Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần thứ 34 (từ ngày 18-24/8/2012)

Thứ sáu, 24/08/2012 16:23

Thông tin được đăng tải trên rất nhiều báo trong tuần này là yêu cầu của Bộ TT&TT đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, các Sở TT&TT và các đơn vị thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Bên cạnh đó còn có rất nhiều tin, bài về hoạt động của ngành.

img
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

LĨNH VỰC VIỄN THÔNG

Chấm dứt thuê bao di động trả trước không đăng ký
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 2128/BTTTT-CVT gửi các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu triển khai thực hiện quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.
Theo nội dung công văn, thời gian qua, Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012, quy định về quản lý thuê bao di động trả trước đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực đối với hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước.
Công văn này được triển khai nhằm nâng cao và tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước, đặc biệt đối với hoạt động phân phối SIM thuê bao, đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước theo đúng quy định tại Thông tư 04.
Thông tin này được nhiều báo đăng tải: Sẽ “trảm” hàng loạt thuê bao di động không đăng ký; Sắp thanh tra diện rộng về đăng ký thuê bao trả trước; Kiến nghị quản lý thuê bao di động trả trước như trả sau...

Viettel, MobiFone đua “xuất ngoại”
Trong thời gian gần đây, giới truyền thông nước ngoài dồn dập đưa tin về hai doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam là Viettel và MobiFone đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, Viettel đầu tư vào tới ít nhất là 4 thị trường gồm: Peru, Đông Timor, Ethiopia, Kenya.
Cơ quan xúc tiến đầu tư tư nhân Peru (ProInversíon) ngày 14/8 thông báo Viettel Peru SAC, chi nhánh của Tập đoàn viễn thông Viettel, đã giành được một hợp đồng mới cung cấp dịch vụ viễn thông tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong một thông cáo báo chí, ProInversíon cho biết Viettel Peru sẽ cung cấp dịch vụ điện thoại di động trên toàn quốc. Sau năm hoạt động đầu tiên, công ty sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ cho ít nhất là 15.000 thuê bao điện thoại di động và sau 5 năm sẽ tăng lên 357.000 thuê bao.
Viettel Peru giành được hợp đồng có giá trị 20 năm này sau khi cam kết cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng miễn phí trong 10 năm cho 718 trường học, cơ sở y tế hoặc trụ sở chính quyền được chọn trong số 830 huyện nghèo nhất Peru.
Tân Hoa Xã cho biết nhằm mở rộng kinh doanh viễn thông vào thị trường Myanmar, gần đây một phái đoàn của VNPT, dẫn đầu là ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT và là Giám đốc công ty VMS MobiFone đã đến Myanmar.
Về vấn đề này, trang thông tin trực tuyến Myanmar là myanmarupdate.com cho biết vào ngày 28/7, VNPT đã có chuyến thăm 4 ngày đến Myamnar để gặp gỡ các đối tác Myanmar trong lĩnh vực viễn thông. Chuyến đi này đánh dấu bước đi đầu tiên của MobiFone trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ra các thị trường nước ngoài.

Tuyến cáp truyền siêu tốc ở châu Á đã hoạt động
Tuyến cáp dữ liệu ngầm dưới biển dài 7.800km nối Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Philippines có khả năng truyền dữ liệu nhanh nhất ở châu Á đã đi vào hoạt động.
Tuyến cáp biển truyền dữ liệu Asia Submarine-cable Express (ASE – cáp ngầm cao tốc châu Á), sử dụng đường trục cáp quang có công suất truyền dữ liệu lên tới 40 gigabit/giây (bạn có thể tải về một DVD phân giải cao trong khoảng hai giây).
Tuyến cáp ASE có tốc độ nhanh hơn 3ms so với bất kỳ tuyến cáp nào khác đang nối giữa Singapore và Tokyo. Chỉ số này tuy nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn đối với các giao dịch tài chính trong khu vực, vốn luôn yêu cầu độ trễ trong giao dịch phải là nhỏ nhất.

