Mạng 4G LTE sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam vào năm 2017

Thứ tư, 13/04/2016 13:33

Một trong những điểm nhấn đầu năm 2016 của thị trường viễn thông di động là việc VinaPhone, Viettel cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G và sắp tới là MobiFone. Trên cơ sở thử nghiệm của các nhà mạng, cơ quan quản lý sẽ xem xét cấp phép chính thức để công nghệ này đi vào đời sống.

20160413-m4.jpg
 
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng năm 2017 sẽ là năm 4G phát triển mạnh. (Ảnh: P.P/Vietnam+)
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã chia sẻ với báo giới về lộ trình triển khai 4G tại Việt Nam tại Hội thảo chuyên đề LTE 4G Việt Nam - Hàn Quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội.
 
 - Thưa Thứ trưởng Phan Tâm, nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng Việt Nam đang hội tụ nhiều điểm mạnh cho việc triển khai 4G. Thứ trưởng nhận định thế nào về việc này?

Thứ trưởng Phan Tâm: 
Đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020. Chương trình có mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn và có tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ đa dạng rộng khắp cả nước. Ngoài ra, chương trình cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020. 

Ngoài ra, qua theo dõi và đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy năm 2016 đã hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để Việt Nam có thể triển khai thành công 4G. Hiện nay, nhu cầu sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng rộng xuất hiện ngày càng nhiều; các chủng loại, thiết bị 4G (cả thiết bị mạng và đầu cuối) đa dạng và giá ngày càng giảm; các doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch đầu tư triển khai 4G. 

Mặt khác, kinh nghiệm triển khai 4G trên thế giới đã được đánh giá, tổng kết tương đối đầy đủ. Điều này giúp cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tranh thủ được các bài học thành công và thất bại của các nhà mạng đi trước, xây dựng được chiến lược đầu tư, kinh doanh hiệu quả ngay từ đầu.

Hiện nay một số doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép thử nghiệm 4G LTE-A sẽ có báo cáo kết quả, trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp phép chính thức.

- Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ như thế nào để việc triển khai 4G được thành công, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phan Tâm: Có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai 4G LTE. Song, có một số giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang ưu tiên thực hiện.

Thứ nhất là việc tiếp tục đẩy mạnh việc thiết lập và bảo vệ thị trường cạnh tranh lành mạnh bằng các biện pháp quản lý theo cơ chế thị trường. 

Thứ hai là thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng như Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa, giao thông thông minh....

Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành. Tinh giản các thủ tục, chuẩn hóa và đồng bộ các yêu cầu cấp phép triển khai hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp viễn thông.

- Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng hiệu quả 4G cần sự đồng thuận, phát triển nhịp nhàng của hệ sinh thái giữa Chính phủ, các nhà mạng, thiết bị đầu cuối, nội dung ứng dụng… Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào? Theo Thứ trưởng, năm 2016 có phải là thời điểm triển khai mạnh mẽ 4G tại Việt Nam hay không?

Thứ trưởng Phan Tâm: Tôi cho rằng cần triển khai mạnh mẽ hạ tầng băng rộng quốc gia nói chung trong đó có hạ tầng băng rộng di động 4G. Hạ tầng băng rộng đã được xác định là hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển và ứng dụng viễn thông-công nghệ thông tin cũng được xác định là một công cụ then chốt và hiệu quả cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Chương trình phấn đấu đến năm 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử, Quyết định 1819 về Chương trình ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đến năm 2020. Đầu năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia... Các doanh nghiệp viễn thông lớn cũng đã xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 và cho năm 2016. Trong đó, băng rộng nói chung và băng rộng di động nói riêng rất được quan tâm.

Với những yếu tố trên, cộng với sự năng động của thị trường Việt Nam, quy mô của thị trường hơn 90 triệu dân đang trong thời kỳ dân số vàng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tôi tin rằng năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ.

- Theo Thứ trưởng, đâu là những yếu tố quyết định thành công của 4G tại Việt Nam?

Thứ trưởng Phan Tâm: Năm 2016 hội tụ tương đối đầy đủ yếu tố để triển khai 4G song thời điểm chính thức thương mại hóa phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp sẽ giải quyết bài toán tối ưu hóa giữa đầu tư dịch vụ và thị trường thiết bị đầu cuối.

Tôi cho rằng để bảo đảm cho sự thành công, phát triển bền vững của 4G nói riêng và băng rộng nói chung thì mô hình hợp tác, cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý giữa doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng, doanh nghiệp phát triển nội dung, ứng dụng, người sử dụng dịch vụ cần được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Khi nào các quan hệ này cân bằng, tạo ra hệ sinh thái thì chúng ta mới tận dụng hết tiềm năng của công nghệ, dịch vụ băng rộng 4G cho phát triến kinh tế, xã hội.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top