Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 21(Từ 18/5 đến 24/5/2013)

Thứ sáu, 24/05/2013 15:09

Trong tuần qua thông tin nổi bật được các báo điện tử phản ánh là việc Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế cho hoạt động báo chí, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel, tránh độc quyền khi số hóa truyền hình...

img

 Viettel sắp có thêm dịch vụ truyền hình cáp   Ảnh: Nguồn Internet

BÁO CHÍ

Nhiều điểm mới về Quy chế phát ngôn cho báo chí

Người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí. Tại buổi họp báo ngày 17/5, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết đó là một trong những nội dung quan trọng của “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Theo ông Lượng, bản quy chế mới cũng bổ sung thêm số điện thoại, địa chỉ e-mail của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn. Để Quy chế mới thực sự phát huy hiệu quả, ông Lượng tiết lộ từ nay đến trước khi Quy chế mới có hiệu lực, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tổ chức tiếp 2 buổi tập huấn dành cho người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước./.

 Tin bài liên quan:

Quy chế mới cho người phát ngôn

+ Quốc hội thảo luận về Luật thuế TNDN: Đồng ý giảm thuế cho báo chí

Hôm qua, thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều đại biểu QH đồng tình việc giảm thuế cho báo chí. Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: đầu tư- kinh doanh nhà ở xã hội; thu nhập từ hoạt động báo in; thu nhập từ hoạt động xuất bản; thu nhập từ hoạt động thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Theo Luật Báo chí thì báo chí là sản phẩm văn hóa; cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo in bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Trong khi đó, hoạt động quảng cáo trên báo khác với các hoạt động quảng cáo khác, bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ và thời lượng.

+ Giảm thuế cho báo chí lúc này là rất cần thiết

Từng là cán bộ quản lý cơ quan báo chí lớn, nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, với tư cách là ĐBQH, ông Hà Minh Huệ  cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN dành ưu đãi về thuế cho báo in trong thời điểm này là rất đúng và rất cần thiết. Ông nói: Ngay từ phiên khai mạc kỳ họp này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày và chiều 21.5, dự thảo luật đã được đưa ra thảo luận tại các tổ. Theo dự thảo lần này, báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) được xếp vào diện ưu đãi thuế suất 10% thuế thu nhập DN, rút từ mức 25% trước đây và cũng thấp hơn rất nhiều so với mức đề xuất giảm chung cho các DN là 22% lần này. Theo tôi, đây là tin vui, tin mừng cho báo chí, vì sự sửa đổi, bổ sung này giúp tháo gỡ khó khăn cho báo chí trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Phát biểu tại phiên họp tổ chiều 21.5, ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, giảm thuế cho báo chí lúc này là đúng và rất cần thiết, đồng thời đề nghị QH xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in, mà cả với các loại hình báo chí khác và nên đẩy thời gian áp dụng luật sớm lên, từ ngày 1.7.2013 như đề xuất áp dụng với những trường hợp doanh nghiệp ưu tiên khác- thay vì áp dụng từ 1.1.2014 vì đại đa số cơ quan báo chí đều rất khó khăn.

+ Báo cáo kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình trước 30/6

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp xây dựng và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (Đề án số hóa truyền hình) trước ngày 30/6/2013. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định cụ thể số lượng, quy mô phủ song, điều kiện lựa chọn và hình thức tổ chức cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng  truyền hình khu vực; quyết định phương án truyền dẫn, phát sóng kênh chương trình địa phương tại các khu vực không có doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình khu vực. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng và phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất. Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể là, giai đoạn 1 ở các TP Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ phải kết thúc việc phát sóng truyền hình tín hiệu Analog để phát trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trước 31/12/2015. Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất ở 26 tỉnh, TP tiếp theo trước 31/12/2016. Giai đoạn 3 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 18 tỉnh tiếp theo, với lộ trình chuyển đổi hoàn toàn trước ngày 31/12/2018. Giai đoạn 4 sẽ cắt toàn bộ truyền hình tương tự tại Việt Nam. Từ ngày 1/1/2021, các hệ thống truyền hình tại Việt Nam sẽ chuyển sang công nghệ truyền hình số.

