Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 30 (từ ngày 20/7 đến ngày 26/7/2013)

Thứ sáu, 26/07/2013 15:48

Trong tuần qua thông tin nổi bật được các báo điện tử tập trung đưa tin là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; thanh tra Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT; tăng cước 3G…

img

Một số doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành những nhà cung cấp dịch vụ CNTT không chỉ thị trường trong nước mà cả cho thị trường quốc tế.    Ảnh minh họa: Internet

  BÁO CHÍ

+ Bộ TT&TT sẽ kiểm tra việc phát sóng truyền hình thiết yếu

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, sắp tới Bộ sẽ giao cho Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trực tiếp làm việc với các đơn vị truyền hình trả tiền để yêu cầu thực hiện đúng quy định về truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư quy định có 10 kênh truyền hình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bao gồm: 4 kênh do VTV sản xuất là VTV1; VTV2; VTV4; VTV5; 4 kênh do VTC sản xuất gồm VTC1; VTC10; VTC14; VTC16; kênh VNEWS do Thông tấn xã Việt Nam sản xuất và kênh truyền hình ANTV do Bộ Công an sản xuất. Theo quy định của Chính phủ, 10 kênh truyền hình thiết yếu này phải được cung cấp đến tất cả thuê bao của các hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta.

+ Cần sớm xoá sổ những trang web "bẩn"

Những trang thông tin tổng hợp hoạt động không đúng nội dung đăng ký, vi phạm bản quyền, cần sớm được cơ quan chức năng thu hồi giấy phép, "xóa sổ" để môi trường báo chí phát triển lành mạnh, hoạt động đúng luật... Mặc dù Việt Nam đã có các văn bản pháp luật quy định về sở hữu trí tuệ, về tác quyền, Luật Báo chí… nhưng vi phạm vẫn liên tục xảy ra và tái diễn. Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật trong nước, Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả, nhưng rất nhiều điều đang cản trở việc thực thi những quy định đó. Ngoài ra, các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa có ý thức liên kết với nhau trong hành động tập thể. Và đáng ngại nữa là đối tượng sử dụng có thói quen coi việc sử dụng tự do lâu nay là hợp pháp, họ cảm thấy mình không có nghĩa vụ xin phép và trả tiền cho người nắm giữ bản quyền. Bên cạnh đó cũng phải kể đến thái độ chưa kiên quyết của các cơ quan Nhà nước, biện pháp chưa mạnh cũng như chưa có cơ chế thích hợp để chống nạn xâm phạm bản quyền. Hy vọng rằng, trước sự phản đối mạnh mẽ của những tờ báo điện tử chính thống, cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý sẽ sớm dẹp được tình trạng một số trang tin điện tử chuyên ăn cắp thông tin trắng trợn như hiện nay.

+ Ký kết chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở

Sáng 23/7, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2015”. Mục đích của chương trình nhằm tập trung và tăng cường đầu tư thiết bị tác nghiệp truyền thông phục vụ công tác thông tin,tuyên truyền cho một số đồn biên phòng để các cán bộ và chiến sĩ Bộ đội Biên phòng sử dụng làm phương tiện thông tin tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo

+ Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo

Chiều 23/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với tập thể lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Báo cáo về tình hình hoạt động của hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ: Qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, đã không ngừng lớn mạnh. Đến nay, cả nước có trên 19.000 hội viên, sinh hoạt thống nhất tại 63 Hội nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 18 Liên chi hội và 210 chi hội trực thuộc. Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục củng cố, có nhiều hoạt động phong phú, có hiệu quả thiết thực, thể hiện vai trò của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua. Phát huy truyền thống 63 năm xây dựng và trưởng thành, gắn bó chặt chẽ với nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp đã đóng góp hiệu quả vào thành tựu chung trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Công tác tuyên truyền đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp quản lý chỉ đạo báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, thông tin đúng định hướng, thực hiện tốt các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

 Tin bài liên quan:

- Thủ tướng làm việc với Hội Nhà báo VN

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo VN trong thời kỳ mới

+ Chi 50 tỷ đồng để tuyên truyền về số hóa truyền hình

Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất là 50 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ  Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Ngày 22/7/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký quyết định phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Đối tượng thông tin, tuyên truyền gồm có: lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; cán bộ phụ trách thông tin cơ sở; lãnh đạo các DN cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, DN sản xuất thiết bị thu phát sóng truyền hình; cán bộ thông tin cơ sở và đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; phóng viên, biên tập viên báo chí, phát thanh, truyền hình trong lĩnh vực CNTT&TT; nhân viên bán thiết bị truyền hình của các cửa hàng điện máy; và người dân cùng các hộ gia đình.

+ Truyền hình Kiểm sát nhân dân lên sóng

Ngày 25/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) tổ chức ra mắt chương trình truyền hình Kiểm sát nhân dân. Chương trình do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ đạo và phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân thực hiện. Trong giai đoạn đầu (năm 2013-2014), chương trình sẽ phát sóng mỗi tháng 2 kỳ, với thời lượng 30 phút/kỳ, trên sóng ANTV. Kỳ phát sóng đầu tháng của Truyền hình Kiểm sát nhân dân có nội dung tổng hợp, kỳ phát sóng cuối tháng là chuyên đề "Bảo vệ pháp luật". Việc ra đời chương trình đánh dấu sự trưởng thành của công tác thông tin tuyên truyền báo chí của ngành Kiểm sát; góp phần tăng thêm sự hiểu biết và ủng hộ của dư luận, các cấp, ngành đối với hoạt động của ngành Kiểm sát.

+ BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH GIẢI NGOẠI HẠNG ANH: VNPayTV tố VTV làm trái chỉ thị bộ chủ quản

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), ông Lê Đình Cường, vừa ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ, phản ánh việc VTV “bật đèn xanh” để VSTV (K+) công bố bản quyền Giải Ngoại hạng Anh 3 mùa tới trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài việc công bố bản quyền mùa giải 2013-2014, đặc biệt là việc sở hữu 2 gói bản quyền độc quyền Giải Ngoại hạng Anh, K+ còn ra mắt thêm kênh K+ PM, ngoài những kênh tự sản xuất hiện nay là K+1 và K+NS.

 Tin bài liên quan:

- K+ chia sẻ, nhưng không miễn phí

- VTV chưa làm rõ khúc mắc về K+

+ Đài TNVN đăng cai Hội nghị Phát thanh châu Á 2013

Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 (RadioAsia) với chủ đề "Phát thanh và Truyền thông xã hội: Xu hướng phát triển trong tương lai" dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ 29-31/7/2013, do Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị sẽ đề cập đến những vấn đề nóng hiện nay trong sự lớn mạnh vượt bậc của phát thanh Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài việc chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực phát thanh, truyền thông, các đại biểu tham dự cũng sẽ tham gia các Hội thảo với chủ đề “Truyền thông xã hội, truyền thông trên các thiết bị di dộng và xây dựng kế hoạch chương trình phát thanh: Những kỹ thuật mới cho truyền thông mang tính di sản và Vai trò của phát thanh trong cảnh báo khẩn cấp”.

+ Sẽ xem xét xử lý báo đưa tin sai về vụ “ông Trần Bắc Hà bị bắt”

Theo tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông, cơ quan này sẽ làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ để xem xét, xử lý việc đưa tin sai sự thật của một số báo, khi thông tin về kết quả xử lý sai phạm của các đối tượng tung tin thất thiệt "ông Trần Bắc Hà bị bắt".Trước đó, vào ngày 17/7, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng với một đối tượng có hành vi tung tin thất thiệt rằng ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bị bắt vào ngày 21/2. Ngoài ra, còn hai đối tượng khác mà Thanh tra Bộ đang tiếp tục xem xét để đưa ra mức xử lý vi phạm, cho đến hôm nay vẫn chưa chính thức có quyết định về mức xử phạt dành cho hai đối tượng này. Tuy nhiên, trong hai ngày 16 và 17/7, có một số báo đã đăng sai thông tin về nội dung xử phạt với 3 đối tượng này. Mặc dù ngay sau đó, các báo đăng sai đã sửa lại thông tin và đính chính, song Thanh tra Bộ nhận thấy vẫn phải xem xét để xử lý một số báo đưa tin sai

