Liều "vắc-xin số" kịp thời cho trẻ em

Chủ nhật, 05/06/2022 09:08

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) công nghệ số đã và đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

20220905-ta16.jpg

Tác động của môi trường mạng

Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi lớn dưới tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trẻ em, những công dân tương lai của thời đại số, được sinh ra trong thời kỳ phát triển của Internet được xem như một phần tất yếu của cuộc sống, đặc biệt trong đại dịch khi nhiều hoạt động phải diễn ra trong môi trường số.

Theo kết quả đo lường từ xa của Kaspersky, trong nửa đầu năm 2020, cùng với sự gia tăng của các hoạt động giáo dục và truyền thông trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, gần 40% trẻ em Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin; 38% truy cập nhiều phần mềm, bài hát và video trực tuyến.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và thiết thực, môi trường mạng ngày nay còn tiềm ẩn nhiều cạm bẫy và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Một nghiên cứu khác từ Kaspersky cũng cho thấy ngày càng có nhiều người lợi dụng tính ẩn danh của thế giới số. Tính năng ẩn danh đang được sử dụng nhiều nhất ở Đông Nam Á với 35% người dùng, kế đó là Nam Á với 28% và Australia với 20%.

Trong số này, mạng xã hội (MXH) có nhiều người dùng ẩn danh nhất là Facebook (chiếm 70%). Ẩn danh trực tuyến cho phép các cá nhân tự do theo đuổi sở thích của họ và thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, đồng thời, việc ẩn danh cũng khiến kẻ xấu dễ dàng thực hiện các hành vi thao túng, quấy rối, uy hiếp trên không gian mạng và trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tấn công nhất.

Liều "vắc-xin số" cho trẻ em

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn mạng cũng như kỹ năng sử dụng Internet cho phụ huynh và học sinh, cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin (ATTT) 2022" do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đồng tổ chức, đã diễn ra từ ngày 3/3 đến ngày 24/3/2022. Chỉ trong 3 tuần, cuộc thi đã thu hút gần 600.000 học sinh đến từ gần 6.000 trường THCS trên cả nước tham gia.

Nhờ những ý nghĩa thiết thực, cuộc thi được coi là liều "vắc-xin số" để trẻ em tự bảo vệ mình và phát triển an toàn, lành mạnh trong không gian số.

Tại buổi lễ tổng kết cuộc thi ngày 8/4, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT cho biết đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức và trong năm tới, cuộc thi sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa. Cuộc thi có thể mở rộng cho học sinh tiểu học, THPT và trong khu vực ASEAN. Trong 15 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ TT&TT, VNISA tổ chức cuộc thi sinh viên với ATTT. Cuộc thi đã được mở rộng ra khu vực ASEAN từ năm 2019.

Bộ GD&ĐT từ năm 2018 đã ban hành chương trình giáo dục mới trong đó học sinh các trường THCS bắt buộc học tin học, trong đó có kiến thức liên quan đến ATTT sẽ được tăng lên từ đó các em tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, theo đó, quy định các quy tắc ứng xử trong nhà trường, học sinh, phụ huynh.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng huy động các nguồn lực xã hội phối hợp với Microsoft triển khai đào tạo bồi dưỡng kỹ năng CNTT, trong đó có kỹ năng ATTT cho học sinh; phối hợp với UNICEF xây dựng khung năng lực số cho học sinh.

Đồng hành với con cái với tinh thần cởi mở và hiểu biết

Chia sẻ nhiều thông tin hữu ích với phụ huynh và nhà trường xoay quanh chủ đề bảo vệ trẻ em khi trực tuyến, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho biết: "Thực tế ngày nay, trẻ em khi sinh ra đã cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh (smartphone), và các bậc cha mẹ ngày nay đang nuôi dạy con cái trong một thế giới rất khác so với thời cha mẹ của họ. Thế giới trực tuyến có đầy những bài học, thông tin và niềm vui. Nếu smartphone được sử dụng đúng cách, nó có thể mang lại những lợi ích to lớn cho trẻ em".

Tuy nhiên, ông Khanh chia sẻ "các bậc cha mẹ cũng cần nhận thức rõ về tác hại có thể xảy ra với trẻ em và thanh thiếu niên khi các em bị cuốn vào thế giới mạng phức tạp mà không có sự tư vấn, hướng dẫn và giám sát phù hợp".

Để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn hơn trong một thế giới số, các bậc phụ huynh cần đồng hành với con cái với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Đồng thời trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình.

Các bậc phụ huynh cũng thảo luận với con về thời gian dành cho mạng xã hội để cân bằng các hoạt động thể chất khác. Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt, thực hành những gì bạn rao giảng để con bạn tin tưởng và hiểu rằng bạn chỉ muốn bảo vệ chúng.

Cha mẹ cũng tìm hiểu về các bài đăng trên MXH của con và những người bạn mà chúng giao tiếp và ngăn chúng truy cập các trang web không an toàn bằng cách hạn chế một danh mục cụ thể.

"Đây có thể coi là một công cụ đắc lực trong việc hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ khám phá thế giới trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả", ông Khanh cho hay.

Cha mẹ cũng có thể chọn một giải pháp và công cụ bảo mật toàn diện để giúp bảo vệ trẻ em khỏi các mối đe dọa trên mạng. Điển hình, với giải pháp Kaspersky Safe Kids do Kaspersky nghiên cứu, phụ huynh có thể quản lý thời gian truy cập, cũng như giám sát các hoạt động trực tuyến của con em mình khi sử dụng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh.

Ngoài ra, tính năng tìm kiếm an toàn trên YouTube sẽ giúp hạn chế các kết quả tìm kiếm không phù hợp với lứa tuổi như nội dung liên quan đến ma túy, nội dung người lớn.

Vai trò của báo chí và DN số

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025", Bộ TT&TT đã kịp thời thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, xã hội, các DN cung cấp các sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các cơ quan báo chí.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng các DN số tham gia vào mạng lưới có vai trò quan trọng khi các DN tạo được những sản phẩm tăng tính tương tác lành mạnh thì chắc chắn những cái tốt sẽ đến với trẻ em, gia đình và cộng đồng xã hội.

Bà Nga cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hai lực lượng đồng hành với mạng lưới là phụ huynh và phóng viên báo chí.

Theo bà Nga, vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa bảo vệ được đầy đủ bí mật riêng tư của trẻ em và bí mật của gia đình. "Tham gia bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng cần sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần sự đồng hành, lan toả của các tổ chức tham gia vào mạng lưới".

Đại diện cho DN công nghệ số, ông Lê Anh Vũ, CMC Telecom cho biết đơn vị này đã làm việc với nhiều đối tác trên thế giới như Google, Amazon,… Các công ty này và một số nước trên thế giới như Mỹ đều có tiêu chuẩn cụ thể về bảo vệ trẻ em nên Việt Nam cũng cần xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy tắc liên quan để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Là đơn vị cung cấp hạ tầng số, nhà cung cấp dịch vụ, ông Vũ cho biết CMC Telecom xây dựng nền tảng, ứng dụng an toàn cho phụ huynh để giúp quản trị nội dung, ứng dụng phù hợp với trẻ em. Các sản phẩm được phát triển với tính năng tuỳ biến theo hành vi của học sinh, sinh viên để xây dựng môi trường an toàn cho các em.

Theo đại diện của World Vision và Child Fund Việt Nam, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần coi các em là đối tác chứ không chỉ là người thụ hưởng. Các em cũng là những người có thể đưa ra sáng kiến để tự bảo vệ mình./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top