+ VTC ký hợp tác chiến lược với 7 đài truyền hình địa phương

Ngày 20/5/2013, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), VTC đã ký kết hợp tác chiến lược với 7 Đài phát thanh truyền hình địa phương gồm: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Trà Vinh. Cùng dự và chứng kiến Lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn . Mục tiêu của việc ký kết hợp tác chiến lược nhằm khai thác tốt các thế mạnh tiềm năng hiện có của các đài PTTH địa phương và Tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC). Qua đó làm tăng vị thế của các bên trên thị trường, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nguồn doanh thu cho đài truyền hình địa phương, đồng thời thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khán giả xem truyền hình. Theo ông Nguyễn Phan Hữu Minh - Giám đốc Đài PTTH Thái Nguyên, việc ký kết hợp tác phát triển chiến lược giữa các Đài PTTH tỉnh nói chung với VTC góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho đôi bên, nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

+ Tập huấn chiến lược phát triển thông tin đối ngoại

Ngày 20/5, tại Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020. Tham dự Hội nghị có thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và các Sở Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 21 tỉnh, thành phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào). Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý và Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Nghiêm giới thiệu các chuyên đề về Tình hình thế giới, khu vực và thành tựu đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời gian gần đây; Tình hình Biển Đông; quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, các nước ASEAN; Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra với các địa phương; chiến lược phát triển thông tin đối ngoại và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2014-những vấn đề đặt ra với các địa phương.

+ Tránh độc quyền khi số hóa truyền hình

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, bắt đầu từ 1-1-2021,Việt Nam sẽ không phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự (analog) và chuyển hẳn sang công nghệ truyền hình số mặt đất. Mục tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2020, 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Theo quyết định của Thủ tướng, 3 đơn vị gồm VTC, VTV và AVG sẽ được thực hiện truyền dẫn trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, một số đài truyền hình đã có mạng truyền dẫn phát sóng và việc xử lý thế nào là một vấn đề. Tại Hội nghị toàn quốc triển khai đề án nói trên vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có hai hệ thống cáp truyền hình đến các phường, vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng/mạng, dẫn đến lãng phí. Do đó cần giải quyết bài toán dùng chung cơ sở hạ tầng, tránh gây lãng phí. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, tới đây, Bộ sẽ xem xét cấp phép cho một số doanh nghiệp phát triển dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo khu vực, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ.

+ Truyền hình trả tiền cạnh tranh bằng dịch vụ mới 

Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền đang chứng kiến cuộc chạy đua khá quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, trong đó, dịch vụ MyTV đang có những bứt phá mạnh ấn tượng…Mới đây, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy Chứng nhận đăng ký cung cấp danh mục các kênh chương trình trên dịch vụ Truyền hình trả tiền cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. VNPT đã đăng ký được cung cấp 101 kênh truyền hình của Việt Nam và 31 kênh truyền hình nước ngoài. Cho tới thời điểm này, sau hơn ba năm chính thức cung cấp, dịch vụ truyền hình MyTV đã được cung cấp trên toàn quốc với gần 800 ngàn thuê bao. Hiện dịch vụ MyTV đang sở hữu hàng chục nghìn nội dung thuộc các thể loại phim, ca nhạc, karaoke, thiếu nhi, giáo dục đào tạo… với hàng loạt dịch vụ/tính năng tiện ích tương tác cao. Việc cung cấp đa tính năng tiện ích, tương tác cao chính là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm nổi bật nhất của truyền hình MyTV nói riêng và dịch vụ truyền hình theo yêu cầu hiện nay nói chung. Nếu như các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số dù nội dung đã phong phú song vẫn đang cung cấp cho người dùng dưới dạng “có gì dùng nấy” thì truyền hình theo yêu cầu - điển hình là dịch vụ truyền hình MyTV lại hoàn toàn khác.

+ Viettel lập công ty truyền hình

Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho biết đang xúc tiến thành lập công ty truyền hình trên cơ sở trung tâm truyền hình hiện có của tập đoàn này. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel cho biết thông tin trên. Dự kiến Công ty Truyền hình Viettel sẽ cung cấp các dịch vụ truyền hình gồm truyền hình qua giao thức internet (IPTV – đã cung cấp từ hai năm nay) và truyền hình cáp (mới được cấp phép và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ vào cuối năm). Được biết, việc Viettel xúc tiến thành lập công ty truyền hình này nằm trong đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2013  - 2015". Viettel sẽ xúc tiến thành lập công ty này ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Một nguồn tin cho biết, do nhằm hướng đến thị trường nông thôn nên Viettel sẽ có những gói cước truyền hình cáp chỉ 30.000- 50.000 đồng mỗi tháng.

