Triển khai dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Chủ nhật, 25/12/2022 15:30

Sáng 25-12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

20221225-m03-dvc.jpg 

Ảnh minh họa

Hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu

Về kết quả thực hiện các dịch vụ công, Đề án 06 đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận như: Cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú... Hiện đang triển khai thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

“Nhờ đó đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại. Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, khắc phục tình trạng không có sim điện thoại chính chủ” - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí. Trong đó, việc đăng ký thi trực tuyến đã tiết kiệm 50 tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ; ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên, cha mẹ không phải nghỉ làm để nộp hồ sơ; giảm thiếu áp lực với an toàn giao thông trong thời gian cao điểm. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm “tham nhũng vặt”.

Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Đề án 06 bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Đồng thời, ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế (tiết kiệm tiền in thẻ bảo hiểm y tế giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021). Tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền (tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ), bảo đảm xác thực đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...

Về phát triển công dân số, ngày 18-7-2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Đến ngày 22-12-2022, hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Trong đó, có trên 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt. Công tác cấp căn cước công dân gắp chip điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân. Thẻ căn cước công dân cùng với tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân, tạo nền tảng để triển khai các tiện ích về dịch vụ công và phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, theo lộ trình Đề án 06 thì đến nay vẫn còn một số công việc quá hạn, trong đó có 5 dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thành thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg, ngày 4-4-2022 của Chính phủ chưa hoàn thành theo lộ trình đề ra trong Quý III-2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân Tối cao chưa kết nối được dữ liệu theo lộ trình đề án.

Trên cơ sở đó, năm 2023, ngoài việc tập trung hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ còn chậm tiến độ năm 2022 trong thời gian nhanh nhất, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ.

Hà Nội cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Trong đó, tập trung nhân rộng, triển khai trên toàn quốc với 2 dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc trong tháng 1-2023. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về đất đai, Cơ sở dữ liệu về nhà ở, Cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe, Cơ sở dữ liệu người có công đế phục vụ tái cấu trúc quy trình cắt giảm các giấy tờ có liên quan.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 06 thành phố cho biết, năm qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính; đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), đảm bảo hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022. Đồng thời, thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và khai thác các tiện ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: 6.018.769 thẻ căn cước công dân - 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng nêu thực trạng, việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp, đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng (khoảng 20 - 30%/khoảng 4,5 triệu công dân từ 16 đến 60 tuổi - nhóm đối tượng tham gia thực hiện tốt các giao dịch trên môi trường điện tử).

Trên cơ sở xác định được nguyên nhân và kinh nghiệm triển khai từ năm 2016 khi thành phố triển khai các dịch vụ công trực tuyến liên thông, thành phố tiếp tục thực hiện phương châm mục tiêu xác định “Người dân biết – Người dân sử dụng – Người dân tuyên truyền”. Đây là phương thức “lan tỏa” hữu hiệu nhất để tăng hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông như hiện nay. “Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… thì chính người dân sẽ là “tuyên truyền viên” hữu hiệu nhất, sự chia sẻ và truyền đạt qua kết quả trải nghiệm của người dân với bạn bè, người thân” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh./.

Đình Hiệp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top