Triết lý 'lấy đại dương nuôi đất liền' đang được nhiều nước áp dụng

Thứ năm, 06/10/2016 09:50

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển đảo và Hải đảo Việt Nam, giảng viên cao cấp ĐHQG Hà Nội tại hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa do Bộ TT&TT tổ chức trong hai ngày 5 và 6/10/2016 tại TP. Huế.

Tiềm năng biển, đảo Việt Nam là rất lớn

Thế giới đang hướng vào và ngày càng khẳng định tầm quan trọng to lớn của biển và đại dương, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nghiêm trọng các nguồn nguyên liệu, năng lượng dẫn tới cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia thường xuyên và gay gắt hơn. Điều này đã củng cố luận điểm coi “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước giàu mạnh.
 
20161006-l3.jpg
 PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trao đổi thông tin về vị trí, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam tại hội nghị
 
Đây là một định hướng phát triển chiến lược quan trọng trong thế kỷ XXI của đất nước. Trong bối cảnh thế giới như vậy, thì quy mô phát triển kinh tế biển nước ta như hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển sẽ đem lại cho dân tộc. Cho nên, muốn tiến ra biển phải duy trì được môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông, phải chấp nhận đầu tư lớn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phải duy trì được tính bền vững về mặt tài nguyên và môi trường. Chỉ có như vậy, nước ta mới có thể trở thành "một quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển" như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, sự phồn vinh của đất nước.
 
Tại hội nghị tập huấn, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã phân tích  tổng quan về vị thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, biển Việt Nam là một bộ phận của biển Đông, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Việc toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của “yếu tố biển”, có “mặt tiền” hướng biển tạo thuận lợi cho giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cũng xung yếu về mặt an ninh quốc phòng.
 
Cũng tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng thẳng thắn trao đổi thực trạng về công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo Việt Nam; đề xuất một số giải pháp cơ bản để phát triển bền vững.
 
Nhìn tổng thể, vùng biển Đông thuộc Việt Nam và toàn bộ khu vực biển Đông có vai trò quan trọng, cơ yếu trong việc giao thương quốc tế cũng như phát triển các nguồn lợi kinh tế. Chính vì thế, trong những năm gần đây, không chỉ riêng Trung Quốc mà nhiều nước khác cũng đang áp dụng triết lý “lấy đại dương nuôi đất liền”, khiến những hoạt động truyền thống trên vùng biển này bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết, nhận thức về tầm quan trọng của biển, đảo cho mỗi cán bộ, người dân là hết sức cần thiết, ông Hồi nhấn mạnh.
 
Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành
 
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và hàng hải quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo phân tích, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và vị trí chiến lược về hàng hải, an ninh, quốc phòng, Biển Đông là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và các vùng biển trên Biển Đông khiến Biển Đông trở thành điểm nóng về an ninh, chính trị trong nhiều năm qua. Cho đến thời điểm hiện tại, giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện vẫn là bài toán khó đối với các quốc gia và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, các quốc gia hữu quan, cộng đồng quốc tế đều nhận thức được rằng tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển 1982. Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia khai thác, sử dụng và quản lý biển một cách hòa bình, công bằng và bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lẫn nhau.
 
20161006-l4.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn
 
Các quy định của Công ước 1982 là cơ sở để các quốc gia trong khu vực Biển Đông kiềm chế và quản lý các nguy cơ đối với an ninh trên biển, là cơ sở để các bên đưa ra các yêu sách vùng biển hợp pháp, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình. Công ước cũng thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển và đặc biệt là nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước có thể được vận dụng để thu hẹp và tiến tới giải quyết tranh chấp, trong đó các quốc gia có nghĩa vụ đạt được giải pháp tạm thời trong khi tranh chấp chưa được giải quyết triệt để. Nhằm áp dụng hiệu quả các quy định của Công ước vào bối cảnh đặc thù của Biển Đông, việc nghiên cứu Công ước Luật biển là cần thiết.
 
Ông Diến lấy dẫn chứng: Luật Biển Việt Nam đã ra đời và có hiệu lực hơn 3 năm nay (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013) nhưng đến giờ vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, gây ra bất cập trong quá trình thực thi và có thể ảnh hưởng tới chủ quyền biển, đảo. Chẳng hạn, Luật Biển Việt Nam đã cụ thể hóa quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, rằng trong phạm vi lãnh hải của Việt Nam thì cho phép tàu nước ngoài được đi qua nhưng phải báo trước cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Thế nhưng hiện tại chưa rõ tàu quân sự nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam thì phải báo cho ai, cho lực lượng cảnh sát biển hay hải quân, hay bộ đội biên phòng, ông Diến nêu vấn đề. Luật Biển Việt Nam đã có quy định chung về xác định đường cơ sở nhưng đường cơ sở trong vịnh Bắc Bộ giờ vẫn bỏ trống, chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Điều này gây ra bất cập trong quá trình thực thi luật pháp và có thể ảnh hưởng tới chủ quyền biển, đảo của nước ta.
 
Đứng trước yêu cầu mới, PGS.TS Nguyễn Bá Diến lưu ý: Biển Đông là không gian phát triển và sinh tồn của đất nước, dân tộc ta. Đặc biệt, hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được các chuyên gia đánh giá là hai tàu sân bay có thể giúp một quốc gia nào đó thống trị Biển Đông. Vị trí địa chiến lược của Biển Đông tạo thách thức rất lớn với tất cả hệ thống chính trị Việt Nam, với mọi người dân Việt Nam. Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là đặc biệt quan trọng./.
Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top