+ Chương trình truyền hình trả tiền bị tạm ngừng đến bao giờ?

Ngày 15.5, đài truyền hình trả tiền (THTT) K+ đã tạm ngừng phát 21 kênh chương trình truyền hình nước ngoài (THNN). Đến 17.5, mới có 5 trong số 21 kênh được phục hồi... 21/80 kênh của K+ bị tạm ngừng, chiếm hơn 25% tổng số kênh chương trình của đài này và chiếm đa phần các kênh chương trình THNN. Sau khi 5 kênh được khôi phục phát sóng, thì số kênh bị tạm ngừng của K+ vẫn còn tới 20%. Theo K+, đây là việc chẳng đặng đừng vì phải tuân thủ Quy chế quản lý hoạt động THTT ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg (ngày 24.3.2011) của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía người tiêu dùng, thì khách hàng của K+ hay VTVcab, SCTV, HTVC, HCT... đều bị thiệt thòi. Phía K+ cho biết, trong tuần này và tuần tới có thể có một số kênh nữa được tiếp tục khôi phục phát sóng, song không thể xác nhận được đến thời điểm nào thì số kênh trên mới được khôi phục hoàn toàn.

+ Bộ GD-ĐT “bó chân” báo chí

Dư luận cho rằng việc Bộ GD-ĐT chỉ đạo báo chí phải trao đổi với cơ quan chức năng trước khi đăng thông tin liên quan đến tiêu cực trong thi cử là biểu hiện của sự bưng bít và không thể chấp nhận. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 20-5, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp pháp của văn bản 2998/2013 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký, gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. TS Lê Hồng Sơn cho biết sau khi những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở thị trấn Đồi Ngô (Bắc Giang) bị phát giác, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi đáng kể trong việc kiểm soát, ngăn chặn tiêu cực trong thi cử.  Tuy nhiên, văn bản gần đây lại cho thấy Bộ GD-ĐT rất thích ban hành các quy định với “mong muốn” giấu giếm các dấu hiệu, hành vi tiêu cực.


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội vừa tổ chức giới thiệu Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) TP Hà Nội năm 2013 nhằm lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp (DN) CNTT trên địa bàn. Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, UBND TP Hà Nội lần lượt ban hành hai quyết định phê duyệt kế hoạch về phân bổ kinh phí, kế hoạch về ứng dụng CNTT trong CQNN Hà Nội. Theo đó, năm nay TP dành 29,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và 150 tỷ đồng từ ngân sách thành phố chi cho ứng dụng CNTT của các sở, ban, ngành, quận, huyện nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng xây dựng cơ quan điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong CQNN… Thành phố đề ra mục tiêu cụ thể về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có tỷ lệ kết nối mạng nội bộ tại UBND xã, phường, thị trấn với mạng diện rộng của thành phố; bổ sung máy tính phục vụ cán bộ, công chức. Việc đầu tư cho hạ tầng trước hết là phục vụ hoạt động nội bộ của CQNN, là cơ sở để phục vụ người dân và DN, tạo môi trường giao dịch điện tử giữa công dân, DN với CQNN.

+ Việt Nam chậm chuyển đổi sang IPv6

Nguồn địa chỉ Internet thế hệ thứ tư (IPv4) của Việt Nam đã được khai thác cạn, buộc các doanh nghiệp và tổ chức phải chuyển đổi sang nguồn địa chỉ thế hệ thứ 6 (IPv6). Song sự chuyển đổi này đang diễn ra khá chậm chạp. IPv6 (Internet Protocol Version Six) là giao thức để xác định địa chỉ của một máy tính bất kỳ trên Internet, được dùng để thay thế cho kho địa chỉ Internet IPv4 đã cạn kiệt. Địa chỉ Internet thế hệ mới này có thiết kế chiều dài 128 bit, cho khả năng đánh số địa chỉ Internet lên tới con số gần như vô hạn. Báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho thấy, tính đến 12-2012, đã có 33 tổ chức trong nước được cấp địa chỉ IPv6. Hầu hết các tổ chức tham gia đều là các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng Internet (ISP) trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối và nhà cung cấp nội dung đều đang đứng ngoài cuộc chơi. Điều đáng chú ý là VNNIC đã làm một cuộc khảo sát nhỏ gửi đến 54 doanh nghiệp cỡ lớn về ứng dụng IPv6 nhưng kết quả chỉ có 22 doanh nghiệp phản hồi. Trước những hạn chế đó, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng Việt Nam nên chạy song song cả hai giao thức IPv4 và IPv6 là cách thức đầu tư hiệu quả và hợp lí nhất hiện nay.

