Gặp mặt cán bộ Sở Giao thông liên lạc-Vô tuyến điện Nam Bộ giai đoạn 1945-1954

Thứ hai, 26/11/2012 10:01

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, chiều 23/11/2012, tỉnh Cà Mau tổ chức gặp mặt cán bộ Sở Giao thông liên lạc - Vô tuyến điện Nam Bộ (nay là ngành Bưu chính - Viễn thông) giai đoạn 1945-1954. Đây là hoạt động thể hiện tấm lòng tri ân của tập thể cán bộ ngành Bưu chính -Viễn thông tỉnh Cà Mau đối với thế hệ cha, anh đã có công tạo dựng nên sự nghiệp Giao thông liên lạc Nam Bộ và sự nghiệp Vô tuyến điện Nam bộ.

img

Cán bộ Sở Giao thông liên lạc -Vô tuyến điện Nam Bộ giai đoạn 1945-1954 chụp ảnh kỷ niệm.

200 đại biểu các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau tham dự gặp mặt. Các đại biểu xúc động ôn lại truyền thống và những chiến công hào hùng của Sở Giao thông liên lạc - Vô tuyến điện Nam Bộ thời bấy giờ.

Ông Nguyễn Việt Hùng (Hai Nam), Trưởng Ban liên lạc Sở Giao thông liên lạc - Vô tuyến điện Nam Bộ, nguyên Phó Ban Thông tin - Vô tuyến điện Khu Tây Nam bộ, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Minh Hải xúc động nhớ lại: Sau khi giành được chính quyền ở Sài Gòn, ngày 25/8/1945, Xứ ủy Nam Bộ đã trưng dụng ngay đài vô tuyến điện của Pháp để báo cáo với Trung ương Đảng về thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa. Bức điện có 18 chữ: “Sài Gòn đã giành chính quyền thắng lợi, cả thành phố đang xuống đường biểu dương lực lượng”. Bức điện lịch sử đó đã làm nức lòng mọi người – Trung ương Đảng chỉ thị cho Xứ uỷ Nam Bộ phải giữ vững thông tin Vô tuyến điện với Trung ương bằng mọi giá.

Để đối phó với tình hình xấu, Xứ uỷ chỉ đạo cho Thành uỷ phải bảo vệ cơ Sở Vô tuyến điện và tổ chức ngay một bộ điện đài lưu động đưa ra khỏi thành phố. Thành uỷ giao cho hai đồng chí Huỳnh Tấn Phát và Trần Bửu Kiếm phụ trách xây dựng gấp. Kỹ sư Nguyễn Văn Tình chỉ đạo các anh Huỳnh Kim Huyền, Vũ Đạo Phổ lắp một bộ điện đài trên xe thông tin của Sở cứu hoả Sài Gòn Chợ Lớn. Đài này lấy ký hiệu là VMA (Việt Nam A). Tháng 12/1945, xe thông tin không còn phù hợp nên phải dời máy móc xuống ghe tam bản để lưu động trên vùng sông nước Miền Tây. Tết năm 1946, Đài VMA chuyển đến vùng rừng ráng Bạc Liêu. Đến cuối năm 1949, các cơ quan Nam bộ dời về Miền Tây, Sở Giao thông liên lạc dời về đóng ở vùng Sông Trẹm và Phòng Vô tuyến điện Nam Bộ, Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ kháng chiến đóng tại Tân Bằng (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Mặc cho bom đạn địch dội xuống hàng ngày, nhưng Đài phát thanh vẫn vang lên ấm áp: "Đây là đài phát thanh tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến"!

img

Hoạt động mạng lưới vô tuyến điện lúc đó còn có Cụm đài Xứ uỷ Nam Bộ. Toàn mạng thông tin vô tuyến điện Nam Bộ, hệ dân chánh đã có trên 100 bộ điện đài phát sóng liên tục và hơn 500 cán bộ điện báo, công nhân kỹ thuật, chưa kể đến hệ thống vô tuyến điện quân sự. Làn sóng điện kháng chiến phủ đầy mặc cho kẻ thù có nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc và vũ khí chiến tranh hạng nặng nhằm tiêu diệt nhưng chúng không thể nào dập tắt được, sóng điện kháng chiến vẫn tiếp tục vươn xa, vươn  rộng, nối liền Trung ương với cơ sở, phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo lãnh đạo kháng chiến giành thắng lợi chung của cách mạng. Lực lượng Giao thông liên lạc và vô tuyến điện, tính đến cuối năm 1953 có gần 5.000 người; trong đó, nhiều cán bộ đã hy sinh anh dũng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong giai đoạn hoạt động cách mạng từ 1945-1954,  xã Tân Bằng (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) là nơi trú đóng của nhiều cơ quan kháng chiến Nam Bộ, trong đó có ngành Vô tuyến điện và Sở Giao thông liên lạc Nam Bộ. Chính nơi đây đã đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ cốt cán phục vụ đắc lực cho Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ và phục vụ cho các ban ngành, các Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chính các tỉnh toàn khu vực Nam Bộ.

 Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ Sở Giao thông liên lạc - Vô tuyến điện Nam Bộ năm xưa, ông Nguyễn Đình Tạo,Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Buổi gặp này, không chỉ là dịp các thế hệ cán bộ ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành, mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ kế tiếp; để mọi cán bộ, công chức, viên chức sống và làm việc xứng đáng với những người đi trước, tiếp tục có nhiều đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Cùng ngày, Đoàn cán bộ Sở Giao thông liên lạc - Vô tuyến điện Nam Bộ đã đến tham quan khu căn cứ xã Tân Bằng (huyện Thới Bình); tham quan nơi dựng 3 bia kỷ niệm: Vô tuyến điện Nam Bộ, Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ kháng chiến và Sở Y tế Nam Bộ; thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng và nhân dân vùng căn cứ cách mạng./.

Kim Hà (TTXVN tại Cà Mau)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top