+ Đề nghị xử lý việc đưa tin hoa hậu mua giải

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa có văn bản gửi Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông) và Cục An ninh chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) đề nghị xử lý việc đưa thông tin không có căn cứ về cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN 2013. Trong văn bản này, Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu rõ sau khi kết thúc cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN 2013, trên một số trang mạng Internet, báo điện tử có đưa thông tin về việc thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh mua giải thưởng hoa hậu với số tiền 1,5 tỉ đồng, hoa hậu đoạt giải là do cặp kè với con trai chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIAT, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bị đột tử do thông tin hoa hậu mua giải... Những thông tin trên đều không có căn cứ nhưng đã được đăng tải tràn lan trên mạng Internet gây ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của UBND tỉnh Quảng Nam, ban chỉ đạo, ban tổ chức cuộc thi...


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Quản lý, cung cấp dịch vụ Internet, thông tin mạng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Theo đó, Nghị định quy định chính sách phát triển, quản lý internet và thông tin trên mạng, gồm thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Tin bài liên quan:

- Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng

- Gỡ nhiều “nút thắt” của Nghị định mới về quản lý internet

- Trang thông tin điện tử được phân thành 5 loại

+ Trong tháng 7-2013 đã có 2.480 virus máy tính xuất hiện

Ngày 23-7, Công ty An ninh mạng Bkav cho biết, trong tháng 7 đã có 2.480 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam và loại virus lây nhiễm nhiều nhất là W32.Sality.PE. Cũng trong tháng 7, đã có 325 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tin tặc xâm nhập, trong đó có 14 trường hợp gây ra bởi tin tặc trong nước, 311 trường hợp do tin tặc nước ngoài. Ngoài ra, Bkav cũng cảnh báo một lỗ hổng trên Microsoft Office đã âm thầm bị khai thác từ năm 2009 và mới chỉ được vá vào tháng 6 vừa qua. Các chuyên gia nhận định, trong suốt gần 4 năm, nhiều người dùng tại Việt Nam có thể đã trở thành nạn nhân mà không hề hay biết, bất kể vẫn thường xuyên cập nhật các bản vá lỗi của nhà sản xuất. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng, đặc biệt các chuyên gia Bkav cho biết, mã khai thác lỗ hổng MS13-051 đã âm thầm xuất hiện cách đây 4 năm trên Internet. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều người sử dụng đã có thể bị theo dõi, đánh cắp, thay đổi dữ liệu... mà không hề hay biết.

+ Sẽ cấp phát Ipv4 dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Trước nguy cơ một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới vì thiếu địa chỉ IPv4, Bộ TT&TT sẽ ban hành quy định văn bản quy định việc cấp phát, chuyển quyền sử dụng địa chỉ IPv4 trong thời gian ngắn sắp tới nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DN. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sở dĩ chúng ta phải quản lý chặt địa chỉ IP là do liên quan đến tài nguyên quốc gia và các vấn đề về an toàn, an ninh nên sẽ phải thuộc nhà nước quản lý. Chính vì thế, địa chỉ IP sẽ không được chuyển nhượng, chuyển giao giữa các doanh nghiệp mà chỉ có thể trả lại hay cơ quan nhà nước thu lại để cấp phát cho doanh nghiệp khác theo nguyên tắc “ai đăng ký trước thì được cấp trước”. “Còn việc cấp phát bao nhiêu địa chỉ, chúng ta sẽ phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thay vì chỉ theo quy định của APNIC”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.

