Giả danh số điện thoại: Coi chừng phạm pháp!

Thứ ba, 13/04/2010 13:26

Trong những ngày gần đây, hiện tượng giả danh số điện thoại gọi đến đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây không đơn thuần là hiện tượng lợi dụng để đùa cợt, mà đằng sau đó có thể là những âm mưu lừa đảo, kiếm tiền bất chính, và thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự riêng tư của người dùng.

img

Giả danh số điện thoại là hiện tượng người gọi sử dụng phương pháp giả mạo số điện thoại gọi đi. Khi đó, số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại của người nhận cuộc gọi có thể là bất cứ số nào, thậm chí là chính số điện thoại của người nhận.

Phạm pháp

Thực ra, hiện tượng giả danh số điện thoại trên thế giới không phải là mới, và trên thực tế nó đã được sử dụng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, tùy theo cấp độ sử dụng, tùy theo đối tượng sử dụng mà nó có bị coi là phạm pháp hay không. Hiện tại, đối với các quốc gia có quy định riêng về trường hợp này thì chỉ có các cơ quan luật pháp, hoặc các nhà điều tra được sự cho phép của tòa án mới được giả dạng số điện thoại nhằm phục vụ cho công tác điều tra.

Ngay tại Mỹ cũng có riêng một đạo luật về vấn đề trên. Tháng 6/2007, Ủy ban Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật coi hành vi giả mạo số điện thoại thuộc diện phạm pháp. Tên đầy đủ của đạo luật này là: “Truth in Caller ID Act of 2007”, trong đó quy định “bất cứ người nào sử dụng bất cứ dịch vụ nhận dạng người dùng nào để chuyển tiếp thông tin gây hiểu nhầm hoặc không chính xác qua bất cứ dịch vụ viễn thông hoặc VoIP nào đều bị coi là phạm pháp”. Tất nhiên, quy định này không áp dụng cho các cơ quan luật pháp.

Ngoài đạo luật trên, Mỹ còn có thêm một dự thảo luật khác cũng với nội dung tương tự - đó là HR251 từng được Hạ viện thông qua nhưng lại không được Thượng viện bỏ phiếu. Và do vậy, dự thảo này chưa bao giờ trở thành luật. Tháng giêng 2009, “Truth in Caller ID Act of 2007” lại được thượng nghị sĩ Bill Nelson đưa ra Thượng viện Mỹ và được đổi thành “Truth in Caller ID Act of 2009”.

Trong khi đó tại Việt Nam, do đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng mạo danh số điện thoại nên vẫn chưa có quy định cụ thể nào về trường hợp này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, vẫn có thể xử phạt người vi phạm theo Nghị định 142/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Ông Hùng cho biết sử dụng phần mềm để mạo danh số điện thoại là phạm pháp bởi nó là hình thức lừa đảo và chiếm dụng tài sản riêng của người khác.

Giả mạo để làm gì?

Có lẽ người ta sẽ có rất nhiều lý do để làm điều này. Đó có thể là đùa chút cho vui, hoặc trêu trọc ai đó. Đó cũng có thể là muốn che dấu tung tích người gọi hoặc địa điểm thực hiện cuộc gọi. Đó cũng có thể là quấy nhiễu hoặc lừa một ai đó, chẳng hạn như giả danh số 113 để gọi đến.

Trong mấy ngày qua, dư luận đang xôn xao về hiện tượng giả mạo số điện thoại di động nhưng chủ yếu với mục đích đùa cợt. Tuy nhiên, sẽ là quá đà và nguy hiểm nếu một kẻ nào đó lợi dụng phương pháp này để lừa đảo. Chẳng hạn có thể giả danh số điện thoại gọi đi từ ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về tài khoản tín dụng. Hoặc kẻ lừa đảo cũng có thể giả cơ quan cấp trên yêu cầu cơ quan cấp dưới phải cung cấp thông tin quan trọng. Nói chung, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, giả danh số điện thoại có thể tạo ra những hệ lụy khó có thể lường.

Trên mạng hiện nay đang có rất nhiều các phần mềm mạo danh người gọi. Ngoài chức năng giả dạng số điện thoại, một số phần mềm còn có thêm chức năng cao cấp hơn, đó là thay đổi giọng nói, thậm chí có thể biến giọng nữ thành giọng nam và ngược lại. Trong số các nhà cung cấp dịch vụ/phần mềm giả danh thông dụng nhất hiện nay phải kể đến SpoofCard, Spoofem, SpoofTel, Telespoof, Itellas, StealthCard, 123spoof, Phonegangster, Thezerogroup, friendCaller và nhiều hãng khác.

Hầu hết phần mềm giả danh của các nhà cung cấp trên đều thực hiện cuộc gọi giả mạo từ môi trường Internet, giống với hiện tượng gần đây tại Việt Nam. Theo BKIS, phần mềm tạo ra các cuộc gọi giả mạo được phát tán trong mấy ngày qua là phần mềm được viết riêng cho điện thoại iPhone. Tuy viết cho iPhone nhưng phần mềm này có thể sử dụng trên máy tính hoặc bất cứ loại điện thoại hỗ trợ nào.

Cơ chế giả danh

Thông tin người gọi (Caller ID) có thể bị giả mạo bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng thông dụng nhất là qua VoIP hoặc đường PRI (nằm trên mạng ISDN với nhiệm vụ truyền tín hiệu thoại và dữ liệu giữa mạng lưới và người dùng). Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn có thể che giấu thông tin người gọi bằng việc chuyển tín hiệu truy cập sang mạng SS7 và VXML (hiện rất ít được sử dụng).
 

 Ảnh minh họa

 Giao diện của một phần mềm giả danh điện thoại.


Một phương pháp lợi dụng khác là mô phỏng tín hiệu Bell 202 FSK, chủ yếu là sử dụng phần mềm tạo ra tín hiệu gọi đến số điện thoại của người dùng. Tuy nhiên, kỹ thuật này chủ yếu là lừa người dùng rằng đang có một số điện thoại nào gọi tới, nhưng trên thực tế kẻ chủ mưu lại không sử dụng bất cứ số điện thoại nào gọi đi. Khi người dùng nhấc máy, tín hiệu sẽ được chuyển tiếp tới số điện thoại khác, do kẻ khác nói chuyện.

Trong trường hợp giả mạo vừa rồi ở Việt Nam, các cuộc gọi đều được thực hiện từ Internet vào mạng di động thông qua phần mềm được nêu ở trên. Phần mềm này kết nối với máy chủ cung cấp dịch vụ trên Internet, rồi chuyển cuộc gọi từ máy chủ về mạng viễn thông, rồi chuyển tới máy điện thoại đích. Khi gọi điện bằng phần mềm này, người gọi không cần sử dụng SIM nên có thể giả mạo bất cứ số điện thoại nào gọi đến.

Theo vnmedia.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top