Mất hàng chục triệu USD/năm vì "phá giá" điện thoại quốc tế chiều về
Với việc cạnh tranh quá đà bằng cách đua nhau giảm giá cước kết nối của dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, các doanh nghiệp viễn thông đã làm thiệt hại cho đất nước hàng chục triệu USD mỗi năm.
Trước việc những doanh nghiệp viễn thông đua nhau phá giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế (điện thoại quốc tế) chiều về, Bộ TT&TT đã tiến hành nhiều buổi họp và đưa ra các chính sách, văn bản quản lý chặt hơn đối với dịch vụ này. Bộ TT&TT đã ra Công văn số 140/BTTTT-VT ngày 17/1/2011 về tăng cường quản lý dịch vụ viễn thông quốc tế trong đó yêu cầu: cung cấp dịch vụ VoIP chiều về trên cơ sở giá thành; nghiêm cấm bán phá giá, bù chéo, kinh doanh lậu lưu lượng và thực hiện nghiêm túc cơ chế báo cáo, đặc biệt với doanh nghiệp có thị phần khống chế.
Tháng 3/2011, Bộ TT&TT ban hành tiếp Công văn số 559/BTTTT-VT về thông báo giá thông thường và tỷ lệ % xác định việc phá giá thanh toán dịch vụ VoIP quốc tế chiều về, theo đó giá bán thông thường là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent) và các doanh nghiệp nếu bán thấp hơn 15% so với mức giá này thì được xem là phá giá. Quy định này được áp dụng từ tháng 4/2011. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng đã có cam kết với nhau để giữ mức giá này.
Thế nhưng, theo phản ánh của các doanh nghiệp viễn thông thì mức giá trên chỉ được các doanh nghiệp tuân thủ trong khoảng 2 tháng, sau đó cuộc chiến giảm giá cước kết nối quốc tế chiều về bắt đầu tái diễn. Lý do dẫn tới việc phá giá được cho là vì các doanh nghiệp không chia được hạn mức (quota) và bất đồng trong quan điểm về cách thức quản lý hệ thống giám sát lưu lượng VoIP quốc tế chiều về. Bên cạnh đó, các nhà khai thác quốc tế liên tục gây sức ép bằng nhiều hình thức dẫn tới một số doanh nghiệp không giữ được giá và hạ giá liên tục.

Mạng di động đầu tiên của VN cung cấp dịch vụ điện thoại trên máy bay
Để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ chuyển vùng cho thuê bao trả sau VinaPhone, Công ty Dịch vụ Viễn thông (VinaPhone) đã triển khai cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng khi đang bay trên một số tuyến bay quốc tế.
Cụ thể, để gọi điện, nhắn tin trên máy bay, khách hàng không cần phải đăng ký riêng cho dịch vụ mà chỉ cần mở dịch vụ chuyển vùng quốc tế trước khi ra nước ngoài như trước đây. Ở trên các chuyến bay có dịch vụ chuyển vùng quốc tế, khách hàng sẽ được phi hành đoàn thông báo để có thể mở máy điện thoại di động và sử dụng bình thường. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hàng không, khách hàng vẫn phải tắt điện thoại trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh. Trước mắt, dịch vụ mới chỉ cung cấp cho thuê bao trả sau.
Giá cước khách hàng phải trả khi sử dụng điện thoại trên máy bay tương ứng với 0,82 USD/SMS (nhận tin nhắn miễn phí), gọi đi tất cả các hướng (bao gồm Việt Nam) là 4,3 USD/phút, cước nhận cuộc gọi là 99.000 đồng/phút (chưa bao gồm phụ thu).
Hiện, dịch vụ thoại, SMS trên máy bay được VinaPhone triển khai trên hàng trăm chuyến bay quốc tế của Hãng hàng không, trong đó có Emirates, Malaysia Airlines, Hong Kong Airlines, Singapore Airlines, Air New Zealand, British Airways, Etihad Airways (UAE), Libyan Arab Airlines, EgyptAir, Oman Air, Qatar Airways, Royal Jordanian Airlines (Jordan), Saudi Arabian Airlines, TAM (Brazil).


LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Triển lãm “CNTT hướng đến chính quyền điện tử”
Tối 23/8, “Triển lãm sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông phục vụ phát triển, kết nối và thu hẹp khoảng cách số hướng đến chính quyền điện tử” đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.
Đây là hoạt động nằm trong hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam lần thứ 16 do tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức.
Tham gia hội chợ-triển lãm lần này có 38 đơn vị với 60 gian hàng giới thiệu những sản phẩm, giải pháp về công nghệ thông tin-truyền thông đáp ứng nhu cầu trong quản lý, cải cách hành chính nhà nước, quản lý sản xuất và ứng dụng trong đời sống dân sinh.

