Điểm tin nổi bật về thông tin và truyền thông tuần từ 20/12 đến 24/12/2010

Thứ sáu, 24/12/2010 14:16

Tuần áp chót năm 2010 nở rộ các tin điểm các sự kiện nổi bật của năm như việc Bộ TT&TT công bố 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực TT&TT năm 2010, Báo giới bình chọn 10 sự kiện CNTT, Những dấu mốc của viễn thông Việt Nam 2010. Bên cạnh đó là sự kiện IT Week lần thứ 19 và các tín hiệu tốt cho vấn đề an toàn an ninh mạng như Bkav nằm trong danh sách 10 phần mềm diệt virus hàng đầu, Google thêm tính năng cảnh báo website độc hại…

img
Ông Nguyễn Trọng Phát - Chánh văn phòng Bộ TT&TT công bố 10 sự kiện nổi bật TT&TT năm 2010
Bộ TT&TT công bố 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2010.
Các báo đồng loạt đưa tin 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2010 được Bộ TT-TT chọn năm nay:
1.Đề án được “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”
2. Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua
3. Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” được Quốc hội thông qua
4. Doanh nghiệp viễn thông trở thành các doanh nghiệp đứng hàng đầu Việt Nam về nộp thuế
5. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh internet, game online
img
6. An toàn thông tin trở thành vấn đề cấp thiết, sống còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp
7. Hội chợ Sách quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay
 8. Lần đầu tiên Cộng đồng ASEAN tổ chức Liên hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự
9. Lần đầu tiên Hội Báo xuân được tổ chức tại Paris (Pháp)
10. Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39
img
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU cho em Hồ Thị Hiếu Hiền.
  
IT Week lần thứ 19
Nhiều báo đã đưa tin về IT Week lần thứ 19 diễn ra trong hai ngày từ ngày 22-23/12/2010 tại Trung tâm giao dịch CNTT Hà Nội (185 Giảng Võ). IT Week là sự kiện CNTT lâu đời nhất ở Việt Nam. Sau 19 lần tổ chức, năm nay là lần đầu tiên Tuần lễ Tin học Việt Nam (IT Week) không có triển lãm và giải cúp vàng CNTT-TT Việt Nam. IT Week năm nay có 3 hoạt động chính là buổi tọa đàm giữa Bộ TT&TT với các hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT; hội nghị giữa các trường đại học và cao đẳng bàn thảo về những đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT; và tọa đàm giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Hoa Kỳ.
 img
Công bố Vietnam ICT Index 2010
Trong khuôn khổ sự kiện IT Week, ICT Index 2010 được công bố. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Index 2010 được Hội Tin học Việt Nam và Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT phối hợp khảo sát và công bố.  Về việc xếp hạng ứng dụng CNTT, đứng đầu vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đứng đầu khối tỉnh thành là Thành phố Đà Nẵng. Năm 2010, khối doanh nghiệp lớn chứng kiến sự thăng hạng của Tổng Công ty Thép VN và trong khối Ngân hàng thương mại thì Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam tiếp tục dẫn đầu.
 
Báo giới bình chọn 10 sự kiện công nghệ thông tin
Nhiều báo đưa tin, chiều 23/12, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (CLB Nhà báo ICT) đã công bố các sự kiện công nghệ tiêu biểu năm 2010. (http://www.vietnamplus.vn/Home/10-su-kien-tieu-bieu-nganh-thong-tin-truyen-thong/201012/72602.vnplus).
1.Siết chặt quản lý game online, các nhà cung cấp đường truyền phải cắt đường truyền đại lý Internet sau 23 giờ
2. Thủ tướng thông qua Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT
3.
Siết khuyến mãi từ 1/7 tránh nạn "mua sim thay thẻ cào"
4. Hacker tấn công Vietnamnet
5. Các đại gia di động "cắn răng" chia sẻ lợi nhuận với Quả táo khuyết!
6. Thuê bao đăng ký trên 3 SIM/mạng  phải đăng ký lại thông tin
7. FPT mua cổ phần của EVN Telecom
8. Viettel đẩy mạnh đầu tư sang thị trường quốc tế
9. CityPhone "hạ cánh" trước thời hạn.
10. SK rút vốn khỏi S-Fone đẩy doanh nghiệp này vào tình trạng khốn khó.
 
