CMC: Nhiều doanh nghiệp Việt đang bảo vệ mình bằng giải pháp bảo mật lạc hậu

Thứ năm, 25/08/2016 18:54

Theo nhận định của chuyên gia đến từ IBM và CMC Telecom, trong khi năng lực tấn công của các băng nhóm tội phạm mạng đang ngày càng nâng cao thì các giải pháp bảo mật truyền thống của nhiều doanh nghiệp Việt không còn bền vững, không mang lại hiệu quả an toàn.

 

20160922-n14.jpg

Các giải pháp bảo mật truyền thống của nhiều doanh nghiệp Việt không còn bền vững trước các nguy cơ.

Tại hội thảo“Hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 20” do Bộ TT&TT tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 25/8, các chuyên gia đến từ IBM và CMC Telecom nhận định, hiện nay, các giải pháp bảo mật truyền thống của nhiều doanh nghiệp Việt không còn bền vững và mang lại hiệu quả an toàn.

Năng lực tấn công của các băng nhóm tội phạm mạng ngày càng được nâng cao, sự thiếu hụt về nhân lực quản trị CNTT cao cấp, sự phát triển tốc độ của điện toán đám mây, di động và IoT cùng với sự chủ quan của doanh nghiệp trước các cảnh báo bảo mật… chính là những lý do lớn dẫn đến những sự cố liên quan đến bảo mật thông tin của doanh nghiệp.

Khảo sát của IBM cho thấy, trong khi 50% các CEO đồng ý cho rằng sự hợp tác là cần thiết để chống lại tội phạm mạng, nhưng chỉ một phần ba trong số họ sẵn sàng chia sẻ thông tin sự cố an ninh của tổ chức mình ra bên ngoài, 68% còn lại miễn cưỡng chia sẻ thông tin chỉ khi sự cố của gây thiệt hại nhất định và truyền thông vào cuộc.

Theo các báo cáo về an ninh bảo mật tại Việt Nam, tình trạng đánh cắp dữ liệu khách hàng và xâm nhập vào hệ thống quản trị của doanh nghiêp là mối đe dọa lớn nhất đối với uy tín và hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp Việt.

Ông Ngô Trọng Hiếu, Tổng Giám đốc CMC Telecom nhấn mạnh, các mục tiêu của tội phạm mạng đang ngày càng mở rộng, hình thức tấn công tinh vi nhằm thu thập và tận dụng các dữ liệu có giá trị cao. Các nhóm tội phạm cũng đang không ngừng câu kết với nhau, chia sẻ hạ tầng để triển khai các chiến dịch tấn công. Các tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn bị thật tốt cho thử thách này.

Nghiên cứu của IBM và Viện nghiên cứu Ponemon đưa ra trong năm 2015 cho thấy, tổng chi phí trung bình của một sự cố rò rỉ dữ liệu tại 350 công ty tham gia vào nghiên cứu này đã tăng từ 3,52 triệu USD trong năm 2014 lên 3,79 triệu USD trong năm 2015. Chi phí trung bình cho mỗi bản ghi có chứa thông tin nhạy cảm và bí mật bị mất hoặc bị đánh cắp tăng từ 145 USD/ bản ghi trong năm 2014 lên 154 USD/ bản ghi trong năm 2015.

img
Tấn công Malware tăng vọt tại các quốc gia.
Trung tâm nghiên cứu X-Force của IBM cũng chỉ rõ các kỹ thuật tấn công mới như Malware di động đang ngày càng thịnh hành, trong khi các kiểu tấn công "cổ điển" như DDoS và POS phần mềm độc hại tiếp tục có hiệu lực do thiếu các biện pháp ninh an toàn, bảo mật cơ bản.
 
Malware tăng vọt tại các quốc gia mục tiêu là biểu hiện của sự gia tăng về độ tinh vi và khả năng tổ chức các nhóm tội phạm quy mô lớn, chứ không chỉ là vài thay đổi đơn giản để cấu hình lại các tập tin.
 
Trong khi đó, đáng chú ý là chi phí đầu tư cao cho hệ thống bảo mật luôn cần cập nhật và hạn chế về nguồn lực CNTT cao cấp là những trở ngại lớn nhất trong việc nâng cao “sức đề kháng” cho doanh nghiệp hay xử lý các cuộc tấn công thông tin tại Việt Nam.
 
Vì lý do đó, các dịch vụ thuê ngoài về an ninh bảo mật ra đời nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc quản lý và giám sát an ninh tài sản, nghiên cứu cảnh báo trước khi xảy ra các mối đe dọa, phát hiện và khắc phục hậu quả, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro và tuân thủ trên cơ sở chia sẻ dịch vụ cùng lúc cho nhiều khách hàng.
 
“Tính hiệu quả về chi phí và độ an toàn về thông tin cao sẽ là nhân tố chính để thị trường Việt Nam “mở cửa” đón nhận loại hình thuê ngoài dịch vụ này”, đại diện CMC Telecom cho hay.
 
Trên thế giới, loại hình thuê ngoài dịch vụ đang phát triển mạnh. Theo Allied Market Research, thị trường dịch vụ thuê ngoài về an ninh bảo mật toàn cầu dự kiến đạt 29,9 tỷ USD trong năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng CAGR 15,8% trong giai đoạn 2014-2020.
 
Trao đổi tại hội thảo, ông Eric CW YEO, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam cũng cho rằng môi trường kinh doanh ngày nay đang ngày càng được kết nối chặt chẽ và các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo với tốc độ rất nhanh để có thể bảo vệ khách hàng trước những nguy cơ về an ninh bảo mật. Thông qua việc chia sẻ các thông tin phân tích chuyên sâu và tích hợp về công nghệ, IBM hướng tới tăng cường các chương trình về an ninh bảo mật của khách hàng, đồng thời tạo ra mô hình hợp tác mới trong ngành CNTT.
 
Là hãng cung cấp số 1 về phần mềm và dịch vụ bảo mật doanh nghiệp tại 133 quốc gia trên thế giới (theo Technology Business Research TBR, 2016), tại Việt Nam, IBM đã lựa chọn CMC Telecom là đối tác chiến lược cung cấp dịch vụ thuê ngoài về an ninh vảo mật của IBM (Managed Security Services) tới các doanh nghiệp Việt.
 
Mục tiêu của CMC Telecom là cung cấp ra thị trường các giải pháp về an ninh bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế của IBM; như quản lý danh tính và quyền truy cập, quản lý thông tin về an ninh bảo mật và quản lý sự cố, an ninh cơ sở dữ liệu, quản lý rủi ro, quản lý thiết bị đầu cuối, chống xâm nhập…
 
Các dịch vụ này sẽ hỗ trợ bảo vệ doanh nghiệp khỏi nguy cơ tội phạm mạng và các rủi ro về an ninh bảo mật khác; đồng thời cũng sẽ cung cấp tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam những thông tin chuyên sâu về an ninh mạng và hỗ trợ các đơn vị này tiến hành các biện pháp toàn diện nhằm bảo vệ con người, dữ liệu, các ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin.
Phan Minh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top