Khuyến khích cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT
Quy định khuyến khích cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT sẽ tháo gỡ những bất cập khi sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước và mở rộng thị trường, doanh thu cho các doanh nghiệp CNTT.
Sáng ngày 22/8/2012, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì cuộc họp với các Vụ, Cục liên quan về việc ban hành quy định chính sách đối với hoạt động sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, các hạng mục đầu tư về phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu,… trong các cơ quan Nhà nước thường chỉ được thực hiện đầu tư một lần ban đầu. Chi phí duy trì vận hành giao cho các đơn vị rất ít, thậm chí trong dự án đầu tư ban đầu còn không tính tới việc này, trong khi hàng năm đều phải có chi phí cho việc cập nhật, sửa đổi phần mềm, phí bản quyền (license), phí dịch vụ vận hành, duy trì hệ thống ứng dụng CNTT hàng năm… Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT không thể “làm không công” mãi vì bản chất của doanh nghiệp là phải có doanh thu, lợi nhuận mới có vốn để tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Và nhiều cơ quan Nhà nước đã phải xoay sở tìm cách để có tiền chi cho khoản phí duy trì dịch vụ này.
Vụ CNTT đang tích cực xây dựng Nghị định về dịch vụ CNTT, trong đó có một chương riêng về việc sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước, dự kiến sẽ nêu rõ tiêu chí xác định các dịch vụ khuyến khích thuê ngoài và danh mục dịch vụ CNTT khuyến khích thuê ngoài (gồm thiết bị như máy tính, máy chủ, mạng; phần mềm; hệ thống ứng dụng kết hợp cả phần cứng và phần mềm…).
“Trong khi Nghị định về dịch vụ CNTT chưa được Chính phủ phê duyệt ban hành, Vụ CNTT dự kiến đề xuất xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Quy chế tạm thời cho đầu tư dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước”, ông Đường cho biết thêm.

Công nghệ vi mạch VN: Cạnh tranh với các cường quốc - viển vông
Một ngành đòi hỏi sự tinh vi, nhiều vốn và nguồn chất xám hùng hậu như công nghệ vi mạch, lại đi sau thế giới vài ba chục năm mà đặt tham vọng cạnh tranh với những quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… là quá viển vông.
Tại “Hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch” diễn ra tại TPHCM trong hai ngày 23-24.8, ông Ngô Đức Hoàng - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM - đã thẳng thắn: “Hãy quên đi tham vọng đó”.
Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận về chủ trương thực hiện “Chương trình phát triển vi mạch trên địa bàn TPHCM”. Cấu thành chương trình gồm 4 đề án (đào tạo nguồn nhân lực; vườn ươm DN; thiết kế và sản xuất thử nghiệm; quảng bá và mở rộng thị trường) và hai dự án (trung tâm thiết kế và nhà máy chế tạo chip). Trong đó, dự án nhà máy chế tạo chip là tâm điểm chú ý, bởi theo dự kiến sẽ “ngốn” đến 200 triệu USD. Thế nhưng với số tiền này cũng chỉ đủ mua lại một dây chuyền công nghệ cũ (180 nanomet), công suất 300 triệu chip/năm.
ông Ngô Đức Hoàng - một thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình  - giãi bày: “Nhà máy chúng ta đầu tư chỉ đủ cho công nghệ thường thường. Chúng tôi chỉ dám đặt ra những mục tiêu khiêm tốn đạt từ 100-150 triệu USD về giá trị chứ không dám tham vọng quá lớn. Sẽ là viển vông khi cạnh tranh với những tên tuổi như Intel…”.
Mike Holt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Singapore - cho rằng: “Có thể phát triển nhiều sản phẩm mà không cần công nghệ tối tân nhất hiện nay. Vấn đề cơ bản là định hướng được sản phẩm cho thị trường”. Theo ông, dùng công nghệ 180 nanomet nhưng nếu tạo ra sự khác biệt về thị trường và sản phẩm, thì vẫn có cơ hội phát triển tốt.