+ Phủ sóng Wi-Fi toàn Đà Nẵng trong tháng 5/2013

Với chiến lược trở thành thành phố thông minh và phục vụ nhu cầu truy cập thông tin cho người dân và khách du lịch, TP. Đà Nẵng đầu tư 1 triệu USD lắp đặt hệ thống phát sóng Wi-Fi miễn phí trên toàn địa bàn…Sáng hôm nay (23/5), Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, dự án phủ sóng Wi-Fi miễn phí tốc độ cao nhằm phục vụ cho việc cập nhật thông tin cũng như truy cập mạng của người dân cùng khách du lịch đang được triển khai lắp đặt thiết bị với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 triệu USD và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 5/2013. Dự án đang triển khai lắp đặt 170 bộ phát sóng Wi-Fi. Các bộ phát sóng này được lắp đặt trên các cột đèn chiếu sáng tại các khu vực công cộng, các trường đại học, điểm du lịch và 29 sở, ban, ngành trên toàn địa bàn. Đây là thành phố thứ 3 trong cả nước sau Hội An (Quảng Nam) và Hạ Long (Quảng Ninh) phủ sóng Internet không dây phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.


  VIỄN THÔNG

+ Nga muốn đầu tư cung cấp hạ tầng 4G ở Việt Nam

Tập đoàn Alltech Telecom của Nga bày tỏ nguyện vọng đầu tư tại Việt Nam trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông thế hệ mới 4G. Từ ngày 12/5 đến 17/5/2013 Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tham gia đoàn Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A. Medvedev và Thủ tướng Cộng hòa Belarus M.V. Myasnikovich. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tham dự các buổi hội kiến, hội đàm giữa Thủ tướng với Lãnh đạo cấp cao của 2 nước, đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sĩ vô danh và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Maxcova, thăm tỉnh Kaliningrat, dâng hoa tại Quảng trường Chiến thắng tại Thủ đô Minsk và tham quan các cơ sở kinh tế, văn hóa, lịch sử của Nga và Belarus. Tại Belarus, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

+ TP HCM tổng thanh tra thuê bao di động trả trước

Đầu tháng 6, cơ quan chức năng thanh tra các nhà mạng đang hoạt động tại TP HCM về quản lý thuê bao di động trả trước, dự kiến kéo dài hơn 3 tháng. Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cho biết, có 6 nhà mạng nằm trong đợt thanh tra, quá trình này có thể diễn ra đến tháng 9. Theo đó, các trung tâm, chi nhánh, đại diện, đại lý phân phối sim trả trước, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao... đều bị rà soát gắt gao. Cuộc kiểm tra tập trung vào các nội dung như: khuyến mãi của nhà mạng, quy trình đăng ký thông tin thuê bao, hủy đăng ký thông tin sim nếu sau 72 giờ người dùng không kích hoạt, tính chính xác của thông tin người đăng ký...Lâu nay, quản lý thuê bao di động trả trước luôn làm đau đầu cơ quan chức năng. Từ đầu năm nay, khách hàng khi hòa mạng thuê bao trả truớc phải trả tiền như trả sau, mức áp dụng với thuê bao trả truớc là 25.000 đồng, trong khi đó mức hòa mạng thuê bao trả sau vẫn giữ nguyên 35.000 đồng như cũ. Đây là biện pháp mạnh của cơ quan chức năng nhằm hạn chế tình trạng sim rác.

+ Viễn thông Bạc Liêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

Có thể nói, trong một vài năm qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước nói chung,  Bạc Liêu nói riêng vẫn còn không ít khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên viễn thông (VNPT) Bạc Liêu đã chủ động, tích cực vượt lên mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu cao. Bên cạnh đó, VNPT Bạc Liêu luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Tập đoàn VNPT Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu và sự ủng hộ, hợp tác, tín nhiệm cao của đông đảo khách hàng gần xa. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2012 đến nay, VNPT Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới về mọi mặt, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, quan tâm chăm sóc khách hàng, coi khách hàng thật sự là "thượng đế", bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Ðó là yếu tố quyết định giúp đơn vị mấy năm qua vươn lên khá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khẳng định thương hiệu "VNPT Bạc Liêu"... Ðể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, Ðảng ủy, Ban Giám đốc VNPT Bạc Liêu phát động các phong trào thi đua trong toàn thể CBCNV-NLÐ, quyết tâm giữ vững vai trò chủ lực về viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua, quyết tâm góp phần xứng đáng cùng với Tập đoàn VNPT Việt Nam giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng...

