Cõng Internet lên non

Thứ ba, 16/03/2010 13:26

Trường Trung học phổ thông Nội trú Lục Khu (xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vừa được kết nối thành công mạng internet. Như vậy, từ ngôi trường nhỏ bé nằm sâu hun hút trong trập trùng núi đá vôi ở miền biên cương Tổ quốc này, các học sinh người dân tộc thiểu số sẽ được tiếp cận với những thông tin, kiến thức cập nhật nhất, khám phá cả thế giới.

img

Mở ra cả thế giới

“Nàng về nuôi cái cùng con, để anh đi trảy nước non Cao Bằng’’, câu ca nổi tiếng ấy đã nói lên sự hùng vĩ của vùng đất núi non biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi đã có dịp nếm trải sự hùng vĩ ấy bằng con đường cheo leo quanh triền núi từ thị trấn huyện Hà Quảng lên xã Thượng Thôn. Đường hẹp, lại đang được sửa chữa, bề mặt nham nhở đất sỏi, xóc nảy và bụi mù mỗi khi gặp xe ngược chiều. Bác tài căng mắt, men theo triền núi để xoay vô lăng cho chuẩn. Tim chúng tôi nhiều lúc đập thình thịch như muốn vọt ra khỏi lồng ngực khi bánh xe và miệng vực thăm thẳm chỉ cách nhau gang tấc…

Thế rồi, ngôi trường Trung học phổ thông Nội trú Lục Khu được xây dựng khá to đẹp, khang trang cũng đã hiện ra trên một triền đồi. Tại sân trường tràn nắng và gió đã có hơn 200 học sinh với trang phục dân tộc và những chiếc ô sặc sỡ tập hợp từ bao giờ. Trường là nơi dạy và học của con em ba dân tộc: Nùng, Mông và Kinh của 8 xã trong huyện. Trong đó, học sinh người Nùng và Mông chiếm đại đa số.

Nói là lễ khánh thành, nhưng thực chất mạng internet đã được đưa vào sử dụng tại ngôi trường này từ thời điểm bắt đầu năm học 2009-2010. Hiện nay, mỗi tuần học sinh của trường được học 2 tiết tin học, trong đó có một tiết lý thuyết và một tiết thực hành. Thầy Lý Minh Cao, hiệu trưởng nhà trường hồ hởi cho biết, trường có tất cả 28 máy tính, từ khi có internet, các giờ tin học trở nên sinh động hẳn chứ không khô khan, lý thuyết suông như trước đây. Học sinh nhờ thế cũng thích thú, tập trung vào môn học hơn. “Thầy, trò đã có thể sử dụng thư điện tử, nhận công văn, cập nhật giáo án trực tuyến, đọc báo, tìm kiếm thông tin trên internet… phục vụ công tác giảng dạy thay vì phải xuống phố huyện cách xã đến hàng chục km đường rừng núi gian nan, hiểm trở”.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết, trước đây, công văn từ Sở hay các cấp quản lý xuống trường phải mất vài ngày, thậm chí là một tuần đối với những trường ở xa. Giờ đây, nó được đơn giản hóa chỉ sau một cái nhấp “chuột” máy tính.

Có lẽ không gì diễn tả hết sức hấp dẫn của internet đối với các em học sinh của trường. Khi được hỏi ngẫu nhiên rằng “internet là gì?”, phần lớn các em đều trả lời rành rọt rằng: Internet là mạng  thông tin toàn cầu, giúp kết nối và chia sẻ tri thức. Em La Thị Thảo, dân tộc Nùng, học lớp 11A2, cho biết mới chỉ được học lý thuyết và rất háo hức chờ đến dịp được thực hành trên máy: “Em cũng chưa hiểu hết được internet sẽ mang lại cho mình những gì, nhưng chắc rằng sẽ có rất nhiều điều mới lạ, kỳ diệu, chắc chắn rằng sẽ làm đổi thay cuộc sống của chúng em…”. Em Phạm Thị Ngọc, dân tộc Nùng, lớp 12A còn nhớ như in lần đầu tiên được nhìn thấy một trang thông tin trên internet. “Hôm ấy, thầy giáo cho chúng em xem một trang về nông nghiệp, với rất nhiều kiến thức mới có thể áp dụng vào việc canh tác của gia đình em... Cũng từ internet, thầy đã lấy xuống được rất nhiều tranh ảnh làm bài học trở nên sinh động hơn, ai cũng thích”.

Nền tảng để kéo miền núi theo kịp miền xuôi

Việc lắp đặt internet đến Trường Trung học phổ thông Nội trú Lục Khu nằm trong chương trình đưa internet miễn phí đến tất cả các trường học, từ cấp học mầm non tới đại học trên toàn quốc do Viettel khởi xướng và thực hiện. Trong chương trình trên, khó khăn nhất và ý nghĩa cao cả nhất chính là việc đưa internet đến cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến nay, tại Cao Bằng, Viettel đã đưa thành công internet tới 260/521 trường học, cơ sở giáo dục. Những trường còn lại hoặc là chưa có máy tính, hoặc là chưa có điện nên tạm thời chưa thể đưa internet vào được.

Tính chung trên cả nước, Viettel đã hoàn thành trên 72% kế hoạch, tương đương với 25.393/35.153 cơ sở giáo dục. Trong đó 12 tỉnh, thành phố đã hoàn thành 100%: Điện Biên, Đắc Lắc, Cà Mau, Hải Dương, Tây Ninh, Quảng Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội (địa giới cũ) và Thành phố Hồ Chí Minh. Viettel đặt mục tiêu hoàn thành kết nối mạng cho 100% cơ sở giáo dục trên cả nước (tại những trường có máy tính và có điện) vào tháng 6-2010, vượt kế hoạch ban đầu là 6 tháng.

Không chỉ miễn phí đường truyền, miễn phí dịch vụ, thậm chí, Viettel còn đang tính toán phương án hỗ trợ máy nổ cho các trường chưa có điện, rồi liên kết với một số công ty để hỗ trợ máy tính cho các trường.

Sự thay da đổi thịt, tiến bộ của nhiều miền sơn cước, nhiều bản làng xa xôi, một thời đè nặng trên đôi vai gầy, đôi chân chai sạn vì băng rừng, vượt núi, treo trên ghi đông của chiếc xe đạp “tòng tọc” của biết bao thế hệ giáo viên. Ngày nay, hình ảnh đưa văn minh, văn hóa đến cho đồng bào, đã phần nào được chia sẻ bởi các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật- những người đang nỗ lực ngày đêm “cõng” internet lên non. Có họ, có internet chắc rằng sự tiến bộ của vùng sâu, vùng xa sẽ diễn ra nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Theo viettel.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top