Điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản: Đảm bảo lợi ích quốc gia trong thanh toán quốc tế

Thứ ba, 21/01/2014 10:32

Theo Thông tư số 20/2013/TT-BTTTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về việc quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính phổ cập, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam được phép tăng cước thư từ ngày 18/1/2014. Mức tăng giá cước dịch vụ thư cơ bản đến 20 gam sẽ được điều chỉnh lên 3.000 đồng/thư (hiện nay là 2.000 đồng/thư). Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, sau dịp Tết nguyên đán, tức là vào ngày 15/2/2014 (thời điểm số lượng thư gửi thấp nhất trong năm) thì Tổng công ty Bưu điện Việt Nam mới chính thức điều chỉnh tăng giá cước gửi thư. Việc tăng giá cước bưu chính lần này tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc thanh toán cước đầu cuối với các nước được thực hiện theo quy định mới.

img
Sự cần thiết phải tăng giá cước bưu chính
 
Việc điều chỉnh này nằm trong quá trình tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 37/2009/QĐ-TTg ngày 06/03/2009. Theo quy định tại Quyết định này, giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram sẽ được điều chỉnh nhằm đảm bảo đến năm 2013, giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram được điều chỉnh tăng từ 800 đồng/cái. Trong thời gian qua, việc điều chỉnh giá cước đã có tác động tích cực, tạo điều kiện cho Tổng công ty bù đắp được một phần chi phí cung ứng dịch vụ, đồng thời giúp cho lộ trình giảm mức trợ cấp của Nhà nước thực hiện theo quy định.
 
Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành bưu chính là sử dụng nhiều lao động trong quá trình cung ứng  dịch vụ, phải duy trì mạng lưới cung cấp dịch vụ rộng khắp đất nước theo yêu phổ cập dịch vụ, với tốc độ tăng chi phí đầu vào lớn. Ngoài ra, giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước là cơ sở để xây dựng giá cước các dịch vụ bưu chính thương mại nên giá cước dịch vụ này thấp làm ảnh hưởng đến các dịch vụ bưu chính khác và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Theo khoản 1 Điều 32 của Luật Bưu chính, Nhà nước hỗ trợ Bưu điện Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng. Trong tình hình hiện nay, với sản lượng thư quá thấp, cơ chế này chỉ có tác dụng tập trung lưu lượng để giảm chi phí trên mạng bưu chính công cộng và chưa có khả năng mang lại lợi nhuận cho Bưu điện Việt Nam. Việc điều chỉnh giá cước thư cơ bản trong nước sẽ làm tăng nguồn thu cho Bưu điện Việt Nam để tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Người sử dụng dịch vụ nói chung sẽ được hưởng dịch vụ có chất lượng đạt chuẩn do Nhà nước quy định.
 
Như vậy, việc điều chỉnh cước thư cơ bản trong nước đến 20 gram và các nấc tiếp theo như đề xuất sẽ có tác động tích cực đối với ngân sách nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.
 
Đảm bảo lợi ích quốc gia trong thanh toán quốc tế
 
Theo thống kê cho thấy giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram năm 2012 của Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước mà Việt Nam có sản lượng trao đổi thư tín lớn. Năm 2009, mặc dù giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng song thời gian qua, do tác động của các yếu tố đầu vào, các quốc gia khác cũng đã điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ này. Giá cước dịch vụ thư cơ bản của Việt Nam hiện thấp hơn khoảng 4-16 lần so với các nước phát triển, 3-4 lần so với các nước trong khu vực. Xét mặt bằng giá cước dịch vụ cùng loại trong khu vực và trên thế giới, giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước của Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 20% so với mức cước trung bình của các nước. Điều đó không chỉ gây bất lợi cho Việt Nam trong thanh toán quốc tế mà còn cho thấy mức giá cước đã quá lạc hậu, không phù hợp với cơ chế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
 
Theo Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới, giá cước đầu cuối giữa bưu chính tất cả các nước sẽ được thanh toán trên cơ sở giá thành và giá cước dịch vụ thư nội địa. Theo đó, Việt Nam xếp vào nhóm 4 và dự kiến sẽ áp dụng cước đầu cuối dựa trên giá cước thư nội địa 20 gram từ năm 2017. Theo đó, những nước có mức giá cước dịch vụ thư cơ bản nội địa thấp sẽ không có lợi trong thanh toán cước đầu cuối quốc tế.  Vì vậy việc điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước sẽ đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong thanh toán quốc tế.
 
Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top