+ Bí mật cuộc chiến OTT từ kết quả điều tra 3G

Chất lượng 3G ở Việt Nam không “như mơ” nên những ứng dụng nhắn tin miễn phí chỉ dựa vào môi trường 3G hoặc Wifi sẽ không đáp ứng được nhu cầu di động mọi lúc, mọi nơi của người dùng. Theo kết quả cuộc điều tra về 3G do báo Bưu điện và công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Nielsen thực hiện gần đây, gần một nửa số người dùng Việt được điều tra không hài lòng về tốc độ 3G. Trong số đó, có 19% tỏ ra “rất không hài lòng” về tốc độ 3G trong nước. Trong khi đó, Zalo - sản phẩm OTT thuần Việt, được tối ưu hóa với hạ tầng mạng trong nước. Hiểu được những đặc thù của hạ tầng mạng di động nội địa, ứng dụng nhắn tin Việt hoạt động tốt ngay cả khi tốc độ 3G không cao, thậm chí còn chạy ổn định trên cả môi trường mạng di động 2G và 2,5G. Nhờ đó, sản phẩm trong nước hoạt động tốt ở mọi lúc, mọi nơi với mọi môi trường mạng viễn thông (2G-2,5G-3G-Wifi) và là một sản phẩm nhắn tin miễn phí trên di động đúng nghĩa (vùng phủ sóng rộng khắp). Khi Zalo trở thành OTT đầu tiên đạt mức 2 triệu người dùng – không ít chuyên gia trong lĩnh vực này cũng ngạc nhiên bởi họ băn khoăn về lý do sản phẩm trong nước lại có thể vượt ứng dụng ngoại một cách ngoạn mục như vậy. Tuy nhiên, với kết quả điều tra về độ hài lòng của người dùng về 3G ở Việt Nam, bí mật của cuộc chiến OTT nội – ngoại đã được hé lộ.

+Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viettel

Xây dựng Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thành đơn vị kinh tế quốc phòng mạnh, năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh và cơ cấu hợp lý, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đó là mục tiêu của tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2013-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án tái cơ cấu, ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Viễn thông Quân đội gồm: Viễn thông; công nghệ thông tin; phát thanh, truyền hình; bưu chính, chuyển phát; nghiên cứu, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông. Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tài chính để triển khai nhiệm vụ được giao, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án này để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

Tin bài liên quan:

- Phê duyệt tái cơ cấu Tập đoàn viễn thông quân đội

- Viettel sắp phải thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn

- Sẽ tái cơ cấu Tập đoàn Viettel

+ Viettel tiết lộ doanh thu và vốn đầu tư tại nước ngoài

Nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận tại các mạng viễn thông của Viettel ở nước ngoài hiện như thế nào?...Tại hội nghị tổng kết năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đến năm 2012 đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%. Số doanh thu trên được Viettel thực hiện tại 7 thị trường mà tập đoàn đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 4 thị trường đã kinh doanh, còn lại đang ở giai đoạn triển khai đầu tư, xây dựng. Đến hết 2012, theo Tổng giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân, tập đoàn này đã chuyển 84 triệu USD về nước. Trong đó, được biết, chiếm tỷ trọng phần lớn là thị trường Camphuchia. Viettel dự kiến, năm 2013 sẽ chuyển về nước 150 - 160 triệu USD từ bốn thị trường đã kinh doanh gồm Campuchia, Lào, Mozambique và Haiti