+ Thị trường dịch vụ CNTT vẫn "chờ" chính sách

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia có tiềm năng cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu châu Á. Song lại đang thiếu rất nhiều chính sách để thúc đẩy thị trường dịch vụ CNTT phát triển. Theo đánh giá của Vụ CNTT, sự phát triển của thị trường dịch vụ CNTT ở nước ta  chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và hầu như chưa có quy định quản lý của Nhà nước. Các quy định về điều kiện kinh doanh cũng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất trong quản lý viễn thông, CNTT và nội dung thông tin điện tử. Mặc dù Luật CNTT năm 2006 đã có các khung quy định chung liên quan đến dịch vụ CNTT, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tế. Thị trường đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có trường hợp xảy ra hiện tượng nhà cung cấp dịch vụ vi phạm quyền riêng tư, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đa số các doanh nghiệp chỉ phát triển manh mún, chạy theo lợi ích ngắn hạn, thiếu bền vững. Điều này làm cho thị trường trở nên lộn xộn, các nhà đầu tư lớn e ngại bỏ vốn đầu tư. Những hạn chế này dẫn đến khó khăn trong kiểm soát thị trường dịch vụ CNTT của nhà nước.

+ Blog, mạng xã hội trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức

Gần đây hiện tượng bịa đặt thông tin, vu cáo, bôi nhọ, lừa đảo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên internet. Hiện tượng nguy hiểm này gây bức xúc trong dư luận đồng thời đặt ra yêu cầu về pháp luật, đạo đức liên quan đến blog, mạng xã hội trở nên cấp thiết. Vậy phải làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia, các tổ chức, công dân khi bị xâm phạm an ninh, bị tiến công, xâm phạm, nhục mạ, đe dọa trên internet? Ở Việt Nam gần đây, trong số nữ sinh ở Ðà Nẵng bị vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm trên trang facebook tên là "Bộ mặt thật của các hot teen Ðà thành", một nữ sinh đã tự tử bằng thuốc an thần nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời. Trước đó, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng tự tử bằng thuốc diệt cỏ vì bị ghép ảnh trên facebook... Như vậy có thể thấy, cùng với sức thu hút và sự phát triển của nó, mặt trái của internet ngày càng bộc lộ, đưa tới hậu quả nguy hiểm cho xã hội và con người mà trực tiếp là blog, mạng xã hội .

+ Đà Nẵng-Lâm Đồng hợp tác phát triển CNTT

Sáng 24/7, tại Đà Nẵng, UBND Thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ký kết chương trình hợp tác phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình hợp tác song phương này hướng đến mục đích chia sẻ, hỗ trợ việc ứng dụng và phát triển CNTT, hoàn thiện mô hình xây dựng Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp, phục vụ cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT, đưa ngành công nghiệp CNTT trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. Có 7 vấn đề về các lĩnh vực và hoạt động hợp tác được hai địa phương đặt ra để thực hiện, trong đó chú trọng phối hợp, tổ chức học tập kinh nghiệm lẫn nhau về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử và công nghiệp công nghệ thông tin; giới thiệu và chuyển giao các ứng dụng chính quyền điện tử đã triển khai thành công ở địa phương mình để địa phương bạn nghiên cứu, áp dụng. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng Chương trình phát triển CNTT; trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành Khu Công viên phần mềm và Khu công nghệ thông tin tập trung; cùng nhiều hoạt động liên quan.

 Tin bài liên quan:

- Đà Nẵng và Lâm Đồng ký kết phát triển công nghệ thông tin

+ Đà Nẵng: Xếp hạng đơn vị ứng dụng CNTT

Ngày 23/7, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức công bố chỉ số ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước năm 2012. Báo cáo đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP năm 2012 dựa trên nhiều tiêu chí ở 4 hạng mục: hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT, nguồn nhân lực CNTT và chính sách ứng dụng CNTT. Các đơn vị bị xếp loại yếu kém về hạ tầng CNTT là do chưa quan tâm yếu tố an toàn, an ninh thông tin, lượng dữ liệu không được sao chép dự phòng, ý thức của các cán bộ trong bảo mật thông tin và tương tác, chia sẻ thông tin trong cùng hệ thống chưa cao. Về chính sách ứng dụng CNTT, 74% đơn vị được xếp loại khá và tốt, còn lại là trung bình, không có đơn vị yếu. Nguồn lực CNTT là điểm yếu nhất của các đơn vị khi có tới 55% đơn vị xếp loại yếu; 9,7% xếp loại khá, số còn lại xếp loại tốt và trung bình. Việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc loại tốt, khá chiếm 33%; xếp loại yếu chiếm 57%, còn lại là loại trung bình. Đây là lần thứ 2 Đà Nẵng công bố các tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành chính phủ điện tử ở địa phương trong chiến lược chung của cả  nước.

