Các doanh nghiệp viễn thông và CNTT cần có bước chuyển mình phù hợp để phát triển trong nền kinh tế số

Thứ sáu, 06/04/2018 15:15

Ngày 6/4/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo — Triển lãm quốc tế 4G/5G năm 2018 với chủ đề: “Thúc đẩy phát triến nền kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng - Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” do Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập doàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã tham dự và phát biểu khai mạc. Tham dự có đại diện các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam và quốc tế.

20180406-pg1-TTH.jpg

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhận định, thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm vừa qua tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G, sự phát triển của các công nghệ này đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn.
 
Các doanh nghiệp viễn thông và CNTT cần có bước chuyển mình phù hợp, có những phương án đầu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển, Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, tại Hội thảo hôm nay, các nhà khai thác viễn thông, các doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ cùng thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trên nên tảng 4G, hoạch định những chính sách phát triển hạ tầng băng rộng chuẩn bị cho 5G.
 
20180406-pg2-tc.jpg
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
 
Tại Hội thảo, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ khẳng định, “5G là mạng trụ cột cho cách mạng công nghiệp 4.0. Việc chuyển sang 5G có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội”.
 
Còn ông Woojune Kim, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc phát triển sản phẩm và chiến lược phát triển kinh doanh, Bộ phận kinh doanh Networks của Samsung Electronics cho biết: Vào nửa cuối năm 2018 Mỹ sẽ là nước đầu tiên trên thế giới cung cấp thương mại dịch vụ 5G còn Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ vào năm 2020.
 
Dịch vụ 5G không chỉ là điện thoại thông minh mà sẽ là nhiều dịch vụ khác như: tàu hỏa siêu tốc 5G, sân vận động 5G, xe tự lái…
 
Ông Woojune Kim cũng cho rằng việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển các dự án về đô thị thông minh vì nói đến đô thị thông minh là cần đến kết nối các camera CCTV, các thiết bị cảm ứng, wifi… Hiện nay, có rất ít đô thị thông minh trên toàn thế giới.
 
Tại Hội thảo, trong phiên tọa đàm với chủ đề “Xu hướng phát triển và chuyển đổi từ 4G tiên tới 5G” với sự tham gia của các đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông của Việt Nam, Campuchia, Lào và đại diện của Samsung, Huawei, Qualcomm, các vị này đã chia sẻ về tình hình phát triển 3G, 4G tại đất nước mình và những kinh nghiệm thực tiễn từ việc triển khai.
 
Đại diện Cục Viễn thông Lào cho biết, Lào đã triển khai 4G từ năm 2016, tuy nhiên mức phí vẫn khá cao so với khu vực và đặc biệt là so với mức thu nhập của người dân vì thu nhập của người dân nước này vẫn còn khá thấp. Vị đại diện này cũng khẳng định, cho dù có tiến tới 4G, 5G cũng sẽ không loại bỏ 2G, 3G vì ở những vùng nông thôn của Lào nhiều nơi thậm chí còn không có mạng. Do đó vẫn phải duy trì công nghệ thấp để phục vụ người dân nơi vùng sâu, vùng xa.
 
Đại diện Tổng cục Bưu chính Viễn thông Campuchia chia sẻ, nước này hiện có 6 nhà mạng và 4G đã được triển khai ở đây từ năm 2014. Tuy nhiên, cũng giống như Lào, 3G, 4G mới chỉ phổ biến ở khu vực thành thị. Ở vùng nông thôn, 3G, 4G vẫn còn là xa xỉ.
 
Đại diện Ủy ban Viễn thông và Phát thanh truyền hình Thái Lan cũng đồng quan điểm với Lào và Campuchia về việc không sớm loại bỏ 2G, 3G vì vùng nông thôn vẫn sử dụng nhiều. Trong vài năm tới, khi Thái Lan triển khai 5G, nếu có tính đến loại bỏ 3G thì sẽ phải tiếp cận từ góc độ người tiêu dùng.
 
* Trong phiên buổi chiều, có hai phiên thảo luận với chủ đề: “Phát triển dịch vụ nội dung số: Xu hướng và giải pháp công nghệ” và “Phát triển thanh toán và thương mại điện tử (TMĐT) với công nghệ đột phá trên nền tảng 4G LTE”.
·
* Diễn ra song song với Hội thảo là Triển lãm công nghệ 4G LTE 2017 với các sản phẩm công nghệ tiên tiến đến từ các đơn vị như Qualcomm, VNPT, Huawei, ZTE, Netnam, DTAsia ...
  
Giang Phạm
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top