Những dấu mốc của viễn thông Việt Nam 2010
Theo nhận định của VnMedia năm 2010 một loạt chính sách quản lý đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường viễn thông. 2010 được đánh giá năm hoạt động không kém phần sôi động của Viễn thông Việt Nam với nhiều dấu mốc quan trọng.
Siết khuyến mại: giải quyết nạn mua sim thay thẻ cào
Ngày 14/5/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT quy định về hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động về khuyến mãi trong lĩnh vực di động. Đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, sau gần nửa năm áp dụng, Thông tư 11 đã chứng minh, việc khuyến mại đúng quy định của pháp luật là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều đó mới mang lại lợi ích đích thực cho người dùng.
CDMA ngày càng gặp khó
 Năm 2010, thị trường thông tin di động Việt đã có 7 nhà cung cấp dịch vụ chính thức tham gia với 5 mạng GSM và hai vẫn trung thành với công nghệ CDMA. Tỷ lệ này đã cho thấy phần nào những khó khăn của nhà mạng lựa chọn cung cấp dịch vụ công nghệ CDMA ở thời điểm này. Đầu năm, Sfone đã không tránh khỏi ít nhiều bị lao đao trước việc SK rút vốn khỏi S-Fone. “Đơn thương độc mã” trong cuộc chiến giành thị phần di động khác khốc liệt, đại diện của SPT đã từng tuyên bố công khai tìm đối tác mới để cùng phát triển mạng S-Fone dù việc tìm kiếm đối tác cho S-Fone được đánh giá chắc chắn sẽ không mấy dễ dàng.
Thêm cơ hội cho công nghệ mới
 Tháng 9/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cấp phép thử nghiệm công nghệ tiền 4G LTE cho 5 doanh nghiệp bao gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động tiền 4G (LTE). Thời hạn thử nghiệm trong vòng 1 năm. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép này.
 
Doanh thu viễn thông 2010 ước đạt 200.000 tỷ đồng
Vietnamplus đưa tin, theo số liệu được công bố ngày 23/12/2010 trong "Hội nghị tổng kết Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010” với sự tham gia của 63 Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, năm năm thực hiện quy hoạch, ngành viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 30-40%. Năm 2010, doanh thu toàn ngành viễn thông ước đạt 200.000 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại đạt 162 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 91%; mật độ thuê bao điện thoại đạt 189 máy/100 dân; cả nước có 26 triệu người sử dụng Internet, chiếm 31% dân số ; số thuê bao internet băng rộng đạt 3,7 triệu, chiếm 4,2%.
Việt Nam đã có 11 doanh nghiệp hạ tầng mạng, 81 doanh nghiệp ISP, khai thác có hiệu quả thị trường trong nước và bước đầu mở rộng kinh doanh và đầu tư ra thị trường nước ngoài.
 
Thị trường lịch bloc: Đã kiểm soát được lịch lậu?
Về vấn đề thị trường lịch bloc đang "nóng" vào dịp cuối năm, đặc biệt khi báo chí phản ánh người tiêu dùng khu vực phía Nam đang phải mua lịch với giá cao hơn giá bìa, ictnews đã cung cấp một nhận định khác so với các báo đã đăng về chủ đề này trước đó. Theo ictnews, thị trường lịch bloc chỉ có chiết khấu giảm chứ hàng thì không thiếu.
Bà Phạm Thị Hợi, chủ hàng bán luôn lịch tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) cho biết, năm nay tỷ lệ chiết khấu lịch bloc ở các cỡ đều giảm so với năm trước, hầu hết chỉ ở mức 15%. Hiện lịch vẫn còn tương đối nhiều mẫu để lựa chọn và lượng hàng cũng rất sẵn, thoải mái cho khách chọn”.
Theo ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, không thể có chuyện người tiêu dùng phải mua lịch với giá cao hơn giá bìa như đã có tờ báo phản ánh thời gian qua. “Cao nhất thì người dân cũng chỉ phải mua với giá bằng giá bìa. Theo phản ánh từ các địa phương, chưa có nơi nào bán lịch cao hơn giá bìa cho khách hàng”, ông Toàn khẳng định đồng thời cho biết thêm, ngoài các NXB tham gia 4 nhóm liên kết vẫn còn có 5 NXB nằm ngoài nhóm và các đơn vị này hoàn toàn được quyền quyết định số lượng lịch in của mình. Vì thế, không thể có chuyện thiếu lịch nếu nhu cầu của thị trường thực sự tăng hơn so với tính toán ban đầu của các NXB.
Liên kết giảm lịch lậu
Có thể thấy điểm mới của thị trường lịch bloc năm nay là các NXB đã cùng nhau hợp tác để tự thiết kế, in ấn và phát hành lịch thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác tư nhân như trước. Cho đến nay, những phàn nàn cho rằng cơ chế mới này đang dẫn đến tình trạng tăng giá và khan hiếm hàng hầu hết chỉ xuất phát từ phía các doanh nghiệp là đối tác liên kết mà nguyên nhân là do những năm qua họ đã đầu tư khá nhiều cho hệ thống máy móc, thiết bị để in lịch song nay lại không còn quyền thao túng thị trường. Các NXB khá dè chừng trong việc khẳng định tính hiệu quả của phương thức mới bởi theo một giám đốc NXB tham gia nhóm liên kết thì phải chờ đến khi kết thúc vụ lịch mới có thể đánh giá được một cách chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, rõ ràng là các NXB đã và đang nỗ lực để tìm lại vị trí thực sự của mình trong thị trường này.
Một lý giải khác cho việc giảm tỷ lệ chiết khấu lịch năm nay, đó là cơ chế mới đã giúp các NXB kiểm soát tốt hơn số lượng lịch phát hành, hạn chế lượng lịch bị in lậu từ chính những đối tác liên kết.
Cũng theo tính toán thì một xuất bản phẩm phải có số lượng in từ 5.000 bản trở lên mới bắt đầu có lãi, in số lượng càng lớn thì tỷ lệ lãi trên mỗi sản phẩm sẽ càng cao lên. Trong khi đó, việc thu quản lý phí của các NXB lại chỉ dựa vào lượng đăng ký chứ không phải lượng phát hành. Vì vậy, theo phân tích trên của ông Toàn thì cũng không loại trừ một thực tế rằng để tối đa hóa lợi nhuận và với một cơ chế quản lý quá lỏng lẻo trong 4 năm qua, lịch lậu chính là cơ sở cho tỷ lệ chiết khấu khi đến tay người tiêu dùng có lúc lên tới 50% giá bìa. Như vậy về thực chất, không phải người tiêu dùng đang được lợi mà chính là các đầu nậu phát hành lịch đang làm lợi trên “lưng” các NXB.
 