 Tin bài liên quan:

- Đà Nẵng: Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 còn thấp

+ Phải xử lý hành vi bịa đặt, vu khống trên Internet

Tung tin sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đang trở thành vấn nạn của thế giới mạng hiện nay. Đặc biệt, thông tin bịa đặt, vu khống nhằm vào cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng, chi phối lớn như ngân hàng, tín dụng... gây hậu quả khó lường, ảnh hưởng an ninh tài chính đất nước. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao, trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Vấn đề đặt ra: Ngoài cá nhân tung tin vu khống lên diễn đàn mạng bị xử lý thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, chủ các trang mạng khi cho đăng tải thông tin đó sẽ bị xử lý ra sao? Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP nghiêm cấm việc lợi dụng Internet đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Tại Điều 7, Thông tư 14 ngày 29/6/2010 của Bộ Thông tin Truyền thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm khi phát hiện hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.


  VIỄN THÔNG

+ Hạn chế tin nhắn rác: “Cắt” sim có sẵn tài khoản

Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) lần lượt ban hành Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước (TBTT) và Thông tư 14 về giá cước dịch vụ viễn thông di động mặt đất, lượng thuê bao ảo đã giảm 10 lần. Tuy nhiên, vẫn có thể dễ dàng mua sim trả trước có tài khoản khuyến mãi. Sau khi thông tư này có hiệu lực, lượng thuê bao ảo đã giảm đi rõ rệt và theo thống kê của Thanh tra Bộ TT-TT, lượng thuê bao ảo đã giảm 10 lần. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một vấn đề là khách hàng vẫn có thể dễ dàng mua loại sim trả trước có chứa tài khoản khuyến mãi lớn ở nhiều điểm bán sim thẻ và người đi đường cũng dễ dàng nhìn thấy nhiều tấm biển dán, treo trước các điểm bán này ghi giá sim của từng nhà mạng và giá trị của tài khoản nhiều hơn ít nhất 1,5 lần. Sở dĩ vẫn tồn tại sim trả trước có giá trị tài khoản lớn là do chủ các điểm bán này trước đây vốn thu được nhiều lợi nhuận từ việc thu hoa hồng từ việc phát triển thuê bao mới qua sim đa năng… nay khi có các quy định quản lý mới chỉ còn được chiết khấu từ bán thẻ cào nên để có thêm thu nhập, họ tiếp tục "lách" quy định bằng cách kích hoạt sim trước thời điểm các thông tư trên có hiệu lực.

+ Tăng trưởng thuê bao di động giảm mạnh

Theo số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đang có 143 triệu thuê bao di động, gấp rưỡi lượng dân, song tốc độ tăng trưởng đang giảm mạnh. Số liệu được Cục Viễn thông công bố tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm tổ chức hôm 22-7 cho thấy, tổng số thuê bao di động đăng ký và đang hoạt động đến hết tháng 5-2013 của Việt Nam gần 143 triệu. Như vậy, lượng thuê bao di động chỉ tăng khoảng 20 triệu trong vòng một năm qua. Trong khi đó các năm trước việc tăng trưởng thuê bao đạt gấp đôi con số này. Nguồn tin từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho biết, con số thuê bao di động đang tăng trưởng chậm lại không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của họ. Bởi trước đây lượng thuê bao tăng trưởng nhanh nhưng không ổn định vì có tới vài triệu khách hàng thường xuyên nhảy mạng để hưởng chương trình khuyến mãi.

+ Có dễ bị “cướp sim, trộm tiền”?