Ứng dụng CNTT có hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền tài chính điện tử
Đó là chủ đề chính của Hội nghị Tin học - Thống kê tài chính lần thứ 4 do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (23/8), tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Tài chính; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam và đại diện các đơn vị CNTT tại các Cục, Tổng cục, Sở Tài chính địa phương trên cả nước.
Theo Ban Tổ chức, Hội nghị lần này nhằm tổng kết đánh giá công tác triển khai ứng dụng CNTT và thống kê tài chính giai đoạn 2006 - 2011 trong toàn ngành, đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là diễn đàn trao đổi về các nội dung, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT thống kê một cách đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý tài chính của Bộ Tài chính và của các cơ quan tài chính địa phương.
Liên quan đến nội dung này có bài "Cán bộ tin học chỉ hơn anh… loa đài!?"

Mật khẩu tiếng Việt - 1 trong 3 loại mật khẩu dễ đoán nhất trên thế giới
Mật khẩu tiếng Việt là 1 trong 3 loại mật khẩu dễ đoán nhất (sau tiếng Indonesia và Italia), với hơn 14% tài khoản bị lộ mật khẩu sau 1000 lần phân tích từ điển tiếng Việt và 7,8% số tài khoản bị lộ mật khẩu sau khi phân tích bằng từ điển chung toàn cầu.
Đây là một nghiên cứu của nhà khoa học máy tính Joseph Bonneau, Đại học Cambridge dựa trên 1000 lần phân tích của 69,3 triệu tài khoản người sử dụng Yahoo ẩn danh.
Các ngôn ngữ dễ đoán sau ngôn ngữ tiếng Việt là Hy Lạp 7,6%, Tây Ban Nha 6,9%, Bồ Đào Nha 5,1%, Pháp 5%, tiếng Anh 4,9%, Đức 3,5%, Hàn Quốc, Trung Quốc 2,9%.

Thegioididong.com lại bị phạt vi phạm bản quyền phần mềm
Cục Quản lý Thị Trường vừa bất ngờ thanh tra bốn cửa hàng thuộc hệ thống chuỗi bán lẻ điện thoại di động và máy tính Thế giới Di động (TGDĐ) tại Hà Nội và phát hiện một số máy tính xách tay tại đây được cài đặt phần mềm Microsoft không có bản quyền.
Thông tin từ Cục Quản lý Thị trường cho biết, đây là lần thứ 2 chuỗi siêu thị TGDĐ bị phát hiện sử dụng phần mềm không được cấp phép của Microsoft để cài đặt vào máy tính và bán cho khách hàng. Trong đợt kiểm tra tháng 8/2011, TGDĐ cũng bị phát hiện và xử phạt do vi phạm bản quyền phần mềm.
Kết quả đợt thanh tra ngày 19/7 cho thấy bốn cửa hàng của hệ thống TGDĐ tại 33 Quang Trung, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh;11A Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa; 753 Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và 215 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội đều có các máy tính xách tay có thương hiệu và model: Lenovo B470e, Lenovo V470c, HP 4430s và Acer Aspire 4560 cài đặt sẵn các phiên bản dùng thử của hệ điều hành Windows 7 Home Basic, Window 7 Ultimate; bộ Microsoft Office Enterprise 2007 và Microsoft Office 2010 Starter Edition không được cấp phép.
TGDĐ đã thừa nhận hành vi vi phạm bản quyền phần mềm của mình trong biên bản thanh tra do Cục Quản lý Thị trường lập tại thời điểm thanh tra.


BƯU CHÍNH

Phạt 3 DN kinh doanh dịch vụ bưu chính "chui"
Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 8/2012, đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ bưu chính khi chưa có giấy phép, chưa được xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, với tổng số tiền phạt là 60 triệu đồng.
Ba DN tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính vừa bị Thanh tra Bộ TT&TT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là: Công ty CP Đầu tư và Thương mại Nam Đế, có trụ sở tại 21 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín, trụ sở tại 52 ngõ 45 Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Hà Nội; và Công ty Thương mại và Vận chuyển ASICO, đặt trụ sở tại số 23 ngõ 111 Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo quyết định của Thanh tra Bộ, Công ty Nam Đế bị xử phạt 10 triệu đồng vì đã có các hành vi: kinh doanh dịch vụ gói, kiện hàng hóa khi không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính và làm đại lý cho các DN bưu chính mà không có hợp đồng đại lý, vi phạm điều 16 và 17 của Nghị định số 58/2011/NĐ-CP (Nghị định 58) ngày 8/7/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính.
Đối với Công ty Việt Tín và ASICO, cả 2 DN này đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là 25 triệu đồng do đã thực hiện các hành vi cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đến 2 kg khi không có giấy phép bưu chính; kinh doanh dịch vụ gói, kiện hàng hóa khi không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Những hành vi trên của Việt Tín và ASICO đã vi phạm vào các điều 15, 16 của Nghị định 58.


