”. Hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào dám đương đầu trực diện với các doanh nghiệp lớn của thế giới. Muốn cạnh tranh với họ, Việt Nam cần phải khẩn trương tham gia các mạng lưới nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực mang tính mũi nhọn. Về điểm này, Việt Nam có thể học tập Ấn Độ trong việc xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn và hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này sẽ mang lại hiệu quả lớn.
 
Tại Ngày hội CNTT Nhật Bản 2016, Báo cáo 10 năm hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT của VINASA bên cạnh việc ghi nhận những kết quả, những thành tựu đáng kể trong quan hệ hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp hai nước đã nêu rõ những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực sẽ dần không còn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải định hướng và chuẩn bị nguồn lực nhằm tập trung vào 03 hướng: nâng cao giá trị trong hợp tác dịch vụ CNTT; phát triển và phân phối các sản phẩm CNTT, ứng dụng di động; và quan trọng nhất là hợp tác trong các xu hướng công nghệ mới như: Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (Ai), S.M.A.C, in 3D…Các doanh nghiệp hai nước cần phải chủ động, tích cực tìm ra những giá trị mới để tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác. 
  
Cũng tại sự kiện này, hai biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA); CLB hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) và Hiệp hội thông tin đổi mới dịch vụ Nhật Bản (JASIPA). Nội dung của các biên bản ghi nhớ hợp tác tập trung vào thúc đẩy hợp tác sâu, rộng hơn giữa doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội hai nước trong lĩnh vực CNTT.
 
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, VINASA cũng đã tiến hành trao chứng nhận cho 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015. Đây là danh hiệu minh chứng cho sự phát triển của khối doanh nghiệp CNTT nói riêng cũng như ngành CNTT Việt Nam nói chung đồng thời là dịp để vinh danh và biểu dương sự nỗ lực của 50 doanh nghiệp.
 
Diễn ra trong 03 ngày, gồm hàng loạt các hoạt động từ hội thảo, tìm kiếm và gặp gỡ đối tác; triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giải pháp CNTT đến giao lưu giải Golf mở rộng giữa các Doanh nghiệp 02 nước và lãnh đạo cơ quan tại Đà Nẵng bên lề sự kiện; thăm quan thực tế và giao lưu văn hóa giữa các doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam, Ngày hội CNTT Nhật Bản 2016 trở thành sự kiện quan trọng, góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam./.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top