Dư luận đang lo lắng khi anh Đặng Thanh Hải (TPHCM), chủ thuê bao Viettel “bỗng dưng” bị khóa số, sau đó tiền trong tài khoản Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) bị “bốc hơi” 30 triệu đồng và vụ anh Vũ Minh Nhật (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ thuê bao MobiFone bị người khác mạo danh cướp sim đang sử dụng, rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán online mất 74,8 triệu đồng... Đây là hình thức chiếm đoạt tài sản khi sử dụng dịch vụ OTP của ngân hàng cũng như lợi dụng kẽ hở của Viettel, MobiFone trong việc cấp sim cho người báo mất... chứ chưa hẳn là tội phạm công nghệ cao. Liên quan đến vụ việc nói trên, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, khi biết sim số của mình bị tấn công, việc đầu tiên khách hàng cần làm là thông báo với ngân hàng nơi mở tài khoản đề nghị khóa giao dịch với số điện thoại đó. Cả hai trường hợp vừa xảy ra, anh Hải và anh Nhật đều không liên lạc với ngân hàng mà làm việc với nhà mạng để đòi sim. Trong thời gian đó, kẻ gian đã nhanh tay hơn, thực hiện các giao dịch trộm tiền từ tài khoản. Kẻ xấu chỉ có thể giao dịch mua bán, thanh toán online trong trường hợp này, chứ không thể rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng được.

+ Nhiều sai phạm kinh tế tại VNPT

Ngày 19-7, tại Hà Nội, kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố tại buổi họp báo về kết quả công tác quý 2. Nhiều khuyết điểm, vi phạm của VNPT đã được nêu ra trong kết luận này.Kết luận của TTCP chỉ rõ, hiệu quả kinh doanh của VNPT đạt mức tăng trưởng cao, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp tăng từ 36.955 tỷ đồng năm 2006 lên 69.498 tỷ đồng năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản từ năm 2006 đến năm 2011, VNPT và một số đơn vị thành viên còn để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm.  Từ thực tế đó, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT-TT thẩm định và đề xuất Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT, ban hành, điều chỉnh cơ chế, nhất là đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, do đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, thiếu tự chủ trong hoạt động kinh doanh, đánh giá thiếu chính xác, khách quan về hiệu quả kinh doanh và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại các đơn vị. Rà soát, điều chỉnh các quy định về quảng cáo, khuyến mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.

 Tin bài liên quan:

- Hàng loạt sai phạm kinh tế tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông

- Thanh tra CP: VNPT tăng trưởng nhanh nhưng gây thiệt hại vốn

- Điểm danh dự án thua lỗ, lãng phí tại VNPT

- Phó Thủ tướng cho ý kiến về xử lý sau thanh tra VNPT

+ Mạng di động ảo cuối cùng sắp bị thu hồi giấy phép

Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, cơ quan này sẽ thu hồi giấy phép thiết lập mạng di động ảo (kinh doanh mạng di động nhưng không được thiết lập hạ tầng mà phải dùng chung với mạng khác) đã cấp cho Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Như vậy, đây là giấy phép mạng di động ảo cuối cùng bị thu hồi tại Việt Nam. Cách đây gần một năm thì giấy phép kinh doanh mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam được cấp cho Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương cũng đã bị thu hồi. Được biết, các giấy phép mạng di động ảo sẽ bị thu hồi sau khi đến thời gian cam kết mà đơn vị được cấp phép không triển khai cung cấp dịch vụ.

+ Viettel, FPT, CMC có thể lấy vốn WB sản xuất máy tính, điện thoại giá rẻ

Dự án sản xuất các thiết bị CNTT-TT giá rẻ gồm máy tính, điện thoại, máy tính bảng,… của các doanh nghiệp như Viettel, FPT, CMC,.. có thể được nhận đầu tư từ dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp, mức vốn tối đa 700.000 USD/dự án. Dự án “Đổi mới sáng tạo (ĐMST) hướng tới người thu nhập thấp" được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ triển khai tại Việt Nam nhằm huy động các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng giải pháp công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chi phí sản xuất rẻ, giúp người thu nhập thấp có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của đời sống xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, truyền thông xã hội,..., qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo, người thu nhập thấp (dưới 2 USD/tháng). “Tại Việt Nam, được biết một số doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, CMC.. có dự tính sản xuất điện thoại, máy tính, máy tính bảng giá rẻ,.. hướng tới đối tượng khách hàng là người thu nhập thấp. Những dự án này hoàn toàn có thể được nhận vốn đầu tư từ Dự án của WB.