+ Nghịch lý 3G

Cách đây 3 năm, khi nói đến 3G, số đông người dân ngơ ngác. Nhưng, sau thời điểm khai sinh 2011 chỉ 1 năm, số khách hàng dùng mạng này đã tăng gấp 5 lần. Chưa thể đưa ra số liệu thống kê 2013 nhưng, theo nhận định của ngành chuyên trách, số lượng khách hàng sử dụng 3G vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong năm nay. Số lượng khách hàng tăng lên gấp 5 lần, ở mức kỉ lục nhưng chất lượng thụt lùi, đó là "sự thật trọn vẹn” của 3G, tự nó tạo ra nghịch lí trong quá trình phát triển. Năm 2012 so với 2011, lượng khách hàng tăng 5 lần, còn chất lượng thì ngược lại, chỉ sau 1 năm giảm từ 71 điểm chỉ còn 64 điểm. Riêng tốc độ đường truyền của các nhà mạng chỉ được người tiêu dùng chấm điểm ở mức 55/100 điểm. Sự thật đó cho thấy, quá trình phát triển dịch vụ 3G tạo ra sự khập khiễng quá lớn giữa chạy theo số lượng khách hàng với chất lượng phục vụ. Kinh doanh kiểu đó dẫn đến hệ quả ngược chiều: các nhà mạng hưởng lợi lớn, khách hàng bị thua thiệt không nhỏ. Tác dụng cũng như giá trị đích thực của 3G là hoàn toàn không phải như vậy. Chừng nào dịch vụ 3G (cũng như sản phẩm hàng hóa nói chung) bị lạm dụng biến thành cơ hội thu lợi cho doanh nghiệp thì sẽ còn xảy ra nghịch lí trong quá trình hoạt động kinh doanh.


  BƯU CHÍNH

+ 2013: Bưu điện sẽ tiếp tục chuyển sách tới cơ sở xã, phường

Dự kiến thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục được giao đảm trách việc chuyển phát khoảng 100 đầu sách thuộc “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” năm 2013 tới các địa chỉ nhận sách trên toàn quốc. Ban Tuyên giáo Trung ương và NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật vừa tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” năm 2012. Đây là năm thứ hai Đề án được Ban Bí thư cho triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc. Theo Hội đồng chỉ đạo Đề án, ngày 28/11/2012 Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra quyết định triển khai “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” năm 2012 gồm 87 đầu sách, gồm 86 đề tài sách và 1 đĩa CD-ROM. Để sách của Đề án được gửi kịp thời, đúng đối tượng, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật đã ký hợp đồng đặt hàng Công ty Phát hành Báo chí Trung ương (PHBCTƯ) đảm nhiệm việc gửi sách thuộc Đề án tới các tỉnh, thành ủy; quận, huyện ủy; trung tâm bồi dưỡng chính trị và thư viện cấp huyện; và đảng ủy xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh,TP. Đại diện Công ty PHBCTƯ cho biết, triển khai kế hoạch của Đề án năm 2012, thời gian qua, Công ty đã phối hợp với các Bưu điện tỉnh,TP đóng gửi 3 đợt sách gồm 75.381 bộ của 86 đầu sách cùng 1 đĩa CD (với tổng số 2.251.685 cuốn và 25.127 đĩa CD) chuyển phát tới 41.898 lượt địa chỉ trong cả nước.

+ Thương mại điện tử: Bưu chính chưa biến cơ hội thành "bàn thắng"?

Các doanh nghiệp (DN) bưu chính trong nước tham gia vận chuyển, phát hàng và thu hộ tiền cho website thương mại điện tử (TMĐT) từ khá sớm. Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai, doanh thu, lợi nhuận từ mảng dịch vụ này của các DN bưu chính vẫn rất “khiêm tốn”. Trao đổi với ICTnews về việc tham gia làm thương mại điện tử, đại diện lãnh đạo các DN giàu kinh nghiệm trong ngành bưu chính như VietnamPost, ViettelPost, Kerry TTC Express (trước là Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành), Netco, SaigonPost… đều có chung nhận định, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ICT và TMĐT chính là cơ hội, vận hội lớn cho các DN bưu chính chuyển phát phát triển, gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Ông Lương Ngọc Hải - Tổng giám đốc ViettelPost khẳng định, ICT càng phát triển, các giao dịch TMĐT càng sôi động thì cơ hội cho các DN bưu chính chuyển phát sẽ càng nhiều. Do đó, hiệu quả đạt được của các DN bưu chính trong mảng dịch vụ này vẫn bị đánh giá là khá “èo uột”. Được biết, liên tiếp trong 2 năm 2011, 2012, Bưu điện TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị VietnamPost có giải pháp giải quyết tình trạng chậm thanh toán tiền thu hộ cho các khách hàng là website bán hàng trực tuyến.

 

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp báo chí viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như độc giả có thông tin toàn diện, nhiều chiều. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

 

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top