Đào tạo nhân lực - giải pháp đột phá công nghệ thông tin

Thứ sáu, 27/11/2009 10:43

Trong 10 năm tới, công nghệ thông tin sẽ là ngành có tiềm năng phát triển mạnh nhất ở nước ta với tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính gấp 3 lần tốc độ phát triển kinh tế, đòi hỏi sự đột phá từ nguồn nhân lực để đáp ứng sự phát triển này.

img

Hội thảo quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam 2009 được tổ chức sáng nay (26/11) tại Hà Nội thu hút hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế cùng tham dự.

Đây là diễn đàn quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước, những nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và các doanh nghiệp CNTT cùng chia sẻ, đánh giá và đưa ra các chiến lược, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành CNTT Việt Nam phù hợp với tiềm năng của đất nước và xu thế phát triển của thế giới, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong thời gian tới.

Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận định: “Nếu lao động CNTT Việt Nam chỉ có lợi thế là chi phí thấp nhưng thiếu kỹ năng và kiến thức phù hợp thì sẽ không có nhiều giá trị với các nhà đầu tư và chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm sắp tới".

Hiện cả nước có 295.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 55% làm việc trong các doanh nghiệp phần cứng, điện tử, 25% hoạt động ở các công ty phần mềm và 20% nghiên cứu ở các đơn vị nội dung số. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực phần cứng là 10% và phần mềm, nội dung số là 50%/năm.

Các tham luận tại hội thảo cũng cho thấy vấn đề nổi cộm đối với ngành CNTT đó là nguồn nhân lực chuyên về CNTT.

Trong 5 năm tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, các hội ở các cấp cần bổ sung thêm 15.000 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên về CNTT. Ngành Y tế cần bổ sung thêm 4.000 người có trình độ cao đẳng, đại học về CNTT. Tại các cơ quan, doanh nghiệp khác cũng thiếu khoảng 517.000 người có trình độ cao đẳng, đại học về CNTT. Tổng cộng đến năm 2015 chúng ta cần bổ sung thêm 536.000 lao động cho ứng dụng CNTT.

Nhu cầu quá cao về nguồn nhân lực như một sức ép lớn đối với các cơ sở đào tạo cũng như các DN trong lúc số lượng trường đại học có mã ngành đào tạo về CNTT tuy tăng cao hàng năm, nhưng đến năm 2012 tổng số sinh viên ngành CNTT ra trường mới chỉ đạt con số hơn 80.000 người.

Mặt khác, các doanh nghiệp CNTT nhận xét chất lượng sinh viên ra trường hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là giáo trình lạc hậu, chưa bắt kịp sự phát triển của ngành. Thêm vào đó, trình độ giảng viên còn hạn chế và đặc biệt là cơ sở đào tạo rất thiếu về hệ thống tài liệu tham khảo chuyên ngành.  

Đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của CNTT

5 công ty CNTT lớn của thế giới là: Intel, Campal, Samsung, Foxxon (Hồng Hải) đã quyết định đầu tư vào Việt Nam gần 10 tỷ USD để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông…Những hoạt động đầu tư này đã mở ra một làn sóng đầu tư vào nước ta để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đồng thời cung ứng dịch vụ chất lượng cao về CNTT. Tuy nhiên lo lắng lớn nhất của các nhà đầu tư là tìm được đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cao của họ với mức chi phí thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới. 

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có nghiên cứu và phân tích kỹ về triển vọng cũng như sự phát triển công nghiệp nội dung số và dịch vụ trên internet trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đưa lĩnh vực này xuất khẩu đồng thời cạnh tranh trong nước tốt hơn nữa.

Ngoài ra, cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT hoạt động lâu năm (từ 5 năm trở lên), có uy tín với thị trường để giúp họ phát triển nhanh và bền vững trong nước, từ đó có thể từng bước đầu tư ra quốc tế. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND. TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét sớm thực hiện đề án phát triển các khu công nghiệp phần mềm mang thương hiệu Công viên phần mềm Quang Trung trên phạm vi toàn quốc.

“Có làm được như vậy thì mới có thể đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của CNTT cũng như những yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top