+ Lại tăng cước 3G?

Các nhà mạng, đặc biệt là Viettel đã “đánh tiếng” với Bộ TT-TT về việc tăng cước 3G vào đầu tháng 7, trong khi đó MobiFone và VinaPhone đã “thông báo đến từng thuê bao” tăng giá gói cước 3G không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng và điều chỉnh một loạt gói cước dịch vụ 3G khác vào tháng 4... Điều này cho thấy các nhà mạng đã tính đến chuyện tăng cước 3G, vấn đề còn lại là sự đồng ý của Bộ TT-TT. Chưa có thống kê thật đầy đủ về “tổn thất” mà các ứng dụng nhắn tin - gọi điện miễn phí “gây ra” với doanh thu của nhà mạng và “tổn thất” đó chưa phải là hết khi dùng 3G trên smartphone còn có các ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội facebook, Zingme hay Yahoo!Messenger, Google Talk (Hangouts)… đang thay đổi hình thức liên lạc của người dùng theo hướng có lợi cho người dùng. Một thực tế mà rất nhiều người dùng 3G mong muốn là gói cước cho các ứng dụng OTT. Nhưng với không ít các đơn vị kinh doanh dịch vụ OTT, họ đã nhiều lần lên tiếng và đến gõ cửa các nhà mạng để đề nghị hợp tác nhưng đến nay các nhà mạng vẫn im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, các nhà mạng đã “rào trước, đón sau” về tăng cước 3G như đã nói trên nên nhiều câu hỏi đặt ra: Phải chăng nhà mạng đang âm thầm xây dựng một lộ trình rồi “rủ nhau” tăng cước?!


  BƯU CHÍNH

+ VietnamPost sẽ thoái vốn tại các DN ngoài ngành nghề chính

Thời gian tới, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ xây dựng phương án cơ cấu lại các khoản đầu tư vào những DN khác. Theo đó, VietnamPost sẽ từng bước thoái vốn tại một số đơn vị không thuộc ngành nghề chính như: VNPT-Technology, PMC, P&T Tours…Theo Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1746), từ ngày 1/1/2013, cùng với việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt nam từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép đổi tên DN này thành Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Bưu điện Việt Nam - VietnamPost). Đáng chú ý, theo đề xuất của VietnamPost, thời gian tới, DN bưu chính này cũng dự kiến sẽ xem xét để từng bước thoái vốn tại những đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh của Tổng Công ty (theo quy định tại QĐ 1746 của Thủ tướng Chính phủ-PV) như: Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT - Technology); Công ty CP Du lịch Bưu điện (P&T Tours); Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT (PMC)…Đại diện lãnh đạo VietnamPost cũng cho hay, theo kế hoạch, trong các tháng cuối năm 2013, một trong những nhiệm vụ sẽ được VietnamPost tập trung triển khai là hoàn thiện, thống nhất mô hình tổ chức của Tổng Công ty.

+ Gửi tiền trong bưu phẩm, bưu kiện bị phạt tới 20 triệu đồng

Hành vi gửi tiền Việt Nam, ngoại tệ trong thư, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính của VietnamPost sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 58, với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có công văn hướng dẫn Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP.Hà Nội xử lý đối với trường hợp tiền Việt Nam, ngoại tệ gửi trong bưu phẩm, bưu kiện. Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, sẽ thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi gửi tiền Việt Nam, ngoại tệ trong thư, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của VietnamPost theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 58/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2011 của Chính phủ (Nghị định 58) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính. Cụ thể, điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 58 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2011 nêu rõ, hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển những vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top