XUẤT BẢN

Lúng túng với sách điện tử
Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về hoạt động xuất bản điện tử đã thu hút nhiều ý kiến xoay quanh chuyện làm sách điện tử - một lĩnh vực còn mới mẻ với ngành xuất bản Việt Nam.
Hội nghị do Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - Văn phòng Quốc hội tổ chức tại TP.HCM sáng 22-8
So với Luật xuất bản năm 2004, dự thảo Luật sửa đổi lần này dành nguyên chương V gồm 11 điều để nói về xuất bản điện tử. Điều này cần thiết cho quá trình hội nhập của Việt Nam với các nước về xuất bản và văn hóa đọc.
Do chưa xác định đặc thù tồn tại của xuất bản phẩm điện tử (sau đây gọi tắt là sách điện tử), nên cách hiểu việc làm ra, xuất bản, phát hành sách điện tử cũng còn nhiều chỗ chưa sát với thực tế. Bàng bạc trong các điều luật là cách hiểu sách điện tử chính là những gì đọc được trên mạng Internet, trong khi Internet chỉ là một trong số môi trường có thể phát hành sách điện tử.
Và có lẽ một quy trình chuẩn cho việc sản xuất, xuất bản và phát hành một bản sách điện tử chắc chắn phải được công bố để mọi người cùng hiểu đúng luật. Bởi lẽ sách điện tử có những đặc thù khác với sách in truyền thống, chẳng hạn với sách in khâu xuất bản được đánh dấu bằng việc nhà xuất bản ký quyết định xuất bản (giấy phép), và số giấy phép được in lên khung lưu chiểu của bản sách in. Nhưng với sách điện tử, hành vi đánh dấu cho sự xuất bản là như thế nào và giữ vai trò gì trong quy trình làm sách điện tử?

Bát nháo thị trường sách điện tử
Sau gần 1 năm chập chững thăm dò thị trường nội địa, sách điện tử (ebook) đã dần quen thuộc với nhiều độc giả. Song, từ đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết…
Không phải ngẫu nhiên mà dự thảo luật Xuất bản 2012 sửa đổi đã được đề xuất thêm nội dung xuất bản phẩm điện tử và nhận định đây là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này. Sở dĩ sách điện tử (SĐT) được chú ý bởi suốt thời gian qua, rất nhiều các đơn vị xuất bản như Nhã Nam, Đông A, Trẻ, Trí Việt, Chibooks… đều phàn nàn vì nhiều SĐT của họ bị làm lậu, trắng trợn phát tán rộng rãi trên hàng chục trang web và diễn đàn như www.e-thuvien.com/forums, www.360-books.com, www.vnthuquan.net, www.ebook4u.vnwww.ebook.edu.vn... thu hút khoảng 500.000 thành viên, được phép tải miễn phí hoặc trả phí mỗi lượt tải cho tất cả SĐT được đưa lên (với giá khoảng vài ngàn đồng/lần). Điều đó có nghĩa hàng trăm ngàn người đã sử dụng trái phép sản phẩm sách của các đơn vị xuất bản trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách, còn đối tượng thu lời chính là chủ những trang web này.
Cùng sự thịnh hành sử dụng các công cụ đọc SĐT trên máy tính bảng như iPad, Kindle…, nhiều đơn vị bán các sản phẩm trên đang ra sức “dụ” người mua bằng chiêu tặng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn SĐT miễn phí khi mua máy tính bảng. Việc tặng kèm này đã khuyến khích người tiêu dùng tích cực sử dụng công nghệ và dần hình thành thói quen đọc SĐT. Tuy nhiên cũng có không ít công ty bán sản phẩm tặng kèm cả SĐT lậu do dễ tải từ mạng và khan hiếm SĐT có bản quyền. Thị trường phát hành SĐT ở nước ta vẫn được nhận định trong cảnh nhá nhem, không có rào luật quy định và bảo hộ chính thức.

BBT tổng hợp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top