Hiệu quả ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục Yên Bái

Thứ tư, 29/08/2012 16:32

Trong 5 năm qua, việc ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục Yên Bái đã có những chuyển biến vượt bậc; góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

img

Ngành đã tham mưu với tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm đảm bảo đủ giáo viên đạt chuẩn, có chất lượng tốt để giảng dạy bộ môn tin học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập trung các nguồn lực đầu tư đưa tin học vào nhà trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập các môn học, nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Trong mỗi năm học, Sở giáo dục đều có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai thực hiện, cuối năm học có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng phương hướng trọng tâm thực hiện trong năm học tiếp theo. Sở đã chủ động phối hợp với Viettel và VNPT Yên Bái trong việc triển khai kết nối Internet; đến tháng 12/2010, 100% các cơ sở giáo dục đã hoàn thành việc kết nối Internet.

Từ năm 2006, Yên Bái là một trong những Sở Giáo dục và Đào tạo của cả nước có Cổng thông tin điện tử và hệ thống email riêng; từ đó đến nay, toàn ngành đã có thêm 40 trang thông tin điện tử và đã thiết lập địa chỉ thư điện tử cho tất cả các đơn vị, trường học. Tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống thư điện tử của Bộ và của Tỉnh đồng thời có những quy định để các đơn vị tích cực sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống thư điện tử. Đến nay, 100% các giao dịch, trao đổi thông tin, quản lý, điều hành từ Sở tới các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh được thực hiện qua email.

Ngành đang sử dụng và chỉ đạo các đơn vị sử dụng các phần mềm EMIS, PMIS, VEMIS, phần mềm kế toán Misa... để cập nhật và tổ chức khai thác hiệu quả trong quản lý. Thành lập tổ công nghệ thông tin thuộc Sở để tham gia nghiên cứu, triển khai các phần mềm phục vụ giảng dạy và học tập cho các cơ sở giáo dục như phần mềm sắp xếp thời khóa biểu, các phần mềm về thi và một số ứng dụng trong giảng dạy ở các cấp học như phần mềm dinh dưỡng, phần mềm Kidsmart ở mầm non; các phần mềm học tập tiếng Anh, mô phỏng thí nghiệm ở các cấp học... Tại cơ quan Sở đã sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử eOffice trong quản lý văn bản đi - đến, trao đổi thông tin nội bộ từ năm 2008.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, chú trọng và xác định là một trong những khâu quan trọng để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng tin học cho hơn 400 cán bộ quản lý, giáo viên của các đơn vị, trường học. Phối hợp với Công đoàn ngành, vận động cán bộ, giáo viên tự đầu tư máy tính; hiện tại, tỷ lệ giáo viên có máy tính riêng ở bậc mầm non đạt 45,1%, tiểu học: 46,0%; trung học cơ sở: 57,5%; trung học phổ thông đạt 83,7% và giáo dục thường xuyên đạt 76,2%.

Ngành đã tích cực triển khai họp qua mạng với Bộ và tổ chức giao ban trực tuyến với các đơn vị, các cơ sở trong tỉnh; hiện tại 7/9 huyện, thị đã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai họp, dạy học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng.

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã có máy tính; 17% trường tiểu học, 39% trường trung học cơ sở và 100% các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã có phòng máy phục vụ dạy học. Tỷ lệ số học sinh/1 máy tính ở bậc trung học cơ sở đạt 32,4; trung học phổ thông đạt 17,2, giáo dục thường xuyên đạt 26,5. Về cơ bản đã đáp ứng được số máy tính tối thiểu ở bậc trung học phổ thông.

Với những kết quả đạt được liên tục từ năm học 2007-2008 đến nay, Yên Bái đều nhận được Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng có thành tích xuất sắc nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi toàn quốc môn Tin học của tỉnh đã đạt 2 giải Ba, 2 giải khuyến khích.

Ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái chia sẻ trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thì việc quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực, đối với ngành giáo dục và đào tạo, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là rất quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả trang thiết bị được đầu tư. Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng về nhận thức đối với cán bộ quản lý, giáo viên; mở các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của các cơ sở trường học; quan tâm đến việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin và nền tảng phát triển, triển khai ứng dụng, cơ sở dữ liệu. Triển khai các phần mềm phải tuân thủ nguyên tắc thí điểm trước, sau đó đánh giá, xem xét và rút kinh nghiệm và triển khai mở rộng. Từ đó nhân rộng và giới thiệu những mô hình tập thể, cá nhân có kinh nghiệm hay trong toàn ngành, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, trên cơ sở đó phát huy sức sáng tạo của đội ngũ, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.

Hàng năm, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học phải đặt mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể cho từng cấp học, đạt được những mục tiêu cụ thể. Trong công tác chỉ đạo, có các hình thức cụ thể như tăng cường tổ chức họp trực tuyến, có các quy định cụ thể các loại công văn giấy tờ buộc phải giao dịch trên môi trường mạng, tích cực hỗ trợ các cơ sở như đầu tư xây dựng website, hỗ trợ kỹ thuật trong việc tổ chức họp trực tuyến...

Để tiếp tục nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đồng thời tiếp tục đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin, trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Phấn đấu đến năm học 2012-2013 có 20% số trường tiểu học, 50% số trường trung học cơ sở có đủ giáo viên đạt chuẩn về đào tạo dạy tin học. Tăng cường lực lượng giáo viên đạt trình độ cử nhân, kỹ sư và thạc sỹ về công nghệ thông tin. Ưu tiên tuyển dụng mới giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn về Tin học. Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng kiến thức tin học, kỹ năng về công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý giáo dục ở các đơn vị, cơ sở giáo dục.

Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống họp trực tuyến với ít nhất 9 điểm cầu trực tuyến vào năm 2012. Phấn đấu ít nhất 50% số trường trung học cơ sở, 20% số trường tiểu học có phòng máy tính và máy chiếu phục vụ giảng dạy môn tin học.

Đầu tư thiết bị, phần mềm tin học thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non, ưu tiên trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm... Tiếp tục chỉ đạo đưa tin học vào trường tiểu học với quan điểm là một môn học tự chọn; phấn đấu các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đều có phòng máy vi tính phục vụ dạy học.

Bên cạnh đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, giảng dạy đối với các cơ sở giáo dục. Phấn đấu tăng số lượng Website trường học và nâng cao chất lượng hoạt động của các website trường học. 100% các cơ sở giáo dục sử dụng và khai thác các phần mềm quản lý; giáo viên những trường có máy tính và máy chiếu đều có thể triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ giáo dục, dạy và học điện tử e-Learning; xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện học liệu điện tử; tích hợp các modul giáo trình và sách giáo khoa điện tử, đề thi trắc nghiệm, phần mềm thí nghiệm ảo, học liệu đa phương tiện, bài giảng, bài trình chiếu, giáo án của giáo viên, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,…

Trang bị hệ thống bảo mật, xây dựng hệ thống mạng riêng ảo để cung cấp dữ liệu trong toàn ngành; duy trì thiết bị và đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị tin học, hệ thống mạng LAN, đầu tư mới máy chủ cho các phòng Giáo dục và đào tạo (01 máy chủ/phòng), đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ công tác họp trực tuyến, hội thảo qua mạng,...

Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Sở để đảm bảo phục vụ tốt hơn công tác quản lý điều hành, đồng thời tích hợp website của các đơn vị, tạo các Website đơn vị, trường học trên Cổng thông tin điện tử. Xây dựng hệ thống thông tin tổng thể của ngành Giáo dục và đào tạo dựa trên phát triển, triển khai có hiệu quả phần mềm VEMIS.

Thanh Bình
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top