Doanh nghiệp cung cấp phần mềm nguồn mở: “than” thiếu sự hỗ trợ
Theo ICTnews,  Dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm “kích” ứng dụng PMNM trong cộng đồng nhưng lại chưa có nhiều động thái hỗ trợ phát triển, phối hợp với các doanh nghiệp trong phát triển PMNM.
Cho dù đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm tìm kiếm hướng đi cho sự phát triển của PMNM tại Việt Nam, song câu chuyện giúp đỡ, phối hợp với các doanh nghiệp để cùng “chung tay” phát triển PMNM thì vẫn chưa có động thái kết nối hiệu quả.
Để giải quyết được thực trạng nêu trên, thì trước hết Nhà nước phải có một cơ quan chuyên trách, có thể đứng ra làm đầu mối để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PMNM. Đưa ra hướng gợi ý cụ thể, ông Lê Trung Nghĩa - Trưởng ban Thúc đẩy ứng dụng CNTT (Bộ KH&CN) nhấn mạnh: Bộ TT&TT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT cần phải lập cơ quan chuyên trách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đơn vị trực tiếp đứng ra đảm nhận có thể là Cục Ứng dụng CNTT.
 
Bkav nằm trong danh sách 10 phần mềm diệt virus hàng đầu
Theo Lao động, VnMedia, phần mềm diệt virus Bkav vừa lọt vào danh sách 10 phần mềm diệt virus hàng đầu trong bảng xếp hạng của Virus Bulletin. Kết quả được đưa ra từ kỳ kiểm định cuối năm của Phòng thí nghiệm Virus Bulletin (Vương quốc Anh)
Đây là kỳ kiểm định quan trọng nhất trong năm đối với lĩnh vực phần mềm diệt virus. Trong đợt kiểm tra này có 50 phần mềm bảo mật được gửi tới. Phần mềm diệt virus Bkav của Việt Nam đạt điểm RAP 91.3/100, đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng 64 phần mềm tham gia kiểm định, vượt qua các tên tuổi như: Symantec - PC Tools (66.7 điểm), Kaspersky (88.3 điểm), McAfee (64.9 điểm)…
 
Google thêm tính năng cảnh báo website độc hại
Theo Dân trí, Thanh niên, Google mới đây đã cung cấp thêm tính năng cho phép cảnh báo người dùng những trang web đã bị hack hoặc nội dung đã bị thay đổi bởi một bên thứ 3. Đây được xem là động thái để chống lại những tin tặc hack các trang web “chính thống” và chèn vào đó những đoạn mã độc có thể gây nguy hại cho người dùng ghé thăm.
Khi người dùng tìm kiếm và Google phát hiện ra trang web đã bị hack hoặc nội dung bị thay đổi bởi ai đó bên ngoài, một thông điệp hiện ra bên dưới kết quả tìm kiếm: “This site may be compromised”. (“Trang web này có thể đã bị thay đổi”)
Còn trong trường hợp hệ thống cảnh báo của Google phát hiện trang web có chứa malware, thông điệp “This site may harm your computer” (“Trang web này có thể làm hại máy tính của bạn”) sẽ hiện ra ở kết quả tìm kiếm. Khi gặp cảnh báo này, bỏ qua trang web đó là lựa chọn thông minh nhất.
 
Đề nghị phối hợp chống nghiện game online
Theo Tuổi trẻ, Văn hóa, Người lao động, Tiền phong… sáng 18/12, gần 100 đại biểu là giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông, cán bộ quản lý phòng và sở GD-ĐT TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã tham dự hội thảo bàn về công tác phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với học sinh sinh viên do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TP.HCM.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã cho rằng gia đình, cụ thể là các bậc phụ huynh, phải đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh sinh viên chứ không thể đổ lỗi hết cho nhà trường. Nhất là đối với game online, học sinh sinh viên chơi game ở nhà và ở tiệm chứ ít có cơ hội chơi ở trường. Thông tin được công bố tại hội thảo về một cuộc khảo sát do Bộ GD-ĐT thực hiện cho thấy tỉ lệ chơi game online trong ngày thường của học sinh tiểu học tại Hà Nội là 76%, TPHCM 70%; bậc THPT tại Hà Nội là 76,6% và TPHCM 88%.
Website MIC
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top